William Barlay, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng người Anh đề nghị sửa một dấu trong Kinh “Lạy Cha” như sau: Giữa những câu “chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến” và câu “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” thay vì dấu phết hay dấu chấm phết nên dùng dấu hai chấm, để nêu bật ý nghĩa: Nếu chúng ta vâng theo ý Chúa dưới đất ý Chúa được vâng phục trên trời thì chúng ta sẽ làm cho: danh Chúa cả sáng và Nước Chúa được thống trị mọi nơi.
Ðề nghị trên nhằm mục đích nhấn mạnh sứ mệnh xây dựng Nước Trời giữa lòng xã hội trần thế bằng cách hoàn toàn vâng theo ý Chúa của các tín hữu Kitô.
Bởi lẽ đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng và cũng là mẫu gương nổi bật nhất trong cuộc đời của Ngài.
“Ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời thì kẻ ấy là anh em Ta, là chị em Ta và là Mẹ Ta”.
Tuyên bố câu này, Chúa Giêsu không có ý khước từ mối dây liên lạc và tình mẫu tử giữa Ngài với Ðức Maria. Nhưng Ngài muốn nêu bật một thực tại: Ðức Maria đã trở nên Mẹ Ngài qua câu trả lời: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” và trong suốt cuộc đời, Ðức Maria đã trung tín giữ trọn lời thưa xin vâng này đến giây phút đứng dưới chân thập giá.
Một buổi tối cúp điện, ngọn nến được đem ra đặt ở giữa phòng. Người ta châm lửa và nó bắt đầu lập lòa cháy sáng. Nó hân hoan nhận ra rằng nó đã giúp cho mọi người có ánh sáng. Ai cũng phải trầm trầm trề” Ôi chao, ngọn nến sáng quá, đẹp quá, dễ thương quá.”
Nghe như thế, ngọn nến lại càng nhiệt thành dùng hết sức mình để ánh lừa nhỏ bé của nó đẩy lui được cả bóng tối chung quanh.
Thế nhưng, sáp nóng đã bắt đầu chảy ra, lăn dài dọc theo thân ngọn nến. Nó cảm thấy càng lúc càng bị lùn xuống, ngắn đi, ngắn thêm một chút, rồi lại một chút nữa…
Cho đến khi chỉ còn lại một nửa, ngọn nến giật mình tự nhủ: Chết mất, ta mà cứ cháy sáng mãi thế này thì chẳng mấy chốc ta sẽ tàn lụi mất thôi! Tại sao? Tại sao ta lại phải hy sinh một cách thiệt thòi, oan uổng và ngu dốt như vậy chứ?
Ngần ngừ trong một thoáng, ngọn nến đã quyết định nương theo một cơn gió thoảng để tự mình tắt phụt đi. Tất cả chỉ còn lại một sợi khói mỏng manh giống như một nụ cười mãn nguyện yên tâm…
Mọi người trong phòng chợt nhốn nháo bảo nhau: ‘Thôi chết! Tắt mất ngọn nến rồi, tối quá! Làm sao bây giờ?” Ngọn nến chưa kịp cảm thấy tự hãnh vì sự hiện diện quan trọng của mình thì đã có một người bình tĩnh lên tiếng đề nghị: “Nến dễ bị gió thổi tắt lắm, để tôi đi tìm một cái đèn dầu thì bảo đảm hơn!”
Chỉ cần mò mẫm trong bóng tối ít phút, người ta đã tìm và thắp sáng được một cây đèn dầu cũ kỹ. Còn mẩu nến cháy dở ban nãy thì người ta quẳng vào ngăn kéo tủ…
Ngọn nến buồn thiu, thế là từ nay khó mà còn có dịp để được cháy sáng nữa. Nến chợt hiểu ra tất cả:
Đời Tôi là để cháy sáng, cháy sáng đến tiêu tan đi cho mọi người, cho dù tôi chỉ có thể cháy sáng với một ánh lửa nhỏ nhoi, bởi vì tôi là một ngọn nến…