Công Việc Của Cha

Một họa sĩ chuyên vẽ chân dung nọ di chuyển đến một thành phố nhỏ với hy vọng tìm được nhiều khách hàng. Vừa đến trước cửa thành, ông gặp ngay một người say rượu. Hai bên trao đổi với nhau và người say rượu đồng ý cho người họa sĩ vẽ chân dung của mình. Dù say túy lúy, gương mặt hốc hác, quần áo xốc xếch, người say rượu vẫn còn có thể ngồi yên để nhà họa sĩ làm việc. So với những khách hàng khác, thì đây là bức chân dung mà nhà họa sĩ phải tốn nhiều thời giờ nhất để vẽ. Đứng ngắm tác phẩm vừa được hoàn thành, người say rượu không thể cầm được sự ngạc nhiên: thay cho gương mặt chán đời của mình, anh thấy trong vức chân dung một nụ cười tươi tỉnh lạc quan; thay cho cách ăn mặc cẩu thả của mình, anh thấy mình được khoác lên một bộ quần áo lộng lẫy. Nhìn vào bức chân dung một lúc, anh lắc đầu và nói: “Người trong hình không phải là tôi”. Nhà nghệ sĩ trả lời một cách khéo léo vì đã biết nhìn xuyên qua bề ngoài để thấy vẻ đẹp nội tâm: “Thưa ông, đây là con người mà ông phải đạt đến”.

Mùa chay là mùa của thanh luyện, của hoán cải. Giáo Hội mời gọi chúng ta trở về: trở về với Chúa, với anh em, với bản thân. Tựu trung tội lỗi là một chối bỏ Thiên Chúa, khước từ anh em, đánh mất bản thân. Qua những việc làm của Mùa chay, như cầu nguyện, sám hối, hãm mình, thực thi bác ái. Giáo Hội muốn chúng ta tìm lại được chính bản thân như Thiên Chúa mong muốn. Bản thân ấy chúng ta chỉ có thể nhận ra khi nhìn ngắm Chúa Giêsu.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của Chúa Giêsu, Đấng hoàn toàn sống cho Thiên Chúa: “Ta đến không phải để làm theo ý Ta, nhưng là làm theo ý Đấng đã sai Ta”. Nên một với Thiên Chúa, thể hiện sự nên một ấy đến cùng, đó là con đường mà Chúa Giêsu đã chọn lựa và đi cho đến cùng. Thực thế, cái chết của Chúa Giêsu gắn liền với mầu nhiệm Ba Ngôi. Người Do Thái kết án Ngài không những vì Ngài không tuân giữ ngày hưu lễ, mà còn vì Ngài tự cho mình ngang hàng với Chúa Cha. Cái chết của Chúa Giêsu là một mạc khải về Chúa Cha. Cái chết của Chúa Giêsu nói lên tiếng xin vâng trọn vẹn với Chúa Cha. Qua cái chết ấy, quyền năng và tình yêu của Chúa Cha được tỏ bày.

Mùa chay thường gợi lại một thực hành có tính truyền thống trong Giáo Hội, đó là hãm dẹp thân xác, tức là tham dự vào cái chết của Chúa Giêsu từng ngày qua những hy sinh, quên mình, để cũng được chia phần vinh quang Phục Sinh của Ngài, nghĩa là mỗi ngày một biến đổi để trở thành con người mới cho đến khi đạt được tầm mức viên mãn của Ngài. Đó là bức chân dung mà mỗi Kitô hữu đều mang trong mình và mỗi ngày họ cố gắng họa lại bằng cả cuộc sống của họ. Cùng với Chúa Kitô, Đấng đã nên một với Chúa Cha trong tất cả mọi sự cho đến chết, xin cho từng giây phút cuộc sống chúng ta luôn là một thể hiện thánh ý của Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.