Nối Trời với Đất: Thứ tư sau Chúa Nhật thứ I mùa Vọng

 Buổi sáng(15 phút).
1) Mở đầu với Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
2) Thinh lặng cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.
3) Đọc chậm rãi bài suy niệm gợi ý.

Yêu thương và trân trọng.

“Anh em thân mến, anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại”
(Cl 3,12).

“Chuyện cổ nhất về thánh Ni-cô-lau kể lại rằng, thánh nhân đã nhận được một phẩm giá cao quý từ chính Đức Kitô, như ánh sao ban mai đón nhận ánh sáng từ mặt trời bình minh. Như vậy, thánh Ni-cô-lau là phác họa của Chúa Kitô. Qua những nhân đức cao quý và rạng rỡ của thánh nhân, mặt trời công chính đang chiếu soi” (Joseph Ratzinger, Berürht vom Unsichtbaren).

Ngày 06.12, lịch phụng vụ mừng lễ thánh Ni-cô-lau. Theo truyền thống, vào thế kỷ thứ 4 ngài là vị giám mục thành Myra (thuộc Thổ nhĩ Kỳ). Thánh Ni-cô-lau là một chủ chăn rất tốt. Có lần ngài đã cứu các trẻ em trước âm mưu bắt cóc của một số người ở Myra, lần khác ngài đã giúp một cô gái nghèo lập được gia đình. Ngài cũng đã cứu dân cư thành Myra thoát khỏi nạn đói. Qua đó, chúng ta nhận ra, ngài luôn trân trọng người khác, đặc biệt những người thấp cổ bé miệng, những người được Thiên Chúa thánh hiến và yêu thương. Theo thời gian, thánh Ni-cô-lau được mọi người nhắc đến, đặc biệt trong dịp mùa Vọng và Giáng Sinh, như là một vi thánh luôn yêu thương trẻ em và những người nghèo khổ. Như vậy, nơi con người của thánh Ni-cô-lau, một cách nào đó chúng ta nhìn ra được con người của Đức Kitô. Thật vậy, hình ảnh Đức Kitô ôm các em vào lòng đã trở nên một hình ảnh tuyệt vời. Không chỉ thế, Đức Kitô còn bênh vực và nêu bật được phẩm giá cao quý của các em: “Ai không trở nên giống trẻ nhỏ, thì không được vào nước trời”.
Chúng ta học được gì qua tâm tình của Đức Kitô và tinh thần sống của thánh Ni-cô-lau? Chúng ta đọc lại lời khuyên nhủ của thánh Phao-lô: “Anh em thân mến, anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại”. Thánh Phao-lô không chỉ diễn tả những hành động mang tính cách luân lý, mà trên hết ngài dạy dỗ con cái ngài sống theo tinh thần tình yêu của Đức Kitô, trong tinh thần đó người với người luôn trân trọng nhau.

Tất cả những hành động và cử chỉ như thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại đều nói lên sự trân trọng người khác. Anh Charles de Foucault có lần đã nói: “Đầu tiên bạn hãy nhận ra Đức Kitô nơi người anh em, và sau đó bạn hãy có những cử chỉ và hành động xứng hợp với tinh thần của Đức Kitô.” Chúng ta cùng nhau tập sống trân trọng nhau, như Chúa Kitô trân trọng chúng ta, như thánh Ni-cô-lau trân trọng con chiên ngài.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

4) Thinh lặng suy niệm và rút ra một lời một ý tưởng để sống trong ngày. Tâm sự với Chúa để kết thúc phần suy niệm buổi sáng.

 Buổi tối(15 phút trước khi nghỉ đêm).
5) Cuối ngày trước khi đi ngủ dành 15 phút để nhìn lại: Bài cầu nguyện hôm nay đã đi với tôi và đã giúp tôi như thế nào? Tôi có khó khăn gì trong cầu nguyện? Có thể tôi chưa thấy bài cầu nguyện giúp tôi trong ngày sống. Nếu vậy thì tại sao? Tôi có chú tâm và ý thức đủ để “dành một chỗ” cho bài cầu nguyện ở trong lòng tôi và trong ngày sống của tôi chưa?
6) Viết lại một vài hàng (tối đa nửa trang A4) về hoa quả mà tôi nhận được trong ngày sống cầu nguyện hôm nay.
7) Cám Ơn Chúa về những hồng ân trong ngày, và xin Chúa thứ lỗi về những yếu đuối. Xin Chúa ban thêm sức mạnh và bình an để nghỉ đêm và bắt đầu ngày sống mới.

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.