12 THÁNH TÔNG ĐỒ

1/ An-rê – Tông đồ giàu tình bạn:

– Là anh của Phê-rô.

– Được biết Chúa Giêsu qua lời Gioan Tẩy Giả: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Người đầu tiên trong nhóm 12 gặp Đức Giêsu.

– Ông đã nói chuyện với Chúa và tin vào Người.

– Ông đã đưa Phê-rô đến với Chúa. Ông xác tín Đức Giêsu là Đấng Mesiah!

– Người phát hiện ra em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá.

– Ông chỉ xuất hiện mờ nhạt trong Kinh Thánh.

– Chúng ta không biết gì về An-rê trong lịch sử Giáo Hội tiên khởi. An-rê biến mất trong bóng tối.

– Theo những tài liệu góp nhặt thì ông qua Hy-lạp và rao giảng ở vùng A-khai-a. Ông tử vì đạo tại đây và chết trên thập giá hình chữ X. Vài thế kỷ sau, hài cốt của ông đã được đem qua xứ Tô Cách Lan (Scotland ). Chiếc tàu chở hài cốt bị đắm gần bờ biển. Nơi đây ngày nay gọi là St. Andrew’s Bay. An-rê trở thành bổn mạng của quốc gia Tô Cách Lan.

-> Vị tông đồ hiền hòa, thân thiện, khiêm nhường.

2/ Phi-líp-phê – Tông đồ thực tiễn:

– Ông là một người tỉ mỉ cẩn thận, bước từng bước một, vững chãi, lý luận rất mực là thực tế:

+ Ban đầu, ông không tin những tin đồn về Đức Giêsu; ông đã không đi theo Người nhưng chính Chúa đã đến tìm ông và gọi ông (Ga 1,43-44).

+ Ông đã trình bày tỉ mỉ về thân thế Đức Giêsu.

+ Ông không tranh luận nhiều, Ông bảo Na-tha-na-en: “Hãy đến mà xem”.

+ Khi Chúa hỏi phải mua bánh cho dân chúng ăn thế nào (để thử ông) thì ông đã trả lời theo cách tính toán khoa học; “200 đồng… cũng không đủ để mỗi người được một chút đỉnh” (Ga 6,7).

+ Ở với Chúa 3 năm ròng nhưng ông vẫn chưa biết rõ, vẫn khao khát kiếm tìm. Và Chúa đã phải thốt lên: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà, Phi-líp, anh chưa biết Thầy ư? Ai xem thấy Thầy là xem thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Và ít ra “…anh hãy tin vào những việc Thầy làm” (Ga 14,11).

– Ông đã tin và được biến đổi vào ngày lễ Ngũ Tuần. Ông rao giảng về Chúa Phục Sinh bằng tất cả niềm tin cùng với mọi việc ông chứng kiến về Chúa Ki-tô.

– Thánh Polycarpe, Giám Mục Ê-phê-xô (tk II) cũng viết về Phi-líp như sau: “Ông là một trong 12 Tông Đồ đã sống như ánh sáng chói lòa nhất ở Á Châu (Tiểu Á) và được chôn cất ở Hierapolis”.

3/ Na-tha-na-en, được gọi là Ba-tô-lô-mê-ô: Tông đồ mơ mộng:

– Ông không nghĩ xấu cho ai, ông không tìm kẽ hở trong lời đối thoại, ông chấp nhận mọi người một cách thoải mái. Ông sống với ý nghĩ thanh cao, nên không có giờ để xảo trá. Ông vượt hẳn những ti tiện nhân gian, giả hình.

– Ông là người có thành kiến: “Từ Na-za-rét thì có thể nẩy ra điều gì tốt được?” (Ga 1,46 ): Những kẻ xuất thân từ làng quê đó thì chẳng bằng ông, không đáng để ý.

– Khi vừa thấy ông, Chúa nói: “Đây quả là một người Ít-ra-en đích thực, trong mình không có gian dối” (Ga 1,47). Ông ngạc nhiên vô cùng: “Bởi đâu mà Người biết tôi?” và ”Trước khi Phi-líp gọi anh,Tôi đã thấy anh dưới gốc cây vả” (Ga 1,48).

– Ông ân hận vì thành kiến của mình: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Ít-ra-en” (Ga 1,49). Na-tha-na-en đã tin thật chóng vánh, khác hẵn với Tô-ma.

– Chúa Giê-su bảo: “Anh tin Tôi, bởi vì Tôi bảo rằng Tôi đã thấy anh dưới cây vả, anh sẽ còn thấy những điều trọng đại hơn nữa. Tôi bảo anh, anh sẽ thấy Cửa Trời mở rộng và thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người” (Ga 1,50-51). => ông là người hay mơ mộng nên ông sẽ thấy những giấc mộng…

– Ông là người tiên phong trong số những tâm hồn nhạy cảm tìm gặp Thiên Chúa bằng chiêm niệm.

4/ Mat-thêu- người được cứu vớt:

– Ông là người Do Thái nhưng làm nghề thu thuế cho Đế quốc Rôma, nơi ông làm việc ở ngoại ô Caphanaum, ông bị đồng bào lạnh nhạt, khinh thường.

– Đức Giêsu đã đến gặp ông và mời gọi “Hãy theo Thầy” (Mt 9,9). Chúa đã không loại trừ ông như đồng bào Do Thái khác, điều đó làm biến đổi ông. Và ông đã bỏ mọi sự để theo Chúa. Từ một Mát-thêu thu thuế, ông đã trở thành Tông Đồ Chúa Giê-su.

– Ông là người thông minh, có tài và khiêm nhường: Là một người viết ra sách Phúc Âm, thuật lại bao biến cố đem lại ơn cứu độ cho loài người. Trong tác phẩm của mình, ông không hề nhắc đến bản thân. Nhờ Phúc Âm của Lu-ca, Mác-cô chúng ta mới biết tên thật của ông là Lê-vi.

– Mát-thêu đã được cứu vớt: Sau giây phút gặp gỡ, ông mời Chúa Giê-su về nhà dùng bữa. Những người mang danh đạo đức đã chỉ trích Chúa Giê-su. Và Người đã trả lời họ: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà là kêu gọi những kẻ tội lỗi…”

– Giáo Hội tiên khởi cho chúng ta biết rằng: sau khi Chúa Giê-su sống lại, Thánh Mát-thêu đã rao giảng cho dân Do Thái.

– Phúc Âm theo thánh Mát-thêu giới thiệu Chúa Giê-su như Đấng Thiên Sai: Đấng Mê-si-a, Đấng được hứa đến để cứu thoát dân Do Thái. Người là con của Áp-ra-ham, con của Đa-vít, Con-Loài-Người, Đấng đã nghiệm đúng lời các Ngôn Sứ trong Cựu Ước.

– Mát-thêu đã chịu tử đạo ở Ê-thi-ô-pi-a, một vùng đất châu Phi.

5/ Simon – Tông đồ nhiệt thành:

– Ông là người Ca-na-an.

– Thánh Mác-cô gọi là Simon Nhiệt Thành, Thánh Luca gọi là Simon thuộc nhóm Quá Khích. Lý do vì ông thuộc một đảng phái chính trị: Họ là những người ái quốc cuồng nhiệt, họ là một nhóm người Do-thái tin tưởng ở sự độc lập của Ít-ra-en và không hợp tác với Rô-ma.

– Chúng ta không biết ông theo Chúa trong hoàn cảnh nào. Có giả thuyết cho rằng ông tin Chúa là Đấng Thiên Sai, là Đấng đến giải phóng dân Ít-ra-en, Đấng sẽ đem độc lập đến cho dân tộc Do-thái.

– Chúa Ki-tô phục sinh đã thay đổi suy nghĩ của ông và dùng “sự nhiệt thành” của ông để mở rộng Nước Trời cho mọi người.

– Giả thuyết cho rằng Si-môn đã chịu chết trên thập giá. Chỉ có thể mô tả ông: một người quả quyết, hăng say, dám nghĩ, dám làm, một người nóng bỏng nhất trong các Tông Đồ.

6/ Gia-cô-bê Dê-bê-đê (Gia-cô-bê tiền) – Tông đồ cao vọng:

– Ông tên là Gia-cô-bê, em ông cũng là Tông Đồ tên là Gio-an. Cha ông tên là Dê-bê-đê, một người ngư phủ. Mẹ ông tên là Sa-lô-mê, chị họ của bà Ma-ri-a.

– Con người của ông sôi sục, nóng nảy, vì thế, Gia-cô-bê dễ dàng làm mồi cho cao vọng. Ông được Chúa gọi là “Con-Của-Sấm-Sét” để thấy rằng ông là người nóng nảy, cuồng nhiệt đến thế nào. Điều này cũng giải thích được phản ứng của ông đối với dân Sa-ma-ri: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng ta khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt bọn chúng không?” (Lc 9, 54).

– Chính Gia-cô-bê và Gio-an tự miệng nói ra: “Xin Thầy cho chúng con được ngồi một người bên tả, một người bên hữu trong vinh quang của Thầy” (Mc 10,37).

Và Chúa đã dạy họ một bài học: những chỗ danh dự trên trời không dành cho những kẻ bè phái, xin xỏ nhưng dành cho những người xứng đáng: “Anh em không biết anh em xin gì? Anh em có thể uống chén Thầy uống và chịu thanh tẩy cùng một thứ thanh tẩy mà Thầy chịu không ?” (Mc 10,38 ). Chính ông đã vội vã thưa vâng mà không hiểu gì….

– Ông là Tông Đồ đầu tiên đổ máu dưới thời Hê-rô-đê, ông đã uống cạn chén Chúa đã uống.

7/ Gia-cô-bê hậu – Tông đồ vô danh:

– Trường hợp Gia-cô-bê Hậu là một trường hợp không may. Ta chỉ biết tên ông là Gia-cô-bê, cha là ông An-phê, mẹ là một trong những người đi theo Chúa Giêsu, còn ông là một Tông Đồ. Chỉ có thế thôi. Tên Gia-cô-bê không hề xuất hiện ở nơi nào khác trong Phúc Âm, ngoại trừ ở bản danh sách các Tông Đồ.

– Gia-cô-bê là Thánh Bổn Mạng của những người không ai biết tới, của hàng triệu người vô danh đã đi theo con đường Chúa dạy, đã tin theo Đức Ki-tô. Sách Công Vụ ghi lại: “…Còn các người bị phân tán thì khi họ đi qua nơi đâu, họ đã rao giảng Tin Mừng ở đó” (Cv 8,4).

– Truyền thuyết cho rằng ông đã tử vì đạo. Tử đạo cũng là một chứng tích. Vị Tông Đồ này được chọn để làm chứng, và tên ông được ghi vào Sổ Nước Trời, người ta không biết đến ông nhưng Chúa biết.

8/ Gio-an – Tông đồ của tình yêu:

– Ông là con ông Dê-bê-đê, có anh là Tông đồ Gia-cô-bê, làm nghề ngư phủ. Bạn của An-rê và Phê-rô.

– Ông là tác giả viết nên một trong bốn cuốn Phúc Âm. Nếu muốn hiểu, muốn biết, muốn cảm nghiệm về tình yêu, cốt tủy của Ki-tô giáo thì hãy đọc Phúc Âm do Gio-an viết. Trong Phúc Âm, danh xưng của ông là “môn đệ Chúa yêu”.

– Theo Kinh Thánh, Gio-an là anh em bà con với Đức Giêsu. Khó mà tin người anh của là Chiên Thiên Chúa. Nhưng sau khi cùng An-rê gặp gỡ và trò chuyện với Đức Giêsu, ông đã tin, tin tuyệt đối và chính điều này đã làm thể hiện trong sách Phúc Âm do ông viết: “Tin” là chữ xuất hiện 98 lần trong 21 chương.

– Ông có một tâm hồn tế nhị, nhạy cảm, nhưng ông cũng hay nổi những trận lôi đình. Gio-an đã chiến thắng nóng nảy của mình và lớn lên trong tình yêu và thông cảm: Ông đã từng xin Chúa cho lửa trời xuống mà thiêu hủy dân Samari; ông từng mơ rằng được ngồi một bên tả-hữu Chúa với anh mình.

– Ông có một tình yêu đích thực và can đảm: chỉ mình ông và Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá. Chúa đã trao phó Mẹ cho ông chăm sóc và Mẹ cũng là mẹ của ông!

– Gio-an hiểu Đức Giê-su hơn bất cứ môn đệ nào. Dù cho Gio-an không phải là người có học thức: Các đầu mục, niên trưởng và ký lục xác nhận rằng: Gio-an ngu dốt và thất học! (x. Cv 4,13) nhưng ông đã viết một cách tuyệt vời về Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Và Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta…” (Ga 1,1-14)

– Sau khi Chúa về trời, ông và Phê-rô là cột trụ của Hội Thánh tại Giêrusalem. Những năm cuối đời, ông sống ở Ê-phê-xô, trong thời gian này, ông viết Phúc Âm và 3 lá thư. Sau đó ông bị lưu đày ở đảo Patmos, ở đây ông được linh hứng viết ra sách Khải Huyền.

– Biểu tượng của thánh Gio-an: Chim phượng hoàng.

– Ông chết cách tự nhiên trong tuổi già, ông là người chết sau cùng trong nhóm 12 do Chúa chọn.

9/ Giu-đa Ta-đê-ô – Tông đồ trung kiên:

– Ông được Phúc Âm nhắc đến chỉ một lần duy nhất: Trong phòng Tiệc Ly, sau bữa ăn, ông đã hỏi Đức Giêsu: “Bấy giờ, Giu-đa, không phải Ít-ca-ri-ốt, hỏi Người: “Thưa Thầy, làm sao Thầy lại chỉ tỏ mình ra cho chúng con, mà lại không tỏ ra cho thế gian ?” (Ga 12, 22).

– Ông được kể như một Tông đồ trung thành với Chúa suốt 3 năm đi rao giảng. Sự trung kiên ấy càng mạnh mẽ hơn khi Chúa xác quyết: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy…”

– Tân Ước nói nhiều về lòng trung tín và bền đỗ, đây là điểm chính yếu trong Thư của Giu-đa.

– Giu-đa đã trung tín đến cùng, Giu-đa rao giảng về Chúa đến cùng, Giu-đa rao giảng Lời Chúa hết sức nhiệt tình… Về cuối đời, ông rao giảng ở vùng Odessa, Arménia và Persia. Truyền thống cho rằng ông tử đạo ở Persia.

10/ Tô-ma – Tông đồ đa nghi:

– Đây là vị Tông Đồ bi quan nhất. Con người luôn buồn rầu, sầu thảm, và hình như không thể tin điều gì mà ông không thấy.

– Trong Phúc Âm, Tô-ma lần đầu tiên xuất hiện khi Chúa nghe tin La-da-rô chết.

– Khi Chúa Giêsu nói rằng Người sẽ về Giu-đê sang Bê-ta-ni-a, Tô-ma quay lại nói với các Tông Đồ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng hãy cùng qua để chết với Người” (Ga 11,10). – Đây là câu nói tận hiến nhưng cũng là câu nói bi quan, cam chịu, ông không tin vào quyền năng của Chúa, ông không tin là Chúa đến Bê-ta-ni-a để cứu sống La-da-rô, ông nghĩ rằng Chúa sẽ chết khi đến đó.

– Trong bàn Tiệc Ly, Chúa nhắn nhủ các môn đệ, ông cũng lắng nghe và không hiểu nên hỏi đầy vẻ buồn thảm: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”

– Khi Chúa phục sinh hiện ra với nhóm 11, ông đã không có mặt và cũng không tin lời ai nói lại. Ông không tin bởi ông quá bi quan,ông khép lòng. Chính thái độ đó đã khiến ông thốt lên: “Nếu tôi không thấy…, tôi sẽ không tin…” (Ga 20,25). Lần hiện ra kế tiếp, Chúa đã cho ông được thỏa lòng. Trong khoảnh khắc,Tô-ma biến đổi cách phi thường, vượt xa các Tông đồ khác khi ông tuyên xưng: “Lạy Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

– Không rõ về cuối đời của ông.

11/ Phê-rô – Tông đồ khiêm nhường:

– Trong số 12 Tông Đồ, vị được nhắc đến nhiều nhất là Phê-rô. Phê-rô đứng đầu danh sách. Người ta thường nghĩ Phê-rô là một Tông Đồ nhiều khuyết điểm nhất!

– Trước khi gặp Chúa, Phê-rô đã là người chỉ huy trong việc chài lưới. Phê-rô luôn ra lệnh cho mọi người. Khi trở thành Tông Đồ, ông nổi bật trong Kinh Thánh: ông là người mở miệng đầu tiên, ông là người hành động trước nhất.

– Phê-rô, với tất cả lời nói và hành vi có vẻ đao to búa lớn, lại mang bên trong một tâm hồn nhạy cảm, yếu tin nhưng khiêm nhường:

+ Ông biết rõ lòng mình và chính lòng khiêm nhường này đã làm cho ông trở nên một vị thánh lớn: “Nhưng nếu Thầy bảo thì tôi thả vậy…” (Lc 5,4-6); “Thưa Thầy, xin Thầy hãy tránh xa tôi vì tôi là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8).

+ Chính lòng khiêm nhường đã cứu ông, vì ông cũng phản bội như Giu-đa. Nhưng nhờ khiêm nhường mà ông không tuyệt vọng như Giu-đa…

+ Ông bị Phao-lô làm mất mặt trước cộng đoàn nhưng vẫn im lặng, không tự bào chữa.

+ Trong thư, ông thể hiện sự khiêm nhường của mình vì nhớ đến bản chất tội lỗi đã được Chúa thứ tha.

– Ông được Chúa đặt làm người cai quản Giáo Hội trần gian (giáo hoàng).

– Ông đã đến Rô-ma rao giảng và tử đạo tại đây,chịu đóng đinh vào thập giá ngược đầu.

12/ Mát-thi-a – Tông đồ thay thế:

Tài liệu duy nhất đáng kể về thánh Mathia là tường thuật của sách Công vụ các tông đồ (Cv 1,15-26). Theo điều kiện mà thánh Phêrô đưa ra để chọn người thế chân cho Giuđa trong nhóm 12. Chúng ta biết thánh Mathia là một trong số các môn đệ của Chúa Giêsu. Ngài đã theo Chúa Giêsu “Khởi từ lúc Gioan thanh tẩy cho đến ngày Chúa Giêsu về trời” (c. 22).

Khi Chúa Giêsu đã về trời, các tông đồ vâng lệnh Chúa trở về Giêrusalem cầu nguyện chờ đón Chúa Thánh Thần đến. Họ gặp nhau lại khoảng 120 người. Lúc ấy Phêrô lên tiếng nhắc lại sự Giuda phản bội và kết luận:
– “Phải chọn lấy thêm một người để cùng chúng tôi làm chứng tá cho sự sống lại của Chúa Giêsu”.

Cộng đoàn đã đề cử hai người xem ra xứng đáng nhất, với vinh dự này là Giuse, gọi là Barsabba biệt danh là Giustô và Matthia. Thế rồi họ cầu nguyện và bắt thăm chọn người Chúa muốn. Matthia đã trúng cử và nhập vào nhóm 12.

Vị tân tông đồ, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, đã ra đi rao giảng Phúc âm và hiến phần còn lại cho việc tông đồ, thánh Clementê, thánh Alexandria kể lại rằng: các giáo huấn của thánh Matthia tập chú vào nhu cầu phải hy sinh hãm dẹp xác thịt và những ước muốn lăng loàn. Đó là bài học quan trọng Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu và đem ra thực hành.

Nhiều sứ giả cho rằng thánh Matthia đi từ Giuđêa tới tận Ethiopie rao giảng và làm cho vô số người trở lại đạo. Sau ba mươi năm bị bách hại, nỗ lực và thành công, Ngài bị ném đá và bị chặt đầu dưới thời Nerô vào năm 63.

Theo dân Hy lạp, thánh Matthia đã mang Kitô giáo đến miền Cappadôcia rồi bị đóng đinh vào thập giá ở Côlehis. Và xác Ngài được đưa về Giêrusalem. Một phần các xương thánh vẫn còn ở đền thờ Đức Bà Cả, nơi thánh nhân đã làm nhiều phép lạ.

*Xin lưu ý: Trong 12 vị Tông đồ được nói đến trong bài, không có Giu-đa It-ca-ri-ốt, mà thay vào là Thánh Mát-thi-a

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.