Trong biến cố Hiển dung, Chúa Cha đã long trọng tuyên phán về Đức Giêsu: “Đây là Con Ta yêu dấu”, và Người truyền dạy các môn đệ cũng như hết thảy chúng ta: “Hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,1-8). Lẽ tất nhiên, vâng nghe ở đây không chỉ là vâng lời theo nghĩa gọi dạ bảo vâng thông thường, mà còn là hiểu, là tuân giữ, là thực hành, là sống những lời Người truyền dạy.
Dù giáo huấn của Đức Giêsu rất nhiều, rất đa dạng và rất phong phú, nhưng tựu trung, tất cả được gói gọn, được tóm kết trong lòng mến, như chính Người đã khẳng định với nhà thông luật, khi ông chất vấn Người về điều răn trọng nhất.
Điều răn trọng nhất
Bấy giờ, người thông luật hỏi Đức Giêsu về điều răn trọng nhất, Người đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,35-40).
Như vậy, để trả lời, Đức Giêsu đã trích dẫn hai bản văn của sách Luật: điều răn “mến Chúa”, trích ở Đnl 6,5; còn điều răn “yêu người”, trích ở Lv 19,18. Điểm độc đáo là Người đã đơn giản hoá cũng như tập trung tất cả Luật Môsê và lời các ngôn sứ vào hai điều răn ấy. Người liên kết lại và cho chúng một tầm mức quan trọng ngang nhau. Cụm từ “cũng giống” cho thấy rõ điều đó: “cũng giống” ở đây có nghĩa là đồng nhất và quan trọng như nhau, chứ không phải “y như”, hay “là”. Vì thế, hai điều răn mến Chúa và yêu người không những không thể thay thế mà còn bổ túc cho nhau: lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện trong lòng yêu thương tha nhân và lòng yêu thương tha nhân cũng được thể hiện trong lòng yêu mến Thiên Chúa. Bởi mến Chúa và yêu người là quan trọng như nhau, mà mến Chúa phải hết lòng, thì yêu người thân cận cũng phải hết lòng.
Tuy nhiên, Thiên Chúa chỉ có một, nhưng con người lại quá nhiều, nên như người thông luật, không hiếm khi chúng ta cũng tự hỏi: Ai là người thân cận của tôi?
Người thân cận
Đứng trước câu hỏi của người thông luật: Ai là người thân cận của tôi? Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn về người Samari nhân hậu. Khi kết thúc dụ ngôn, Người hỏi: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Ông trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (Lc 10,29-37).
Câu hỏi của Đức Giêsu đã giúp người thông luật vượt qua quan niệm hạn hẹp của ông về người thân cận, để vươn đến tất cả mọi người. Chính khi đăt mình vào hoàn cảnh của người bị nạn cần được giúp đỡ, ông đã nhận ra rằng: không hề có giới hạn trong giới răn yêu thương.
Như vậy, dụ ngôn và câu hỏi Đức Giêsu đưa ra đã giúp người thông luật tìm được câu trả lời: người thân cận là bất cứ ai đến gặp tha nhân trong tình yêu. Đối với ông, giờ đây câu hỏi không còn là: ai là người thân cận của tôi?, nhưng là: tôi làm người thân cận của mọi người như thế nào? Hay: Tôi phải làm thế nào để trở nên người thân cận của mọi người? Hiểu được suy nghĩ của người thông luật, Đức Giêsu bảo ông: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy!” (Lc 10,37).
Hãy đi và làm như vậy
Hai động từ đi và làm trong lời mời gọi của Đức Giêsu cho thấy đức ái là một điều rất cụ thể và sống động. Do đó, đức ái đòi hỏi con người phải hiểu, phải sống, phải thực hành một cách cụ thể và tích cực, chứ không phải chỉ nói lý thuyết, chỉ biết suông.
Chẳng lẽ thầy Tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn Đức Giêsu đưa ra hoàn toàn không biết đến giới luật yêu thương sao? Không phải thế! Vậy mà chẳng ai trong hai vị ấy tỏ ra quan tâm hay động lòng trắc ẩn mà ra tay giúp đỡ kẻ bất hạnh đang nằm bất tỉnh bên vệ đường. Tại sao vậy? Có nhiều lý do: Có thể họ nghĩ rằng người ấy đã chết, nên không dám chạm vào. Vì nếu làm như vậy thì theo luật, họ sẽ bị ô uế, không thể cử hành phụng tự được. Có thể họ cho rằng kẻ cướp còn ẩn khuất đâu đó, nên nếu họ ra tay cứu chữa thì hắn sẽ nghĩ họ là đồng bạn của người bị nạn và sẽ tấn công họ. Có thể họ cho rằng họ không ra tay cứu giúp thì cũng chẳng sao, bởi chắc chắn sẽ có người khác làm việc ấy. Có thể họ sợ bị phiền luỵ, bị rầy rà…
Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hỏi: Liệu Đức Giêsu có thực sự muốn trình bày các thầy Tư tế và Lêvi là hạng người vô nhân đạo không? Hay Người có dụng ý khác khi cố tình chọn những nhân vật như vậy? Rất có thể, trong dụng ý của Người, họ chỉ là hình ảnh tương phản cho nhân vật chính là người Samari nhân hậu được xuất hiện cách nổi bật.[1] Nhờ đó, độc giả sẽ nhận ra được tính tuyệt đối và vô hạn của giới răn yêu thương. Và khi đã nhận ra điều đó, họ cũng sẽ nhận ra tính khẩn thiết nơi lời mời gọi của Người: Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy. Hãy đi và thực thi giới răn yêu thương cho hết thảy mọi người.
Không lý thuyết, không mời gọi suông, chính Đức Giêsu đã thực sự sống trọn vẹn điều Người truyền dạy. Trên hành trình rao giảng, Người rảo qua khắp các thành thị, làng mạc để công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho mọi người (Mt 9,35;). Đi tới đâu, Người thi ân giáng phúc tới đó. Người chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ (Mt 8,3) cũng như cho kẻ chết sống lại (Mt 9,23-36). Với lòng nhân hậu, Người đón nhận tất cả mọi người. Người thăm viếng người Pharisêu (Lc 7,36); Người nâng niu, trân trọng những em nhỏ (Mt 18,1-10), những người nghèo khổ (Lc 14,12-14), những kẻ bị khinh miệt, bị bỏ rơi (Mc 9,37). Người âu yếm chữa lành người đàn bà bị băng huyết mười hai năm (Lc 8,43-48). Người trò chuyện thân thiện với người phụ nữ Samari (Ga 4,1-42). Người tha thứ và chúc lành cho người phụ nữ tội lỗi biết ăn năn (Lc 7,36-50). Người cảm thông và bao dung tha thứ cho người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình (Ga 8,1-11). Người đồng bàn với phường thu thuế và tội lỗi (Mt 9,10-13) … Bằng tình yêu, Người đã đến với từng con người trong từng hoàn cảnh, từng phận người cụ thể. Người đã hạ mình xuống để rửa chân (Ga 13,1-16), để phục vụ, để yêu thương con người.
Như vậy, khởi đi từ hình ảnh người Samari nhân hậu, qua mẫu gương yêu thương tuyệt vời của Đức Giêsu, trong bối cảnh xã hội hôm nay, mỗi chúng ta cũng luôn được mời gọi cách khẩn thiết: “Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Hãy đi và làm như người Samari đã làm. Hãy đi và sống như Đức Giêsu đã sống. Hãy chạnh lòng thương và thực thi lòng thương xót đối với mọi người.
Thiết nghĩ, trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi chúng ta bớt chút chi tiêu để rộng tay giúp đỡ những người nghèo đói, bệnh tật, hoặc trên đường phố hay nơi xóm làng; mỗi khi chúng ta hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ; mỗi khi chúng ta ân cần chăm sóc con cái; mỗi khi chúng ta quan tâm lo lắng và chia sẻ với vợ chồng hay người yêu; mỗi khi chúng ta quảng đại tha thứ cho những người lỗi phạm đến mình… là mỗi khi chúng ta làm như người Samari đã làm, và sống như Đức Giêsu đã sống. Được như thế là chúng ta đang sống đạo cách tốt đẹp rồi vậy!
Trần Hưng Đạo, OP. (Trích Chia sẻ Tin Mừng HĐGDĐM tháng 01.2011)