Gặp Chúa với hết lòng tin tưởng như hai anh mù

Văn sĩ Thornton Wilder đã được trao giải thưởng Rewittzer, dành cho những người viết tiểu thuyết hay. Sau đó, Ông đã cho xuất bản một tiểu thuyết có tựa đề là Ngày Thứ Tám, mô tả cuộc sống của một gia đình đơn sơ tốt lành, nhưng luôn luôn bị quấy rầy, chịu nhiều thử thách, đau khổ, do bởi những con người xấu, vô lương tâm. Văn sĩ Wilder kết thúc quyển tiểu thuyết mà không đưa ra một phán quyết nào cả, gia đình tốt lành tiếp tục chịu đau khổ thử thách, và những người xấu vô lương tâm không bị ai trừng phạt cả. Tuy nhiên, một chút niềm hy vọng nào đó tồn tại, nơi gia đình tốt lành gặp khổ nạn, ông đã so sánh cuộc sống đầy gian nan thử thách của gia đình đơn sơ đó như là một tấm thảm có hai mặt. Nhìn từ mặt trái, tấm thảm trông thật là tầm thường, không có gì thu hút cả. Nhưng nhìn từ mặt phải, tấm thảm trông đẹp vô cùng. Tất cả đều tùy thuộc vào quan điểm quan sát. Ði xa hơn, văn sĩ Wilder nhận định rằng: nhìn từ quan điểm con người trần tục, cuộc sống gian nan thử thách là một cái gì không đáng thương chút nào cả. Nhưng nếu nhìn từ Thiên Chúa, nổi bất hạnh trong cuộc sống lại chói sáng thật đẹp.

Nhận định trên của văn sĩ Wilder giúp chúng ta đi vào chiều sâu của cuộc gặp gỡ giữa hai người mù và Chúa Giêsu như được mô tả nơi Phúc Âm theo thánh Matthêu, chương 9, câu 27-31. Cuộc sống bất hạnh của hai người mù không vô nghĩa chút nào. Hai người mù không trách móc Thiên Chúa, nhưng có thái độ khiêm tốn, kiên trì đến với Chúa. Niềm tin không bị dập tắt vì thử thách mù lòa, nhưng âm thầm thôi thúc cho họ đến với Chúa và khiêm tốn nài xin: Lạy Chúa, lạy Con Vua Ðavít, xin thương xót. Ðây chúng ta hãy cùng nhau đọc lại đoạn Tin Mừng hai người mù gặp Chúa Giêsu và được Ngài làm phép lạ cho được sáng mắt thể xác cũng như tinh thần, như sau:

Ðang khi Chúa Giêsu ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: Lạy Con Vua Ðavít, xin thương xót chúng tôi. Khi Chúa Giêsu về tới nhà, thì hai người mù ấy liền lại gần. Chúa nói với họ: Các anh có tin là Tôi làm được điều ấy không? Họ đáp: Thưa Ngài, chúng tôi tin. Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và nói: Các anh tin thế nào, thì được như vậy. Mắt họ liền mở ra. Chúa nghiêm giọng bảo họ: Coi chừng, đừng cho ai biết. Nhưng vừa ra khỏi nơi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.

Thái độ của hai người mù đáng nêu gương cho chúng ta. Như đã gợi ý trên đây, qua quyển tiểu thuyết “Ngày Thứ Tám” của văn sĩ Wilder, hai người mù đã không để cho bệnh tật thể xác, không để cho gian nan thử thách, lấy mất đi niềm tin của họ, ngược lại, chúng là dịp thôi thúc họ khiêm tốn đến với Chúa và khẩn xin: lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Chúng ta cùng được mời gọi cầu nguyện với lời khẩn xin nầy, vào khởi đầu việc cử hành bí tích Thánh Thể, khởi đầu của cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giêsu: Xin Chúa thương xót chúng con. Chúng ta đọc ba lần: Xin Chúa thương xót chúng con. Nhưng tâm tình chúng ta lúc đó như thế nào? Chúng ta có thật sự ý thức mình cần đến lòng nhân từ thương xót của Chúa hay không? Hay chỉ là đóng kịch ngoài môi miệng? Yếu tố thứ hai trong thái độ của hai người mù đến gặp Chúa Giêsu, là lòng kiên trì của họ. Họ gặp Chúa Giêsu khi Ngài đi ngang qua. Và Chúa đã không đáp lại, không phản ứng gì trước lời kêu xin của hai người lúc đó. Chúa tiếp tục cuộc hành trình. Hai người mù phải kiên trì đi theo, và theo Chúa cho đến lúc Chúa dừng lại. Phúc Âm kể là cho đến lúc Chúa vào nhà rồi, hai người mù còn theo và đến với Chúa, chưa bỏ cuộc vì sự thinh lặng của Chúa. Niềm tin của họ vẫn còn đó, mặc cho thử thách có thể gia tăng thêm, nhất là khi Chúa còn im lặng chưa trả lời. Sự im lặng và thời gian trôi qua là yếu tố giúp thanh luyện và biến đổi. Vào khởi đầu cuộc gặp gỡ với Chúa, hai người mù còn nghĩ đến mình nhiều hơn: lời cầu xin của họ là: Xin Chúa thương xót chúng tôi. Họ còn bị ám ảnh với hoàn cảnh bất hạnh của mình. Nhưng khi Chúa đáp lại, mở đầu cuộc đối thoại, thì Chúa đã hướng dẫn họ vượt qua một thay đổi quan trọng. Họ không còn hướng về mình nữa, mà hướng về Chúa. Chúa hỏi: Các anh có tin Ta làm được việc ấy không? Có tin vào Ta hay không? Và hai người mù đã sẵn sàng, đã được biến đổi, và tuyên xưng đức tin vào Chúa. Ðức Tin chúng ta cần vượt qua được những thử thách, và cần được trưởng thành hướng về Chúa hoàn toàn. Hai người mù được sáng mắt thể xác, nhưng nhất là được sáng mắt tinh thần, để có thể dâng lời chúc tụng kỳ công Chúa đã thực hiện. Chúa không phải chỉ là Người làm phép lạ, nhưng là Ðấng cứu rỗi đáng tôn thờ.

Lạy Chúa, xin đừng để con mất Ðức Tin vì những gian nan thử thách Chúa cho phép xảy ra trong đời sống. Xin thương hướng dẫn con về với Chúa, và trưởng thành trong Ðức Tin. Amen.

Radio Veritas

 

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.