BÌNH AN CHO ANH EM
Hơn 48 tiếng đồng hồ trôi qua, kể từ khi Đức Giêsu bị bắt, chịu khổ hình trên thập giá và được mai táng trong mồ. Golgotha vẫn là nỗi ám ảnh các môn đệ. Con đường đau khổ mà Giêsu đã đi qua vẫn in hằn sâu trong tâm trí các ông. Những nghi nan ngờ vực, sự hoang mang lo lắng ngập tràn tâm hồn các ông. Các ông sợ hãi đến độ “ nơi các ông ở, các cửa đều đóng kín” cho đến khi, đó là vào một buổi chiều, “vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở” (Ga 20, 1).
Bầu không khí tĩnh lặng được phá tan bởi sự hiện diện đầy linh thiêng của Đức Giêsu Phục Sinh. Người đứng đó, giữa các ông – như người mục tử nhìn đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt. Người nhìn rõ thấu suốt tâm can các ông, sự bất an lộ rõ trên khuôn mặt mười một con người. Phêrô cũng như toàn thể mọi người đều bối rối “các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 37). Đức Giêsu với một lời nói đầy trìu mến đã thốt lên rằng: “Sao lại hoảng hốt, sao lòng anh em còn ngờ vực”. Và một động tác quen thuộc, Ngài đưa tay về phía các ông và nói: “BÌNH AN CHO ANH EM”. Sự hoang mang và ngờ vực, sự lo lắng và sợ hãi đã được thay thế bằng vui mừng hân hoan. Bàn tay và cạnh sườn Người in đậm dấu tích của vết đinh và mũi đòng.
Đức Giêsu tiến về phía các ông trách yêu: “Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” – “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Biết rõ các ông vẫn nửa tin nửa ngờ Đức Giêsu một lần nữa “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Và Người nói: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại… chính anh em là nhân chứng về những điều này”. Tôma từ nãy giờ đứng im như thóc, liền quỳ mọp xuống chân Đức Giêsu mà thưa: “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con.” Sự bất an được nhường chỗ cho sự bình an. Sự bình an đó dẫn dắt các ông sau khi các ông “nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22).
****
Một phút suy tư.
Thế giới hôm nay còn quá nhiều bất ổn. Ai dám chắc rằng vụ “09.11.2001” sẽ không còn tái diễn? Trận động đất ở Italia trước lễ Phục sinh là trận động đất cuối cùng trên trái đất này? Rồi vụ cháy rừng ở Australia với 173 người thiệt mạng!!! Chưa kể đến thảm họa hạt nhân vẫn đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta.
Không chỉ bất ổn mà còn cả bất an. Bạo lực học đường ! Bạo lực đường phố ! Bạo lực trong gia đình ! Phải chăng những lúc như thế, sự SỢ HÃI thống trị và đè nặng trên cuộc sống mỗi chúng ta?
Nhưng sẽ là tệ hơn nữa nếu chúng ta bất an và bất ổn trong chính tâm hồn của mình. Những lúc như thế “Bình an cho anh em” có là một món quà trên cả tuyệt vời cho mỗi chúng ta? “Bình an cho anh em” có là một lời chúc phúc mà hôm nay chúng ta vẫn còn cần nhận lãnh!
Đức Giêsu – sau khi phục sinh – Người không nói gì ngoài lời chúc tràn đầy tình yêu thương này: “BÌNH AN CHO ANH EM”. Chính Đức Giêsu, trước giờ tử nạn, cũng đã để lại lời chúc phúc này: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27).
Bình-an-cho-anh-em không chỉ dừng lại ở Giêrusalem, không chỉ được ban cho một nhúm nhỏ mười một các môn đệ. Nó đã được lan tỏa, lan tỏa như một cơn gió – đó chính là cơn-gió-ngũ-tuần – nó đã lan tỏa khắp mặt đất và lan tỏa đến với mỗi chúng ta. Hôm nay, chính chúng ta cũng được rờ-và-xem Ngài ngay tại bàn tiệc thánh và lời chúc phúc này chúng ta cũng được lãnh nhận qua vị chủ tế trong thánh lễ mỗi ngày: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”.
Trong những lúc cam go, sợ hãi và thử thách chúng ta sẽ phải làm gì? Đóng kín các cửa lại, hay chúng ta sẽ chạy đến bàn Tiệc Thánh để được chạm đến chính Đức Giêsu Kitô Phục Sinh và để nghe chính lời Ngài nói: “Peace be with you !” – “Bình an cho anh em” (Lc 24, 36).
petrus.tran
Dieser Beitrag wurde unter
Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den
Permalink.