Con Người làm chủ ngày Sa-bát.

* 1. Ngày lễ nghỉ

Cha Anthony de Mello có kể câu chuyện ngắn như sau :

Một ông bố hỏi chàng thanh niên đến xin cưới con gái ông :

– Anh có thể cho con gái tôi tất cả những gì nó mong ước không ?

Chú rể tương lai mau mắn đáp :

– Thưa bác, chắc chắn rồi : nàng nói rằng tất cả những gì nàng mong ước chính là cháu đây.

*

Câu chuyện trên đây giúp chúng ta hiểu được điều Đức Giêsu muốn dạy trong bài Tin mừng hôm nay : “Ngày Sabat làm ra vì con người, chớ không phải con người vì ngày Sabat” (Mc.2,27).

Người Biệt phái quá câu nệ vào việc giữ luật ngày Sa-bát, nên quên mục đích của ngày ấy là nhằm lợi ích cho con người. Sở dĩ có ngày Sa-bát là để giúp dân chúng có nhiều thời gian thờ phượng Chúa. Điều đó cũng là để mang lại lợi ích cho họ mà thôi.

Ông bố vợ tương lai cũng ngộ nhận như những người Biệt phái hôm nay. Ông quá đặt nặng vấn đề tiền bạc của cải mà quên rằng điều con gái ông mong ước chính là chàng thanh niên, người yêu của nàng.

Người biệt phái quá chú tâm vào việc giữ luật đến nỗi quên mất lề luật đặt ra chỉ vì lợi ích cho con người. Yếu tố con người mới là quan trọng, là chủ chốt, là mục đích để hướng tới.

Lễ nghỉ của đạo Do thái là ngày Sa-bát, lễ nghỉ của người Công giáo là ngày Chúa Nhật. Chúa muốn chúng ta thánh hóa ngày Chúa Nhật bằng cách đi tham dự thánh lễ, học hỏi giáo lý, suy niệm Lời Chúa, làm việc tông đồ, thực hành bác ái và nghỉ ngơi dưỡng sức.

Như vậy, ngày Chúa Nhật cốt để tôi luyện lòng trí chúng ta đến tình “mến Chúa yêu người”. Cho nên, nếu có gì trở ngại cho đức bác ái yêu thương thì luật buộc nghỉ lễ cũng phải nhượng bộ.

Tất cả vì con người, tất cả cho tình thương. Đó là đỉnh cao tuyệt vời mà nếp sống đạo theo tinh thần Kitô giáo mang lại. Michel Guery khẳng định : “Kitô hữu là con người biết quan tâm đến kẻ khác”. Ruysbroek còn khuyên chúng ta : “Nếu bạn đang xuất thần mà người anh em lại cần một ly nước, thì bạn hãy thôi xuất thần mà đi lấy nước cho họ. Vì Thiên Chúa mà bạn bỏ qua không chắc chắn bằng vị Thiên Chúa bạn thấy trước mặt”.

*

Như thế mỗi ngày Chúa Nhật là một ngày Tết của người Công giáo. Ngày ấy, cỏ cây xanh tươi hơn, nắng chan hòa ấm áp hơn, con tim reo vui hạnh phúc hơn. Ngày ấy, người tín hữu sẽ chân thành hơn trong yêu thương, bác ái hơn trong lời nói, và nhân từ hơn trong cách cư xử.

*

Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con ngày lễ nghỉ là để chúng con có thời giờ thờ phượng Chúa, phục vụ anh em và bồi bổ cho chính mình.

Xin dạy chúng con biết sống trọn vẹn cho Chúa và anh em để tình “mến Chúa yêu người” trong chúng con ngày càng sâu đậm hơn. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

* 2. Ngày Sabát và ngày Chúa nhựt

Kitô giáo đã thay thế ngày Sabát của do thái giáo bằng ngày Chúa nhựt. Đây không phải chỉ là một sự thay đổi để khác với do thái giáo, mà còn có nhiều ý nghĩa khác :

– Sabát là ngày thứ bảy, ngày cuối tuần, ngày kết thúc mọi việc trong tuần. Còn Chúa nhựt là ngày đầu tuần, “ngày thứ nhất trong tuần”, khởi sự một tuần mới.

– Sabát kỷ niệm việc Thiên Chúa giải phóng dân do thái khỏi ách nô lệ Ai cập. Còn ngày Chúa nhựt kỷ niệm Đức Giêsu phục sinh khai mở một cuộc sống mới.

Vì thế trong ngày Chúa nhựt, kitô hữu đến với Chúa để múc lấy nguồn lực giúp mình sống một tuần mới.

* 3. Đi tìm lại ý nghĩa ngày Chúa nhựt

Trong cuộc sống “hiện đại hóa và công nghiệp hóa” ngày nay, ngày Chúa nhựt mang lấy ý nghĩa vui chơi, hưởng thụ. Sau 6 ngày làm việc cực nhọc, đến ngày Chúa nhựt, người ta muốn bù trừ bằng việc lao vào những cuộc vui chơi giải trí, hoặc ở nhà thì tha hồ ngủ, nghỉ, ăn uống. Xét cho cùng, nhu cầu này cũng chính đáng. Tuy nhiên cũng có vài điều phải suy nghĩ :

– Giải trí và nghỉ ngơi là cần và tốt. Nhưng quá ham mê chúng có thể biến chúng ta thành nô lệ cho chúng. Dấu hiệu cho biết chúng ta đã nô lệ chúng là khi chúng ta cảm thấy không có chúng thì chịu không nổi, và khi chúng ta chỉ để ý tới chúng (giải trí và nghỉ ngơi) chứ không để ý đến gì khác nữa. Trong Thánh Kinh, Sabát là ngày giải phóng khỏi ách nô lệ. Coi chừng chúng ta thoát khỏi sự nô lệ việc làm nhưng lại tự quàng vào mình sự nô lệ giải trí và nghỉ ngơi.

– Riêng về sự nghỉ ngơi : không phải chỉ có duy nhất một cách nghỉ ngơi là không làm việc. Sống trong tình yêu thương thân ái với Thiên Chúa và tha nhân cũng là nghỉ ngơi, vì khi đó thần kinh của chúng ta bình an, tình cảm của chúng ta dịu dàng, con người của chúng ta dễ chịu. Thánh Augustinô đã chia xẻ : “Tâm hồn tôi chỉ tìm được nghỉ ngơi trong Chúa mà thôi”.

Chúa dạy chúng ta “thánh hóa” ngày Chúa nhựt, nhưng khuynh hướng ngày nay là “thế tục hóa” ngày này.

* 4. Tính thánh thiêng của cuộc sống mỗi ngày

Ngày Sabát được gọi là ‘Ngày của Chúa’ phải chăng vì đó là ngày duy nhất trong tuần chúng ta nợ Chúa ? Không phải ! Quả thực Sabát là ngày của Chúa với một ý nghĩa đặc biệt, vì nó nhắc ta nhớ phải dành cho Chúa chỗ hạng nhất trong cuộc đời chúng ta. Thế nhưng những ngày khác thì sao ? Chúng không phải là ngày của Chúa sao ? Những ngày đó chúng ta không phải nhớ đến Chúa và thờ phượng Chúa sao ?

Đối với nhiều người, giữ ngày của Chúa đồng nghĩa với đi nhà thờ. Tuy nhiên có hai cách nhìn việc đi nhà thờ : (1) Cách thứ nhất, chúng ta đi đến nhà thờ để sống trong sự hiện diện thánh thiện của Chúa, để rồi sự hiện diện ấy tác động tốt đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Cách nhìn này hơi hẹp và hơi nghèo nàn ; (2) Cách thứ hai, chúng ta đến nhà thờ để nhận ra tính thánh thiêng của cuộc sống hằng ngày. Cách nhìn này rộng rãi hơn và phong phú hơn.

Đối với một số người, sống đạo chỉ là giữ ngày Chúa nhật. Họ coi việc thờ phượng Chúa cũng là một bổn phận trong số những bổn phận phải làm. Họ dành ngày Chúa nhật để lo việc đạo, còn những ngày khác để lo việc đời. Khi ta chỉ lo việc đạo trong ngày Chúa nhật thì đạo của ta chỉ là một phần nhỏ của cuộc sống. Thế là đạo và đời chia cách. Ta có thể rất sùng đạo trong một số dịp nào đó và trong một số việc làm nào đó, nhưng cuộc sống hằng ngày thì vẫn rất “đời”.

Đối với một số người khác, sống đạo là sống suốt tuần nhờ sự hướng dẫn và nguồn sống nhận được trong ngày Chúa nhật. Như thế, không có sự tách biệt giữa đạo và đời, trái lại đạo đi vào đời và đời thấm nhuần đạo.

Đạo không phải là chúng ta cầu nguyện thế nào trong ngày Chúa nhật, mà là chúng ta sống thế nào trong suốt tuần lễ. (Viết theo Flor McCarthy)

Cầu nguyện:

1. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người trong Hội thánh biết dùng việc nghỉ lễ Chúa nhật / để thờ phượng Chúa và làm nhiều việc lành phúc đức.

2. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người trên thế giới / biết sử dụng ngày nghỉ cuối tuần như ngày được giải phóng khỏi nô lệ vật chất / và biết lựa chọn những giải trí lành mạnh cho cả xác hồn.

3. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người nghèo đói và thiếu thốn / không có được thời gian để nghỉ ngơi và giải trí / sớm được thoát khỏi cảnh nghèo khổ và lầm than.

4. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta / biết quí trọng việc thánh hóa ngày Chúa nhật / để tham dự Thánh lễ sốt sắng và tránh những giải trí không lành mạnh.

 

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.