Ðức Giêsu Kitô là ai?

1. Chứng tích lịch sử

Có thật Ðức Giêsu Kitô đã sống trên trái đất này, hay là Ngài chỉ là một nhân vật giả tưởng? Theo lịch sử ghi chép lại do Flavius Josephus, là một người Roma không có niềm tin vào Ðức Kitô, ông đã ghi nhận:

“Trong thời gian này, có ông Giêsu, một người khôn ngoan, nếu có thể hợp pháp gọi ngài là một con người, bởi vì ngài làm rất nhiều việc lạ lùng – một thầy dạy của nhiều người mà họ lãnh nhận chân lý với sự sung sướng mãn nguyện. Ngài đã thu hút đến với Ngài rất nhiều người Do Thái và nhiều người thuộc dân ngoại. Ngài là đức Kitô; và khi Philatô, với sự đề nghị của những người vị vọng trong chúng ta, đã xử Ngài chết treo trên thập tự, những người mến yêu Ngài từ ban đầu đã không từ bỏ Ngài, vì Ngài đã hiện ra với họ sống động vào ngày thứ ba, như lời các tiên tri của Chúa đã báo trước về những sự kiện này, và hàng ngàn vạn những việc lạ lùng khác về Ngài; và nhóm Kitô hữu, được đặt tên sau danh hiệu của Ngài, đã không bị tàn lụi cho đến ngày nay” (Work of Josephus, Antiquities of The Jews. Book XVII #3 p. 11).

2. Chứng Tích Thánh Kinh

Qua sử liệu Thánh Kinh được ghi lại theo bốn thánh sử: Matthêu, Mat-cô, Luca và Gioan thì Ðức Giêsu đã sinh ra ở Bêlem xứ Giuđa. Người quê thành Nazareth. Mẹ người là Maria và cha nuôi người là Giuse. Thánh Matthêu 1-2,23 và Luca 1,1-3,37 đã ghi lại gia phả của Ngài. Thánh Gioan Tiền Hô đã làm chứng về Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, là Chiên Thiên Chúa (Gio 1,29-34). Ðức Giêsu đã được sinh ra dưới thời Hoàng Ðế Augustus năm 23 BC – 14AD. Và công cuộc rao giảng Tin Mừng và đời sống công khai của Ngài dưới thời Tiberius 14-37 AD (Lc 2,1). Ngài sống cùng thời với vua Hêrôđê mà Ngài đã gọi Hêrôđê là cáo già (Lc 13,32). Và Ngài đã chết dưới thời quan tổng trấn Philatô (Mc 15,1).

Chính Ðức Giêsu đã kêu gọi nhân loại đặt niềm tin vào Ngài và vào những lời Ngài giảng dạy. Ngài xưng nhận mình là Ðấng Cứu Thế, là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Ðồng thời những người chống đối Ngài đã coi Ngài là kẻ phạm thượng, là một tiên tri giả hay là một kẻ phiến loạn. Hêrôđê đã chế diễu Ngài là một người khờ dại (Lc 23,6-12). Một số người bà con thân cận thì nghĩ là Ngài là người mất trí (Mc 3,21). Nhiều người nghe Ngài giảng dạy và thấy những phép lạ Ngài làm thì tự hỏi Ngài là ai vậy? (Mc 4,40).

3. Ðức Giêsu Kiện Toàn Lời Hứa Cựu Ước

Ðức Giêsu là tất cả những gì mà Thiên Chúa muốn nói, muốn tỏ lộ, và muốn đối xử với nhân loại. Ðức Giêsu là tất cả những gì Thiên Chúa có thể nói với nhân loại, bởi vì Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngài là Con Thiên Chúa, là sự tỏ bày của Thiên Chúa. Tất cả mọi sự đều chia sẻ trong Ðức Giêsu. Tất cả tạo vật trong vũ trụ hiện hữu là vì được chia sẻ trong sự hiện hữu của Ðức Giêsu (Gio 1,1-18). Ðức Giêsu cũng là sự viên mãn cho niềm mong đợi của dân Do Thái trong suốt bao nhiêu thế kỷ. Họ đã được hứa ban cho một vị tiên tri vĩ đại, Ðấng sẽ loan truyền tin mừng của Thiên Chúa (ÐNL 18,15-20). Dân Do Thái cũng đã mong đợi vị vua trong dòng tộc Ðavid, Ðấng sẽ giải thoát họ và dẫn đưa họ tới chiến thắng huy hoàng vẻ vang (2Sam 7,12-16; Gio 4,25-26). Ðức Giêsu chính là vị vua đó. Họ cũng đã được báo cho biết rằng một người tôi tớ của Thiên Chúa (Is 49,53) mà qua những thương tích, đau khổ và sự chết của Ngài, mọi người sẽ được chữa lành và được cứu rỗi. Ðức Giêsu chính là Người tôi tớ đó. Họ cũng được hứa sự xuất hiện của Con Người như một siêu nhân (Ðan 7,13-14) Ðấng sẽ nhận lãnh từ Thiên Chúa quyền lực, vinh quang và thống trị trên mọi dân tộc cho tới muôn đời. Ðức Giêsu chính là Con người siêu nhân đó.

Nhưng Ðức Giêsu còn vượt hơn tất cả; Ngài là Chúa của vũ trụ, vì tất cả mọi sự có đều bởi Ngài. Và ngoài Ngài ra không có gì có thể tồn tại. Trước khi có trời đất thì đã có Ngài (Gio 1,3). Thiên Chúa là Ðấng tự biểu lộ chính mình, và Ngài đã biểu lộ chính Ngài qua Ðức Giêsu. Thiên Chúa là Ðấng thông ban, và chính Ðức Giêsu là món quà và là sự thông ban của Thiên Chúa cho nhân loại. Thiên Chúa là Tình Yêu và Ðức Giêsu là chính sự biểu lộ Tình Yêu của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đã yêu thương nhân loại quá đỗi đến nỗi không có sự tội lỗi, thất trung bội nghĩa nào của nhân loại có thể làm mất đi tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu tạo dựng, tha thứ, chữa lành, và cứu độ. Trong tình yêu đó chúng ta được thần linh hóa, được Kitô hóa, thánh thiện hóa, và được biến đổi trở nên anh chị em với Ðức Giêsu. Thiên Chúa muốn Cha của chúng ta, và trong Ðức Giêsu Kitô chúng ta được tiếp nhận sự sống mới, sự sống của Thiên Chúa, làm cho chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa.

Ðối với chúng ta thì Ðức Giêsu là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Ngài là nước hằng sống, và là lương thực hằng ngày. Ngài là sự sáng, là sự sống lại, là hy vọng, và là bảo đảm sự sống đời đời của nhân loại. Sự sống đời đời không có nghĩa là chỉ sau khi chết, nhưng là sự sống thần linh với Ðức Giêsu, với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần sống động trong chúng ta ngay ở hiện tại.

4. Ðức Kitô là Con Người

Ðức Kitô là con người như thế nào? Ngài thực sự là người. Ngài cũng đã biết mệt mỏi sau mỗi khi làm việc; quá mệt mỏi đến độ Ngài đã ngủ gục trên thuyền (Mc 5,38). Ngài đã quá khát đến nỗi không ngần ngại xin một người phụ nữ Samaria nước để uống (Gio 4,7). Ngài quá thực tế và hấp dẫn nên đã thu hút nhiều người khiến họ bỏ công ăn việc làm để đi theo Ngài hoặc nghe Ngài giảng dạy. Ngài đã can đảm đến nỗi không đe dọa hoặc cuộc mưu sát nào có thể làm Ngài khiếp sợ chùn bước trong sứ vụ làm trọn thánh ý của Cha Ngài. Ngài đã thực sự rất nhạy cảm nên đã khóc thương bạn mình là Lazarô. Ngài cũng rất trung thành với đồng bạn cho dù họ từ chối Ngài và lìa bỏ Ngài, nhưng Ngài vẫn không từ bỏ họ. Ngài yêu thương đến nỗi đã sẵn sàng chịu chết hiến mạng sống của Ngài cho nhân loại. Ðức Giêsu là bạn riêng của từng con người. Ngài là Ðấng Cứu Thế của từng cá nhân, bởi vì Ngài đã thống trị tất cả tội lỗi, và sự chết. Nhờ Ngài mà tất cả mọi người được quyền hưởng ơn cứu độ. Tin tưởng phó thác nơi Ðức Kitô chúng ta sẽ được cứu rỗi. Ngài yêu thương từng người chúng ta cách riêng biệt. Ngài là Ðấng Cứu Thế, là Ðầu của Thân Thể Giáo Hội; là trưởng tử trong gia đình Thiên Chúa. Ngài không những chỉ là Người, nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa.

Ðức Giêsu hoàn toàn không chấp nhận lối sống đạo giả hình. Ngài lên án những người chỉ lo rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong lại đầy tràn tham lam và xấu xa (Mt 23,25; Lc 11,39; Mc 7,15-23). Ðối với sự phán đoán của Thiên Chúa thì một hành động xấu hay tốt tùy thuộc ở nơi nội tâm của người hành động, chứ không do nguyên tự việc làm. Ngài cũng đặt nặng phẩm chất của việc làm hơn là số lượng như trường hợp của người thanh niên giầu có; anh đã làm tất cả những gì lề luật đòi hỏi, “Lạy Thầy, tôi đã giữ tất cả những điều này từ thuở nhỏ.” Nhưng Ðức Giêsu đã phải thất vọng vì anh không đáp lại được lời mời gọi của Ngài.

Nói tóm lại, Ðức Giêsu nhấn mạnh đến ý hướng ngay lành từ nội tâm của con người trong các việc làm của họ. Vì Nước Trời đã đến, và đây là một triều đại mới trong tinh thần liên hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Chúng ta ôn lại và tìm hiểu thêm về tinh thần và giáo huấn của Ðức Kitô để chúng ta trở nên những người môn đệ chính hiệu hơn.

Rev. Gioan Trần Khả

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.