Thầy là đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.

 “Thầy là đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Câu tuyên xưng này của Phêrô hẳn phải có một tầm quang trọng lớn lắm, căn cứ vào phản ứng của chính đức Giêsu khi tuyên bố cách trang trọng: Này anh Simôn con ông Giona, anh thật có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, đấng ngự trên trời. Ngược lại, là tín hữu và tu sĩ linh mục từ nhiều năm, thường khi tôi lại có cảm tưởng lời tuyên xưng này cũng tầm thường thôi, chẳng có chi mới lạ, chắc hẳn vì đã quá quen thuộc với công thức tuyên tín thuộc lòng này.

Gần đây khi theo dõi chương trình Frontline series có tựa đề From Jesus to Christ: The First Christians, một chương trình hội thảo 02 ngày (two-day symposium) tại Đại Học Harvard (Hoa Kỳ) qui tụ nhiều học giả thuộc các lãnh vực khảo cổ, lịch sử, nhân văn, thánh kinh, thần học… trao đổi để tìm hiểu cách khoa học làm sao trong vòng 300 năm, đế quốc Rô-ma, đã từng đóng đinh Giêsu vào thập giá, lại quay ra tiếp nhận Kitô giáo, nói cách khác, làm sao một Giêsu Nadarét có thể trở thành Giêsu Kitô, tôi mới nhận ra câu tuyên xưng của Phêrô, một ngư phủ bình dị, quả là một bước nhảy vọt ghê gớm. Phêrô đáng được gọi là Kitô hữu tiên khởi vì là môn đệ đầu tiên đã mạnh dạn tuyên tín: “Thầy là đấng Ki-tô”.

Tên riêng Giêsu (Yasu/ Giosu-ah) trong tiếng Aramaic tự nó đã mang một ý khá độc đáo: Thiên Chúa cứu vớt. Tuy nhiên tên này khá phổ thông giữa các người Do Thái vì nó còn hàm ý được Thiên Chúa giải thoát. Còn danh xưng ‘đấng Ki-tô’ (Christos tiếng Hy-lạp/ Mashiah tiếng Do Thái) có nghĩa là đấng được Thiên Chúa ‘sức dầu tấn phong’ thì suốt Cựu Ước được dành cho nhân vật đặc biệt nào đó (Vua Sao-lê, Đa vít, quan án hay tiên tri…) hàm hai chức năng: giải thoát và lãnh đạo. Càng về sau danh xưng này được dành cho một vị lãnh tụ tối cao được Giavê hứa gởi đến trong ngày sau hết để vĩnh viễn giải thoát dân khỏi mọi ách thống trị. Tới thời đức Giêsu, vì danh xưng này mang nặng mầu sắc chính trị nên chính ngài đã tế nhị chủ động né tránh (xem Mt 16, 20; Lc 22, 67); điều này càng rõ ràng hơn trong Phúc Âm Máccô (Théo 610a). Chính trong bối cảnh này mà câu tuyên xưng của Phêrô trong Phúc Âm Mát-thêu được coi là rất đặc biệt, tới độ nhiều tác giả cho là chỉ được thêm vào sau này khi các tín hữu nhìn lại cả quãng thời gian hơn ba thế kỷ lịch sử. Cho dầu thế nào đi nữa thì đối với các tín hữu gốc Do Thái, đây chắc hẳn phải là lời tuyên xưng căn bản nhất: Giêsu chính là đấng được Thiên Chúa sức dầu tấn phong (Kitô) đã được mong đợi, đấng giải thoát tối hậu và trọn vẹn. Chúng ta biết rằng, cho tới ngày nay, Do Thái giáo và Hồi giáo vẫn từ chối chấp nhận điều này.

Chắc hẳn Phêrô (và các môn đệ) hiểu rõ, đối với chính mình nói riêng và đối với toàn dân Do Thái nói chung, Giêsu chính là đấng Kitô, nghĩa là đấng giải thoát tối hậu và vĩnh viễn. Trong một khoảng khắc của niềm tin (vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, đấng ngự trên trời) Phêrô đã đạt được điều mà, dưới khía cạnh nghiên cứu, các học giả cho thấy phải mất gần ba thế kỷ xã hội La-mã mới đạt được.

Và toàn bộ sứ mệnh của Hội Thánh được đặt trên lời tuyên tín này của Phêrô (dựa theo khảng định của đức Giêsu). Ai nhận Giêsu là Kitô (đấng giải thoát – cứu độ tối hậu và duy nhất), sẽ có chìa khóa của giải thoát và cứu độ, còn ai không nhận tức là không có chìa khóa mở, sẽ vĩnh viễn bị cầm buộc: “Thầy trao cho anh chìa khóa Nước Trời…” Trước đây, trong câu chuyện trao đổi với Nicôđêmô về việc sinh lại, đức Giêsu cũng đã từng khảng định cùng một nội dung đó (xem Ga 3, 18). Qua mọi thế hệ, Hội thánh được xây dựng trên nến đá tảng Phêrô sẽ không ngừng tuyên xưng Giêsu là đấng Kitô duy nhất và tối hậu; đồng thời các phần tử của Hội Thánh, mọi Kitô hữu, nhờ tác động của đức tin đối thần chân chính, cũng phải tự mình và trong sâu thẳm nhất của tâm hồn mình tuyên xưng: Giêsu chính là đấng cứu độ duy nhất của tôi, và là đấng tối hậu giải thoát tôi khỏi mọi tội lỗi. Tôi đã làm điều đó cách thâm tín tới đâu? Hãy nhớ rằng chìa khóa mở Nước Trời cho tôi hệ tại duy nhất ở điều này.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu hết ý nghĩa danh xưng Kitô hữu con mang nơi mình. Thường khi con vẫn hay hời hợt coi đây chỉ là một công thức đức tin. Từ nay xin Chúa cho con, trong mọi hoàn cảnh sống, biết cùng Phêrô tuyên xưng ‘Thầy là đấng Kitô’; và nhất là trong giờ chết, con vẫn có thể tiếp tục tuyên xưng như thế, để có được chìa khóa mở cửa Nước Trời. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.