“Ai Chạm Đến Ta?”

“Không ai có thế đến với tha nhân nếu chính mình không sẵn sàng chạm đến thân thể của họ. Nếu bạn không sẵn sàng chạm đến một người vô gia cư, một người say rượu hoặc một người thật dơ bẩn, thì chính bạn không sẵn sàng phục vụ cho những người đó.” (Nhà Tâm Lý Học Charles Gerkin, Đại Học Emory)

Một cử chỉ chạm, một cái ôm và những cử chỉ êm dịu trực tiếp đụng đến thân thể của tha nhân bày tỏ tình yêu thương và chấp nhận họ cách mãnh liệt hơn những lời nói ngọt ngào có thể đem lại được. Cử chỉ chạm là con đường hai chiều: nó ảnh hưởng đến người thụ động cũng như người chủ động.

Trong cuộc sống, chúng ta, ai cũng đã từng đóng vai chủ động và thụ động; nghĩa là ta đã từng chạm đến người khác cũng như được người khác chạm đến. Tôi nhớ lại những lần viếng thăm nhà dưỡng lão cũng như những tháng làm Tuyên Úy trong nhà thương. Mỗi khi đến thăm những người cô đơn cũng như bệnh nhân, họ đều muốn nắm tay tôi khi nói chuyện. Có những lần tôi cầm tay họ cho đến hơn một tiếng mà họ vẫn chưa muốn buông thả. Qua đó, tôi nhận thấy rằng một cử chỉ nhỏ mọn như cầm tay hoặc xoa nhẹ trên vai đều mang lại cho người được chạm cũng như chính tôi một sự bình an, niềm vui và sức sống mới.

Bài Tin Mừng hôm nay tả lại hai cử chỉ chạm. Trước hết, người đàn bà bị bệnh xuất huyết hành hạ 12 năm chạm đến Chúa Giêsu. Kế đến là Chúa Giêsu chạm đến em bé gái 12 tuổi. Cả hai cái chạm đều mang lại sự sống và niềm vui cho người chạm cũng như người được chạm. Người đàn bà bệnh đã 12 năm chạm đến Chúa và được chữa lành. Em bé 12 tuổi được Chúa chạm đến được hồi phục sự sống. Trong hai câu truyện, Marcô có đề cập đến một chi tiết giống nhau mà ta cần chú ý, đó là chi tiết 12 năm.

Theo phong tục thời đó, tuổi 12 là tuổi được lập gia đình. Cô bé đã chết trước khi được trở nên một người vợ và người mẹ. Người đàn bà bị bệnh hành hạ làm cho không thể sinh con. Cả hai đều có khả năng cộng tác với Chúa để mang sự sống vào thế gian, nhưng một người bị bệnh hành hạ và một người bị cướp mất chính sự sống. Nhưng, nhờ hai cử chỉ đụng chạm, Chúa Giêsu đã không chỉ cứu hai người nữ này khỏi chết, nhưng đã hồi phục chọ họ khả năng sinh con, một khả năng ban sự sống.

Ta cũng nên nhớ là không phải ai chạm đến Chúa cũng được khỏi. Đám đông chạm đến Chúa nhưng không gì xảy ra. Ngược lại, người đàn bà chạm đến Chúa đã mang lại một phép lạ. Điều khác biệt giữa hai cái chạm là mức độ ĐỨC TIN. Người đàn bà tin mạnh nên được khỏi và đám đông chỉ chạm đến Chúa vì hiếu kỳ nên không gì xảy ra.

Trong cuộc sống hằng ngày, ta chạm đến nhiều người cũng như được nhiều người chạm đến ta. Nhưng, thử hỏi ta chạm đến tha nhân bằng cách nào? Cử chỉ chạm của ta đem lại cho họ một niềm vui, sự bình an và an ủi hay chỉ là một cái chạm thông thường?

Đặc biệt hơn nữa, nếu Chúa Giêsu xuất hiện, đi ngang qua và ta có cơ hội để chạm đến gấu áo của Ngài, ta sẽ chạm đến Ngài với một thái độ hiếu kỳ như đám đông hay với một ĐỨC TIN, như của người đàn bà trong Tin Mừng, là mình sẽ được biến đổi? Thật sự, Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta và chúng ta có cơ hội không chỉ chạm đến gấu áo Ngài, nhưng là chính thân thể Ngài. Đây chính là đặc ân ta được hưởng mỗi khi dự Lễ và rước Chúa vào lòng. Chúng ta đã rước Chúa với thái độ nào?

Xin Lời Chúa hôm nay giúp ta ý thức được đặc ân này và tham dự Thánh Lễ chăm chỉ, dọn mình sốt sàng để rước Chúa vào lòng. Nguyện xin Mẹ Maria, người đã không chỉ được chạm đến Chúa nhưng còn được mang chính Chúa trong lòng, giúp ta luôn biết đặt hết tâm hồn và tấm lòng vào những lời ta đọc trước khi rước Chúa, “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”

Lm. Quốc Toản, CMC

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.