“Nếu các ông ở lại trong lời Tôi thì các ông thật là môn đệ Tôi” (Ga 8, 31). Lời này Chúa trao gởi từng đứa con hiếu thảo của Chúa nơi trần gian. Người con hiếu thảo bao giờ cũng giữ lời cha mẹ căn dặn. Vậy chúng ta có thái độ như thế nào đối với Lời của Chúa, là người Cha đầy lòng yêu thương con cái?
Yêu mến Chúa thì phải vâng giữ Lời của Ngài, Lời của Thiên Chúa và Thiên Chúa cũng chỉ là một mà thôi. Nếu chúng ta nói yêu mến Thiên Chúa mà không giữ Lời Chúa thì đó là thứ tình yêu giả tạo bằng đầu môi chót lưỡi chứ không yêu chính Ngài. Cho nên Chúa quả quyết: “Ai ở trong Lời Tôi, thì đó là môn đệ của Tôi” (Ga 8,31). Chúng ta biết tất cả mọi chân lý cứu rỗi, đều gồm tóm và ghi lại trong Kinh Thánh tất cả rồi. Cho nên Chúa quả quyết:
– Ai nghe và giữ Lời Chúa là kẻ lớn nhất trong Nước Trời;
– Là cha mẹ của Chúa (Mt 12,50);
– Là xây nhà trên đá (Lc 7,48);
– Được Thiên Chúa yêu thương và ở trong họ (Ga 14,23);
– Ai có lời Chúa trong mình thì xin sự gì cũng được (Ga 15,7);
– Ai ở trong lời Chúa thì là môn đệ của Chúa (Ga 8,31);
Tất cả nói lên sức mạnh của Lời Chúa. Lời Chúa:
1. Bảo vệ con cái Chúa khỏi sự ô uế trần gian
2. Cung cấp năng lực, sức mạnh để họ sống giữa cuộc đời
3. Giúp cho các tín hữu tăng trưởng về mặt tâm hồn
4. Cung cấp thức ăn hàng ngày cho linh hồn đi thẳng về trời
Đó là hiệu quả Lời Chúa. Nếu chúng ta hôm nay chưa cảm thấy sức mạnh của Lời Chúa thì đó là tại lỗi chúng ta chăng… vì chúng ta còn quá hững hờ trước Lời Chúa đó thôi. Chúng ta không dám sử dụng tới Lời Chúa, cũng như thuốc men là phương tiện giúp khỏi bệnh mà chúng ta không dùng tới thì tại chúng ta chứ không phải tại không có thuốc.
Chúa quả quyết: “Lời Chúa là Lời chân thật,” và sự chân thật đó là sự cứu rỗi mà Chúa nói là “sự thật sẽ giải phóng các ngươi” (Ga 8,32). Những người Do Thái nghe nói vậy tức mình và nói lại rằng: “Chúng tôi là dòng dõi Abraham, chúng tôi tự do” (Ga 8,33). Thế là họ hiểu sai Lời Chúa… Không phải Abraham làm cho họ tự do đâu. Nhưng tự do trước Thiên Chúa là sự sạch tội tinh tuyền. Còn “ai phạm tội là nô lệ” (Ga 8,34).
Hễ ai phạm tội, tất nhiên là nô lệ cho tội lỗi. Khi phạm tội là chúng ta xua đuổi Chúa ra khỏi lòng mình, ra khỏi đền thờ của mình mà rước ác thần satan vào cư ngụ thay thế cho Thiên Chúa để làm chủ mình. Cho nên phạm tội thì đâu có khác gì dân Do Thái xưa kia đã thay thế Giavê bằng con bò vàng. Hẳn chúng ta còn nhớ đứa con hoang đàng, từ địa vị làm con đi làm đầy tớ chăn heo… Một khi phạm tội cũng là một tình trạng như vậy mà còn tệ hơn nữa.
Chúng ta nên biết mỗi tội phạm không những trực tiếp gây hại cho linh hồn, mà còn gây thương tích cho cả cộng đồng Giáo Hội. Cho nên mỗi một tội phạm đều có hai chiều kích là cá nhân và Giáo Hội. Thánh Phaolô đã từng ví Giáo Hội như một thân thể, thân thể có nhiều chi thể khác nhau. Nhưng một chi thể đau thì ảnh hưởng sang tất cả cơ thể, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ là như thế. Hẳn chúng ta đã từng một lần chứng kiến một chuyến xe đò gặp tai nạn chết người, gãy chân máu me lênh láng dễ sợ. Một lần phạm tội trọng là một lần tai nạn như thế trên đường về trời. Cho nên phạm tội là:
1. Làm nô lệ cho tội lỗi, Satan;
2. Phạm tội là từ chối đáp đền tình yêu Thiên Chúa;
3. Phạm tội là xúc phạm đến sự thánh thiện ngàn trùng của Thiên Chúa;
4. Phạm tội là phản bội lề luật do chính Thiên Chúa ban hành;
5. Phạm tội là chà đạp nhân phẩm con người được dựng nên giống…;
6. Phạm tội là lấy hạnh phúc tạm bợ trần gian hơn thiên đàng;
7. Phạm tội là giơ chân đạp mũi nhọn;
8. Phạm tội là đổ dầu vào lửa…;
Chúng ta có muốn sống kìm hãm trong nô lệ của tội lỗi không? Hãy đến với Chúa Giêsu, đến với Lời Chúa “Các ngươi được tẩy sạch nhờ Lời Ta nói với các ngươi” (Ga 15,3).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa là nguồn sự sống của chúng con. Chúng con tin và thờ lạy Chúa. Ngay từ khi dựng nên Ađam, Chúa đã thổi hơi và thông truyền sự sống của Chúa cho con người. Thế nhưng, vì kiêu ngạo mà Tổ tông của chúng con đã đánh mất sự sống trường sinh mà Chúa đã ban trong khi tạo dựng.
Lạy Chúa, hậu quả của tội tổ tông là sự chết đã đi vào thế gian. Con người phải đau khổ vì lỗi lầm của mình gây ra. Con người đã bị những tham, sân, si trói buộc mình trong những đam mê thấp hèn, trong những ích kỷ kiêu căng. Thế nhưng tình thương của Chúa không muốn cho con người phải trầm luân muôn đời. Chúa đã nhập thể làm người để cứu chuộc chúng con, để phục hồi sự sống ban đầu, và tặng ban sự sống thần linh trong bí tích Thánh Thể, hầu dưỡng nuôi và dẫn con người đến sự sống đời đời.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng mà ai gặp gỡ cũng được Chúa biến đổi, thăng tiến. Những con người tội lỗi như Giakêu, như Madalêna, hay như người thiếu phụ bên bờ giếng Gia cóp đã tìm được niềm vui của sự hoán cải, của tha thứ và cảm thông. Những con người đang nặng trĩu những hoang mang lo lắng như hai môn đệ đi làng Emmau đã bừng sáng niềm tin và hy vọng. Những trái tim chân thành như các tông đồ năm xưa đã tìm được lẽ sống để hân hoan bước đi theo Chúa. Tất cả những cảnh đời đó đã được biến đổi, được tăng thêm sức mạnh và nghị lực nhờ gặp được Chúa và trọn vẹn tín thác nơi Chúa.
Giờ đây trước tôn nhan Chúa, chúng con cũng mang khuôn mặt của những con người đầy khiếm khuyết tội lỗi, xin giải thoát chúng con khỏi những ràng buộc của tội lỗi, những đam mê bất chính để chúng con sống trong tự do của con cái Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để những ai gặp gỡ và tiếp xúc với chúng con cũng tìm được sự nâng đỡ, khích lệ và bình an. Amen
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền