Đã là người ai cũng có tội. Thánh Gio-an tông đồ đã nói: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi mình, thì Thiên Chúa là Ðấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.” Vì thế, siêng năng và thành tâm nhìn nhận tội lỗi của mình để sửa đổi đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Hội Thánh Công giáo Việt Nam đã dọn một lời kinh đọc “Trước khi xét mình” để giúp chúng ta có tâm tình thích hợp hơn:
Lạy Chúa là áng sáng linh hồn con, xin soi sáng cho con được biết mọi tội con đã phạm trong ngày hôm nay, về tư tưởng, lời nói, việc làm điều gì lỗi nghĩa cùng Chúa. Con xin Chúa vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu ban ơn cho con được ăn năn ghét tội, cùng quyết tâm chừa thật. Amen
Lời kinh nhắc ta về điểm quan trong mà Giáo lý Hội thánh Công giáo đã dạy chúng ta, rằng: “Khi con người nhìn nhận tội lỗi của mình, thì nảy sinh ra một ước muốn trở nên tốt hơn, điều đó gọi là ăn năn thống hối. Chúng ta đạt được sự ăn năn tội, khi nhận thấy giữa tình yêu của Chúa và tội lỗi của ta có sự mâu thuẫn trái nghịch. Ta đau lòng vì tội ta đã phạm. Ta quyết tâm thay đổi đời sống và trông cậy Chúa giúp đỡ.” Bởi vì, khi ý thức thực sự về tội lỗi của mình, nghĩa là chúng ta càng gần gũi Chúa là ánh sáng, thì vùng tối của ta sẽ hiện rõ ràng. Chúa là ánh sáng chữa lành. Vì thế ăn năn hối hận đẩy ta bước vào ánh sáng giúp ta tái lập lại hoàn toàn tương quan giữa ta và Chúa.
Nếu việc xét mình là chỉ quan tâm tới tội, nghĩa là nghĩ đến những hành vi xấu, là “tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm” thì không thể khám phá giá trị và vẻ đẹp của Lòng Thương xót. Phạm tội là xấu, nhưng xấu hơn là làm tổn thương tình yêu. “Người cha của đứa con hoang đàng luôn trung thành với tình phụ tử của mình, trung thành với tình yêu mà ông vẫn hằng quảng đại với con mình.” Xét mình không phải để chìm ngập trong tội, nhưng là nhận ra tội để xin ơn tha thứ và quan trọng là để được chữa lành. Đồng thời là để hàn gắn tương quan.
Khi phạm tội, chúng ta làm tổn thương chính mình, chúng ta làm cho chính mình bị biến dạng đến nỗi mặc dù chúng ta được dựng nên giống Thiên Chúa nhưng chúng ta lại không giống Người được nữa. Chúng ta không giống như Người, không còn suy nghĩ như Người, và cũng không hành động như Người.
Trước đây “bản xét mình” thường là bản liệt kê các tội, nhưng nay nó cần thêm vào các việc xét đến tương quan với Thiên Chúa, những gì làm tổn thương tương quan ấy. Bởi vì, “Tội không đơn thuần chỉ là từ chối Thiên Chúa. Phạm tội còn là sống dường như không có Chúa, khai trừ Chúa ra khỏi đời sống hằng ngày của mình.” Vì thế, “Phải chỗi dậy ngay lập tức khi ngã xuống. Không bao giờ để cho tội lỗi ở trong trái tim giây phút nào.”
Như vậy, xét mình là để sám hối, là để hàn gắn tương quan. Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô đã nói: “Thiên Chúa đánh giá rất cao lòng sám hối. Chỉ cần có lòng sám hối một chút ở trần gian, miễn là thành thật, cũng làm Chúa quên hết mọi tội lỗi, đến nỗi dù là quỷ dữ Chúa cũng tha hết tội cho chúng nếu chúng có thể sám hối.” Hơn nữa, việc dốc lòng chừa không tái phạm cũng cần thiết. Thánh Bê-na-đô đã nói: “Dấu hiệu của lòng sám hối thành thật là tránh xa các dịp tội.” Không ăn năn hối hận một cách thành thật, chỉ nói ở đầu lưỡi thì không được khỏi tội. Vì thế, xét mình phải làm theo chiều sâu là phải sám hối, phải dốc lòng chừa, phải tránh xa dịp tội, dù biết rằng hành động này không bao giờ là hoàn toàn.
Ai ý thức được các bần cùng của mình và khiêm tốn hạ mình, thì cảm thấy cái nhìn thương xót của Thiên Chúa bao phủ trên cuộc đời họ. Bởi theo kinh nghiệm chúng ta biết rằng, chỉ ai thừa nhận các lỗi lầm và xin lỗi, mới nhận được sự cảm thông và tha thứ của người khác.
Lạy Chúa, vì công nghiệp của Chúa Giê-su xin tha thứ cho con. Con tín thác vào tình yêu vô biên của Chúa. Con tin cậy vào lòng nhân từ của Chúa, Con tin tưởng vào chương trình cứu độ của Chúa trên cuộc đời tội lỗi của con. Amen
Minh Thùy