Cầu Nguyện

“Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” (Lc.6,12)

Có lẽ chúng ta đều ý thức được tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời ki-tô hữu, ví như việc ăn uống, hít thở không khí, luyện tập thể dục quan trọng đối với thể xác vậy. Nhiều người đã viết và nói rất hay về cầu nguyện. Chúa Giê-su không nói nhiều về cầu nguyện nhưng Ngài luôn cầu nguyện. Bởi thế, lời dạy của Ngài dành cho chúng ta trong Mùa Chay này không phải là một lý thuyết nhưng xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của Ngài: “Hãy vào phòng, đóng cửa lại mà cầu nguyện cùng Cha.”

“Hãy vào phòng” gợi lên một không gian riêng biệt và một chuyển động cần thực hiện. Đi lang thang ngoài phố chợ, bươn chải trên vạn nẻo đường, chúng ta cần đến một mái ấm để dừng chân, bồi dưỡng. Ở trong nhà, chúng ta dễ nhận ra mình trong mối tương quan với những người thân yêu và từ đó sự sống được nảy nở. Hẳn là khi Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ của mình “vào phòng” cầu nguyện, Ngài muốn họ ý thức và sống mối tương giao với Thiên Chúa thế nào, như lời ngôn sứ Hô-sê ghi lại: “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16). Thánh Phao-lô đã gặp được sự quyến rũ này, sau khi Ngài bị quật ngã trên đường đi Đa-mát, để rồi Ngài chỉ còn loan báo Tin Mừng chính Chúa tỏ lộ cho mình mà thôi (Gl 1,11-24). Giữa cuộc sống bôn ba, đầy những lo toan, chúng ta có nguy cơ chạy theo những cái không làm mình được hạnh phúc thật. Thánh Âu-tinh thổ lộ: “Lạy Chúa, những thụ tạo xinh đẹp đã quyến rũ con và con cứ chạy theo chúng. Con cứ mải mê với những thứ ở ngoài con, trong khi chính Ngài ngự trong con mà con không biết.” Vậy hãy vào phòng tâm hồn của chính mình để gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng tác tạo nên ta và luôn hiện diện cách kín ẩn. Trở vào cõi sâu thẳm của tâm hồn, chúng ta cũng gặp được chính mình trong nỗi khát khao mà chỉ một mình Thiên Chúa có thể lấp đầy. Nếu hiểu “phòng” là chính tâm hồn thì không phải chỉ khi vào nhà nguyện hay đi tĩnh tâm ta mới tìm ra căn phòng này! Trái lại, ở đâu ta cũng có thể “vào phòng” được. Sa mạc ở ngay trong ta, hãy bước vào! Chúa còn nói phải “đóng cửa lại” nữa, ta phải hiểu sao đây?

Đóng cửa lại” phải chăng để xa lìa thế giới bên ngoài, để trốn chạy cuộc đời, hay để tránh né cái nhìn của người khác? Từ ngữ truyền thống Giáo Hội quen dùng để chỉ về một thời gian cầu nguyện đặc biệt là “cấm phòng” phải chăng mang một ý nghĩa quan trọng hơn, tích cực hơn? Cha Maurice Zundel chia sẻ: Thiên Chúa liên lỉ nói với con người, nhưng những tiếng ồn ào che lấp đi, khiến họ không nghe được tiếng Ngài. Quả vậy, đã nhiều khi chúng ta không nghe được tiếng gọi của một ai đó vì đang bận bịu với những ý nghĩ riêng. Không ít lần chúng ta nghe người khác nói mà không chú ý thật sự điều họ muốn trình bày vì có những tiếng nói khác chen vào từ bên ngoài, hoặc do thành kiến bên trong. Giữa cuộc sống gia đình hay nơi làm việc, con người hiểu lầm nhau, xa cách nhau, làm khổ nhau cũng thường do không biết lắng nghe nhau cho thấu. Như thế, “đóng cửa lại” là tạo cho không gian tâm hồn mình thật tĩnh lặng, thanh thản, để tâm hồn không bị khuấy động hầu dễ dàng nghe được tiếng Chúa nói và tìm ra thánh ý của Ngài hơn. Chuyện kể ở nhà quê, một bà mẹ đọc kinh tối trong gia đình: “Kính mừng Maria, đã nhốt con gà chưa?… Thánh Maria, ra lấy quần áo vào…”! Cầu nguyện như thế thì liệu có thể nghe được gì và cuộc sống sẽ biến đổi ra sao?

Chúa Giê-su không chỉ khuyên chúng ta cầu nguyện trong sự thinh lặng, không để cho những tiếng nói khác chen vào làm che lấp đi Lời của Thiên Chúa. Ngài còn muốn chúng ta thanh luyện mình khỏi những bận tâm trước sự đánh giá của người khác, khi nêu lên hình ảnh những kẻ “thích đứng cầu nguyện ở các ngã ba ngã tư và trong các hội đường cho người ta thấy.” Họ cầu nguyện với ước muốn được người khác tôn vinh. Chúa gọi là “đạo đức giả” vì việc họ làm ngược với mục đích thật của cầu nguyện là phụng thờ, tôn vinh Thiên Chúa. Chắc chắn Chúa Giê-su không lên án việc cầu nguyện cộng đoàn, vì Ngài đã từng tham gia những buổi cầu nguyện như vậy. Ở đây, Ngài muốn chúng ta ý thức rõ: khi cầu nguyện, tâm của tôi thực sự hướng về đâu? Tôi tìm kiếm điều gì khi đến với Thiên Chúa là Đấng cao cả, cùng đích của mọi sự? Nhìn lại đời mình, không chừng tôi đã lạc xa con đường tự do khi cầu nguyện: lúc còn nhỏ, sợ cha mẹ la rầy nên siêng năng cầu nguyện; lớn lên, tiếng khen là thiếu nhi ngoan, thanh niên đạo đức ám ảnh không ít; bước vào đời tu, các tập sinh ráng cầu nguyện nghiêm chỉnh để cha (hay chị) giáo thấy có ơn gọi; làm bề trên thì không dám lơ là cầu nguyện vì phải “làm gương”! Tóm lại, tâm hồn bị bủa vây bởi những áp lực xoay quanh hình ảnh về chính mình nên chưa đi vào tâm điểm của cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa vì chính sự thu hút của Ngài, như kinh nghiệm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20,7). Vị ngôn sứ đi vào trong cõi riêng tư với Đức Chúa của mình. Chúa Giê-su cũng dạy các môn đệ tương tự như vậy.

“Cầu nguyện với Cha của anh.” Người ta bảo: “khi yêu nhau, hai người trong cuộc không còn thấy gì khác nữa.” Điều này có thể đúng với kinh nghiệm cầu nguyện phần nào không? Chắc chắn, Thiên Chúa muốn yêu thương từng người mà Ngài đã tạo dựng và cứu chuộc cách riêng tư, không ai giống ai. Tình yêu của Ngài đã diễn tả ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh: Ngài đi dạo với A-đam, Ngài gặp gỡ thân mật với Áp-ra-ham, Mô-sê, Ê-li-a,v.v. Tất cả những người này đều đã kinh nghiệm về những giây phút “lòng kề lòng” với Thiên Chúa là Đấng siêu vượt nhưng cũng thật gần gũi. Tuy vậy, điều Chúa Giê-su dạy xuất phát từ chính kinh nghiệm của Ngài với Chúa Cha, Cha của Ngài và cũng là Cha của từng người chúng ta. Ngắm nhìn những lần Chúa Giê-su cầu nguyện trong nơi hoang vắng, có khi thâu đêm hoặc những lúc bộc phát giữa cuộc sống đầy ắp công việc, chúng ta thấy tâm hồn Ngài kết hiệp với Cha thật thâm sâu và tự nhiên đến dường nào. Ngài muốn chúng ta cũng sống mối tương giao thân tình, sâu đậm và cá vị với Thiên Chúa là Cha mình như vậy.

Một cách cụ thể, tôi sẽ làm gì trước lời gọi mời của Chúa Giê-su? Tôi sẽ “vào phòng” khi nào? Tôi “đóng cửa lại” trong sự trầm lắng ngay khi thức giấc, trước mỗi công việc và khi màn đêm buông rơi? Lúc nào Cha cũng ở đó, dang vòng tay đón chờ người con bé nhỏ của mình thổ lộ tâm tư. Không có cuộc găp gỡ thân tình với Cha trong Giê-su, liệu tôi có còn là mình nữa hay không? Nếu chiếc đồng hồ chạy bằng năng lượng mặt trời chỉ hoạt động khi đón lấy ánh sáng từ mặt trời thì cuộc đời của tôi có thể xa cách “nguồn năng lượng” của mình không?

Lạy Cha, Cha đã ban Giê-su cho con. Chỉ nhờ Ngài và trong Ngài, con mới biết con là con Cha và được Cha yêu thương vô cùng. Cha đã gọi con bằng tên riêng và sự hiện diện của con luôn là duy nhất trong trái tim Cha. Xin cho con sống mãi trong tình thương của Cha để không gì lấy mất bình an khỏi con được. Amen.

Đọc thêm: Mc 1,35 ; Lc 6,12 ; 11,1-13 ; 18, 9-14 ; 22, 39-46. (10 lời khuyên khi cầu nguyện)

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.