Niềm tin và lý trí

Trong cuốn tiểu thuyết được dịch sang tiếng Việt với nhan đề Chàng Hải Âu Kỳ Diệu, tác giả kể về một chàng hải âu kiên cường đã thực hiện được ước mơ lướt cánh tung trời. Chàng bay tới những vùng mà các con chim khác trong bầy chưa bao giờ biết tới. Sau chuyến bay mở rộng chân trời đó, chàng hải âu trở lại với bầy, chàng kể cho bầy chim nghe về những gì mình đã tai nghe mắt thấy. Cả bầy chim từ già đến trẻ đều chế nhạo chàng, họ kết án chàng là con chim khoác lác. Chàng vẫn không nản lòng, cứ tiếp tục nói về vùng trời rộng mở. Có một số chim nghe chàng nói, lòng chợt dậy lên khát vọng bay xa. Họ bắt đầu kiên trì luyện tập để thực hiện ước mơ mà chàng hải âu kỳ diệu đã gợi lên cho họ.

Khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái về thế giới của Thiên Chúa, họ đã chế nhạo Người, cho rằng Người bị quỉ ám nên mới ăn nói lung tung như thế. Chúa Giêsu vẫn không nản lòng, và vẫn tiếp tục nói về nguồn gốc thần linh của mình, một lần nữa. Người dùng danh xưng Hằng Hữu để khẳng định rằng mình từ Thiên Chúa mà đến. Câu nói ấy đã khiến người Do Thái phẫn nộ và định ném đá Người.

Ðược sống mãi không phải chết là ước mơ muôn thuở của con người, thế nhưng khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng nếu họ tuân giữ Lời Người dạy bảo thì họ sẽ khỏi phải chết, họ lại chế nhạo Người là bị quỉ ám. Nếu xét thêm mặt ngoài của sự kiện thì quả thật họ là người có lý. Họ lý luận như sau: “Bây giờ chúng tôi biết chắc là ông bị quỉ ám. Ông Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy. Thế mà ông lại nói: ai tuân giữ lời tôi thì sẽ không bao giờ phải chết. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Abraham hay sao?” Họ lý luận rất chặt chẽ, nhưng chính cái chặt chẽ ấy lại là một sợi xích cột chặt họ lại khiến họ không thể cất cánh bay cao. Họ có lý nhưng tổ phụ Abraham ngày xưa đã chẳng lý luận gì khi nghe theo lời Giavê Thiên Chúa kêu gọi mà từ bỏ quê cha đất tổ để ra đi. Những người Do Thái có lý nhưng theo lối lý luận của con người. Thiên Chúa thì không dựa theo lý lẽ của con người để thực hiện công việc của mình, Thiên Chúa làm theo cách của Ngài. Những ai muốn nhận ra chương trình của Thiên Chúa thì cũng phải tập nhìn mọi sự theo cách nhìn của Ngài. Những người Do Thái không muốn nhìn như thế, họ nhìn vào Chúa Giêsu và họ chỉ thấy đó là một con người tuổi chưa đầy năm mươi mà dám khoác lác nói rằng mình đã thấy tổ phụ Abraham, lại còn dám xưng mình ngang hàng với Thiên Chúa nữa. Họ không thể chấp nhận thái độ cao ngạo và phạm thượng ấy. Họ phải ném đá kẻ ngông cuồng này. Quả đúng như lời mở đầu Tin Mừng theo thánh Gioan: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có nhưng lại không nhận biết Người. Người đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 9-11).

Cũng như tình yêu, đức tin không dựa trên lý lẽ. Lý trí có thể đưa chúng ta đến bên bờ của đức tin, rồi để mặc chúng ta ở đấy. Không phải lý trí bỏ rơi chúng ta nhưng lý trí không thể giúp chúng ta vượt qua được mép bờ huyền nhiệm của đức tin. Ðứng trên mép bờ huyền nhiệm ấy, tác động thích hợp duy nhất là yêu mến và phó thác. Tổ phụ Abraham đã yêu mến Thiên Chúa và đã phó thác mọi sự cho Ngài và đã được toại nguyện. Ðức Maria cũng đã khẳng định tương tự. Các thánh cũng hành động như thế; còn chúng ta, chúng ta hành động ra sao?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói: “Ai tuân giữ Lời Ta thì sẽ không bao giờ phải chết”. Con không thể hiểu được lời này bằng lý luận mà chỉ có thể và sống lời ấy với tâm tình yêu mến và hoàn toàn phó thác vào Chúa mà thôi.

Lạy Chúa, xin hãy gia tăng đức tin cho con. Con tin nhưng xin Chúa thương trợ giúp cho sự cứng lòng kém tin của con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.