Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?

Khiêm nhường là điều kiện để được vào Nước Trời. Tham vọng của con người: Các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Các môn đệ hỏi câu hỏi này vì các ông đã quá quen với tiêu chuẩn và giá trị của thế gian: tiêu chuẩn của thế gian là địa vị, danh vọng, và quyền hành; người có giá trị là người có địa vị và quyền hành lớn nhất, chẳng hạn như vua hay một nguyên thủ của quốc gia. Có thể nói mục đích của các môn đệ khi theo Chúa lúc đầu là để được cùng thống trị với Chúa, khi Ngài khôi phục vương quốc Israel. Tham vọng này được chứng minh khi mẹ và hai anh em Giacôbê và Gioan đến xin Chúa cho một người ngồi bên phải và một người ngồi bên trái Chúa khi Ngài trị vì. Mười tông-đồ kia bất mãn với hai anh em về yêu cầu này.

Điều kiện để được vào Nước Trời: Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ (paidi,on) đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” Hai tư tưởng chính Chúa Giêsu muốn các môn đệ hiểu ở đây: Thứ nhất, tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời hoàn toàn khác với tiêu chuẩn của thế gian. Thứ hai, để được vào Nước Trời, con người phải hạ mình và trở nên như một trẻ nhỏ.

Người mục tử nhân lành: Vẫn trong chiều hướng dạy dỗ các môn đệ làm quen với tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời, Chúa Giêsu tiếp tục dạy các ông hai bài học:

1- Đừng khinh thường kẻ bé mọn: Phải thương xót và săn sóc những kẻ bé mọn (mikro,j). Tĩnh từ Hy-lạp dùng như danh từ ở đây khác với danh từ dùng cho trẻ nhỏ ở trên (paidi,on), tĩnh từ này được dùng để chỉ:
– những người có thân hình nhỏ bé: trẻ thơ, người lùn;
– những người không quan trọng, không có địa vị trong xã hội, người nghèo khó, thất học.

Người môn đệ của Đức Kitô phải biết đứng về phía những kẻ cô thân cô thế để bênh vực và giúp đỡ họ như những con cái của Thiên Chúa. Mỗi người này đều có một thiên thần hộ thủ để bênh vực cho họ trước Thiên Chúa. Ai khinh thường và làm hại họ, thiên thần sẽ tường thuật cho Thiên Chúa (x/c Tob 3:8-9, 12:12-14).

2- Phải đi tìm con chiên lạc: Người của thế gian chú trọng đến đám đông để được phổ thông và nổi tiếng; họ không thể hiểu nổi tại sao lại bỏ 99 con chiên trên núi để đi tìm con chiên lạc. Thiên Chúa như một người cha yêu thương chú trọng đến từng cá nhân một, nhất là những con chiên bị lạc đường. Ngài biết từng con chiên, yêu thương từng con chiên, không thỏa mãn cho đến khi tìm được con chiên lạc, và chỉ vui mừng khi thấy tất cả chiên được qui tụ về một đàn dưới quyền của một Chúa chiên.

Lạy Chúa Giêsu, bài học về trẻ thơ tuy đơn sơ nhưng cao vời vợi. Xin dạy con nên như trẻ thơ để con biết luôn phó thác trong tay Cha từ ái. Xin giúp con biết sống khiêm nhường để nhận ra tất cả đều là hồng ân Chúa ban, để dám đối diện với sự thật, để can đảm vác thánh giá hàng ngày theo Chúa. Xin Chúa cũng cho chúng con biết yêu thương và tôn trọng những anh em bé mọn, yếu đuối. Xin giúp chúng con biết cầu nguyện, giúp đỡ họ nhiều hơn để tất cả chúng con được Chúa đón nhận và yêu thương. Amen.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải luôn biết khiêm nhường, không cậy dựa vào sức mình; nhưng biết trông cậy nơi sức mạnh và tình thương của Thiên Chúa.
– Chúng ta phải đứng về phía những người bị bỏ rơi để bênh vực và giúp đỡ họ.

Bài Suy Niệm của Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.