Bạn hữu với Thiên Chúa

Đức Giêsu gọi các môn đệ là bạn hữu. Đức Giêsu không chỉ bày tỏ cho các môn đệ rằng Người quan tâm tới họ và mưu cầu lợi ích cho họ. Người còn thích làm bạn của họ và muốn ở lại với họ. Người ăn với họ, chia sẻ mọi sự Người có với họ – thậm chí những suy nghĩ sâu kín nhất của mình. Và Người dành cả đời mình để tìm lợi ích cho họ. Biết Đức Giêsu là biết Thiên Chúa, và hiểu được tình yêu và tình bằng hữu Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta.
Một trong những dấu hiệu đặc biệt ưa thích được thấy trong Kinh thánh là được gọi là bạn của Thiên Chúa. Abraham được gọi là bạn của Thiên Chúa (Is 41,8; Gc 2,23). Thiên Chúa nói chuyện với Môisen như một người nói chuyện với bạn mình (Xh 33,11). Phần mình, Đức Giêsu, là Chúa và là Thầy, gọi các môn đệ là bạn hữu hơn là tôi tớ.
Bạn hữu của Thiên Chúa có ý nghĩa gì? Bạn hữu với Thiên Chúa chắc chắn kéo theo mối quan hệ yêu thương vượt trên đơn thuần là bổn phận và vâng phục. Bài diễn từ của Đức Giêsu về tình yêu tình bằng hữu vang vọng lời cách ngôn: Bè bạn thương nhau mọi thời mọi lúc, vào ngày hoạn nạn chỉ có anh em (Cn 17,17). Điểm khác biệt về mối quan hệ của Đức Giêsu với các môn đệ là tình yêu cá vị của Người dành cho họ. Người yêu thương những người thuộc về mình cho đến cùng (Ga 13,1). Tình yêu của Người thì vô điều kiện và hoàn toàn hướng tới lợi ích của người khác. Tình yêu của Người cũng là sự hy sinh. Người đã cho đi cái tốt nhất Người có và tất cả những gì Người có. Người đã ban tặng chính mạng sống của mình cho những người Người yêu thương để bảo đảm cho họ sự sống vĩnh cửu với Cha.
Yêu đến chết
Chúa Giêsu ban cho các môn đệ điều răn mới – một con đường mới của tình yêu vượt trên việc cho đi chỉ những gì được đòi hỏi hay những gì chúng ta nghĩ người khác xứng đáng. Bản chất của điều răn mới yêu thương của Đức Giêsu là gì? Đó là yêu thương cho tới chết – một tình yêu tinh tuyền chiến thắng sự ích kỷ, sợ hãi, và kiêu căng. Đó là sự cho đi chính mình hoàn toàn vì lợi ích của người khác – một tình yêu vị tha và quên mình mà hướng tới việc đặt ích lợi của người khác trên bản thân mình.
Đức Giêsu nói rằng không có bằng chứng nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống mình vì người khác. Đức Giêsu minh chứng tình yêu của mình bằng việc hiến mạng sống mình cho chúng ta trên thập giá đồi Canvê. Qua việc đổ máu Người ra cho chúng ta, tội lỗi của chúng ta không chỉ được tẩy sạch, mà sự sống mới được ban cho chúng ta qua hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chúng ta minh chứng tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa và dành cho nhau khi chúng ta đón nhận con đường thập giá. Thánh giá trong cuộc đời tôi là gì? Khi ý tôi đối nghịch với ý Thiên Chúa, thì ý Thiên Chúa phải được thực hiện. Bạn có biết sự bình an và niềm vui của cuộc đời quy phục hoàn toàn trước Thiên Chúa và bị thiêu hủy với tình yêu của Người không?
Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Người là bạn hữu của chúng ta và Người yêu thương chúng ta với hết tấm lòng và vô điều kiện. Người muốn chúng ta cũng yêu thương nhau như Người yêu thương chúng ta, với hết tấm lòng và không giữ lại điều gì. Tình yêu của Người lấp đầy tâm hồn chúng ta và biến đổi trí óc chúng ta và ban cho chúng ta sự tự do để hiến mình trong sự phục vụ yêu thương đối với người khác. Nếu chúng ta mở lòng mình ra với tình yêu của Người và vâng phục lệnh truyền của Người để yêu thương tha nhân, thì chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái trong cuộc đời chúng ta, hoa trái ấy sẽ tồn tại đến muôn đời. Bạn có muốn sinh hoa trái và ở lại trong tình yêu Thiên Chúa không?
Lạy Chúa nhân lành, xin dạy chúng con biết phụng sự Chúa như Chúa xứng đáng, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu mà không màng đến đau thương, biết làm việc mà không tìm sự nghỉ ngơi, biết lao nhọc mà không đòi phần thưởng, ngoại trừ một điều là biết rằng chúng con đang thực hiện ý Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. (Lời cầu nguyện của thánh Inhaxiô thành Loyola)

Don Schwager (Paul Thanh Vu – chuyển ngữ)

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.