Cứ yên tâm, chính Thầy đây,đừng sợ !

Mt 14, 22-33

Có sóng gió trên biển hồ Tibêria, có sóng gió trên biển cuộc đời, có sóng gió trên hành trình làm người, và cũng có sóng gió trên hành trình làm môn đệ. Sóng gió nào cũng làm lòng người hoang mang, hoảng sợ, chông chênh. Chính trong nỗi hoảng loạn ấy, các tông đồ đã nhận ra sự hiện diện đúng lúc của Chúa Giêsu: Chính Thầy đây, đừng sợ”. Trước cơn sóng cuộc đời, hơn lúc nào hết, người môn đệ được mời gọi tuyên xưng đức tin của mình:


…xin truyền cho con 
đi trên mặt nước mà đến với Ngài (Mt 14,28)

Mặt nước của cuộc đời hôm nay là sự mong manh của thân phận con người, mong manh như hoa cỏ, chỉ một cơn gió thoảng cũng chẳng còn; mong manh như giọt sương mai, vội biến tan khi bình minh thức giấc; mong manh như bình sành đặt trước gió, mới đó, nhưng có thể sẽ vỡ tan tành. Con người là vậy, quá mong manh. Mong manh đến thế, sao Thiên Chúa lại liều lĩnh giao cho tôi bảo ngọc, bảo ngọc chứa đựng trong chiếc bình sành. Quá bấp bênh, chông chênh như đi trên mặt nước.Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”.

Mặt nước của cuộc đời hôm nay là chính những giới hạn của bản thân tôi, là sự bất trắc trong việc tuân giữ lời cam kết, là sự tự do đầy nguy cơ có thể bị biến chất, là những lối tính toán xoay xở theo kiểu của con người, và là những lời mời mọc ngọt ngào lao mình vào lối mòn hưởng thụ. Trước sự bấp bênh ấy, lời van xin của người môn đệ càng tha thiết hơn nữa: Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”.

Đi trên mặt nước, là chấp nhận sự bấp bênh; người môn đệ cảm được sức nặng của sứ mạng trên đôi vai mình, sứ mạng làm người chài lưới, sứ mạng làm ngọn hải đăng, sứ mạng nâng đỡ sự yếu hèn của anh em. Không hoang mang sao được, khi biết rằng với sức riêng mình, chẳng bao giờ tôi có thể mang vác nổi. Như thánh Phêrô trong cơn hoảng loạn, người môn đệ hôm nay chỉ còn biết kêu lên : “Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”.

Có bước đi nổi không, hay dòng nước sẽ nhận chìm người môn đệ? Chúa có đưa tay ra nắm lấy tay tôi, hay Người lặng thinh để mặc tôi vùng vẫy? Sóng gió cuộc đời có lúc nào lặng yên không đấy, hay bước vào cuộc chơi là vật lộn đến cùng? Bên cạnh tôi còn có anh em hiệp lực chống chọi chung, hay chỉ có tôi một mình trong lũng tối? Trong gian nan tôi có trưởng thành nổi, hay lại đánh mất đi cơ hội để thành toàn? Tôi có khả năng để loan báo niềm hân hoan, hay chỉ công bố toàn những lời doạ dẫm? Tôi có nhận ra trên mình những giọt mồ hôi ướt đẫm, để cảm thông hơn những nỗi vất vả của phận người? Tôi có thể kiên tâm bám víu mãi lấy Người, hay lại buông xuôi mặc dòng đời xô đẩy? Tôi có còn tin vào Người không vậy, sao trong lòng cứ chộn rộn những lo toan? Tôi có nhận thấy rõ nơi tôi sự bất toàn, hay đó chỉ là tấm bình phong để người ta coi tôi là người khiêm tốn? Con thuyền đời tôi có thể chở về ơn cứu độ và cập bến an toàn, hay sẽ đắm chìm giữa bão táp phong ba? 

Ôi, trong tôi muôn vàn điều chộn rộn, muôn vàn những nghi nan. Một phút lặng thinh, trở lại với lòng mình, tôi nghe rõ tiếng Người khiển trách:


Người đâu mà kém tin vậy ! 
Sao lại hoài nghi (Mt 14,31)

Trước lời khiển trách nhẹ nhàng của Người, tâm hồn tôi bừng tỉnh. Thì ra, tất cả những điều tôi chộn rộn lắng lo, đều là sự tập trung vào mình, đều là quy ngã, đều là sự xoay xở bằng sức riêng, đều là đang đi vào lối mòn của nguyên tổ Ađam muốn tự mình định đoạt vận mệnh của mình; trong tất cả những nỗi lắng lo ấy, đều vắng bóng Thiên Chúa, hay nói cách khác là không có chỗ cho Thiên Chúa hiện diện. Lời của Người lại nhẹ nhàng vang vọng trong tôi: “Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi”.

Ơn cứu độ có phải vì nỗ lực của tôi không, có phải vì công lênh của tôi không, có phải vì tài năng hay đức độ của tôi không? Không, ngàn lần không! Ơn cứu độ là quà tặng nhưng không Thiên Chúa ban cho con người: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta” (Rm 5,5), và “Tin mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ những ai có lòng tin” (Rm 1,16).

Khi suy niệm điều này, cha Cantalamessa xác tín mạnh mẽ:

Nếu có ai nói với bạn rằng thiên đàng là nơi dành cho người vô tội, nhân đức, thánh thiện, thì bạn đừng vào, vì nơi đó không có chỗ dành cho bạn đâu; nhưng nếu họ nói thiên đàng là chỗ dành cho những người tin, thì bạn hãy tin nơi họ, vì bạn có khả năng làm điều đó”.

“Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi”. Tuy cuộc đời vẫn còn đó những sóng gió, nhưng cuộc đời ấy đã một lần được Đức Giêsu yêu thương, ôm trọn lấy với vòng tay thập giá. Dù tôi có cảm được hay không, Đức Giêsu vẫn là một tình yêu rất thật, tình yêu ấy đã giáng thế, đã dâng tặng cho con người.

Vì quá thương con người, Chúa Cha đã ban tặng chính Người Con duy nhất của mình, ai tin vào Người Con ấy sẽ được cứu độ. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đã trở thành con loài người, thành “Trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo” (Cl 1,15), và trở nên “giống anh em mình trong mọi sự ” (Dt 2,7) ngoại trừ tội lỗi.

Sóng gió nào của kiếp người mà Đức Giêsu không trải qua? Có tội lỗi nào mà Người không mang lấy? Người đó : một Hài nhi nhỏ bé trong máng cỏ, không tự vệ, không uy quyền; Người đó: một anh dân quê nghèo miền Nazaret, không tiếng tăm, không của cải; Người đó: một con người rong ruổi trên mọi nẻo đường xứ Palestina loan báo Tin mừng bình an, chữa lành bao bệnh tật, ủi an người sầu khổ; Người đó: một Giêsu chết trần trụi trên thập giá, nhục nhã, không một tấm áo che thân; Người đó: Đấng đã sống lại hiển vinh, quy tụ muôn loài trong tình yêu vĩnh cửu. Và Người mãi mãi vẫn là thế: Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời (Dt 12,8).


Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ 
(Mt 14,27)

Đó là tiếng Người nói với thánh Phêrô, và tôi nhận ra đó cũng là chính tiếng Người đang động viên tôi. Trong khoảng lặng ngọt ngào, tôi cảm nhận tình Người sâu thẳm: “Ta ghi khắc tên con vào lòng bàn tay Ta” (Is 49,15).

Người yêu tôi trước, yêu tôi từ thuở đời đời: Ta đã yêu ngươi bằng một mối tình muôn thuở”. Người ấp ủ tôi như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, (Is 49,13-16) như mẹ hiền ấp ủ con thơ (Is 66, 10-21). Quá hạnh phúc mà tôi đâu có biết! Nhiều phen tôi đã đánh mất đi “tình yêu của thuở ban đầu”. Tôi tự chuốc vào cuộc đời mình sự lầm lạc, nổi loạn và cô đơn. Từ đó đời tôi lầm lũi. Tôi sẽ chẳng bao giờ tìm được hạnh phúc thực sự, một khi chưa biết thức tỉnh và trở về, chưa nhận ra được tình yêu hào phóng và nhưng không của Người. Chỉ khi nào tôi thấy mình được yêu, khi ấy tôi mới cảm được thế nào là hạnh phúc.

Khi ý thức và cảm nhận được tình yêu, là lúc tôi bừng tỉnh, lúc tôi ý thức được sự lạc lõng của mình. Trong tình yêu, tôi tìm thấy ý nghĩa đời mình, tìm thấy một lối đi.

Dẫu biết rằng tôi mong manh, giới hạn, nhưng Người vẫn đón nhận tôi, đón nhận tất cả những gì tôi đang có, tôi đang là. Dù tôi yếu đuối, tội lỗi, bất trung, Người vẫn yêu tôi. Trong tình yêu vô điều kiện và bao la đó, tôi tìm lại được chính mình. Tôi nhận ra rằng mình vẫn có một vị trí tuyệt vời trong trái tim Người.

Trong đêm đen giông tố, tôi đã thấy được ánh sáng của Người ; tôi vội mời Người cùng lên chiếc thuyền của cuộc đời tôi, để Người cùng tôi chống chọi với bão giông, cùng tôi đưa con thuyền cập bến, và cùng tôi hát lên bài ca mới, bài ca của người ra đi gieo giống trong nuớc mắt và trở về trong tiếng cười giòn giã, hân hoan. Người lại nhẹ nhàng nói với tôi : Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”.


Kết luận

Phúc thay cho những ai nghe được tiếng Chúa. Sự khủng hoảng thường xảy ra khi dường như người ta phải đối diện với một Thiên Chúa thinh lặng. Có những lúc chúng ta cảm nhận như thể Người vô tâm trước sự quằn quại của bao mảnh đời oan nghiệt. Mặc cho con người vùng vẫy, khắc khoải, vật lộn với chính thân phận mình, Thiên Chúa vẫn lặng thinh. Những lúc gặp thử thách tâm hồn chúng ta chao đảo, tròng trành, nghiêng ngả như thuyền bị sóng đánh ngược gió. Sự hoang mang hơn cả là trong những giờ phút thử thách đau thương đó, ta chạy đến với Chúa, tha thiết kêu xin mà dường như Người vẫn chẳng đoái hoài.

Trong cuộc sống, người linh mục không thiếu những lúc phải đối diện với những cơn khủng hoảng như thế ; nhất là khi gặp phải những mất mát, rủi ro, đau khổ, yếu đuối, tội lỗi … Nhưng dẫu sao, người linh mục vẫn được mời gọi tiếp tục lên đường, lắng nghe tiếng Chúa nói với mình trong từng biến cố. Nói như thế không có nghĩa là khi đã lên đường, nỗi đau không còn nữa. Đôi khi nỗi mất mát hay đổ vỡ hằn sâu trong lòng mình, trở thành một phần của ký ức mà ta mãi phải mang theo. Trong mọi hoàn cảnh, người linh mục vẫn được trấn an : Cứ an tâm, chính Thầy đây, đừng sợ (Mt 14,27).

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.