Chúa Giêsu đã nói đến sự công chính của các môn đệ Ngài phải vượt hẳn sự công chính của giới luật sĩ và biệt phái, phân đoạn Phúc Âm này nói lên đặc điểm của đời sống người Kitô hữu cùng hành vi của người môn đệ Chúa Kitô khiến họ khác hẳn người thế gian.
Chúa Giêsu khởi sự bằng cách trích dẫn luật lệ cổ nhất thế gian: mắt đền mắt, răng đền răng, luật ấy gọi là Lex Talionis (luật báo trả). Nó xuất hiện trong bộ luật cổ nhất gọi là luật của Hammurabi, vị hoàng đế trị vì Babylon từ năm 2285-2242 TC. Luật Hammurabi phân biệt cách đối xử kỳ lạ giữa người quí phái và công nhân:
“Nếu một người gây cho người quí phái mất con mắt thì người ấy sẽ phải mất một mắt. Nếu người ấy làm thương tật người quí phái thì người ta sẽ làm thương tật người ấy. Nếu người ấy làm cho người nghèo mất một mắt hoặc phá hoại một tứ chi của người nghèo, người ấy phải trả 1 mina bạc… Nếu người nào làm cho người ngang hàng gãy răng, thì người ta cũng làm cho người ấy rụng lại một răng. Nếu người nào làm một người nghèo gãy một răng thì người ấy phải trả một phần ba mina bạc!”
Nguyên tắc thật rõ ràng và rất đơn giản: nếu ai làm cho người khác bị thiệt hại điều gì thì người ấy bị thiệt hại tương đương.
Luật đó trở thành một phần nhỏ của đạo đức Cựu Ước. Trong Cựu Ước luật ấy được đề cập không dưới 3 lần: “Còn nếu có sự thiệt hại chi, thì ngươi sẽ lấy mạng đền mạng, lấy mắt đền mắt, lấy răng đền răng, lấy tai đền tai, lấy chân đền chân, lấy phỏng đền phỏng, lấy bầm đền bầm, lấy thương đền thương” (Xh 21,23-25). “Khi một người nào làm thương tích cho kẻ lân cận mình, thì người ta phải làm thương tích cho người đó lại như chính người đó đã làm, gãy đền gãy, mắt đền mắt, răng đền răng. Người ta sẽ làm cho người ấy đồng một thương tích như người ấy đã làm cho người khác” (Lev 24,19-20). “Mắt ngươi chớ có thương xót, mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (TL 19,21). Những luật này thường được trích dẫn như là những luật không thương xót, man rợ, khát máu của Cựu Ước, nhưng trước khi chỉ trích Cựu Ước thì cần chú ý vài điều:
1. Luật báo trả không những không phải luật khát máu và man rợ, mà chính là khởi đầu của sự thương xót. Mục đích nguyên thủy là để hạn chế sự báo thù. Trong thời Thái Cổ, mối tử thù và cừu địch là đặc điểm của xã hội bộ lạc. Nếu người ở bộ lạc này làm hại người ở bộ lạc khác, tức thì toàn thể bộ lạc có người bị hại liền xông vào báo thù toàn thể bộ lạc có người gây hấn, và sự báo thù họ mong muốn là giết chết kẻ thù. Vì thế, luật báo trả này có ý hạn chế việc báo thù. Luật qui định chỉ người gây thương tích mới bị hình phạt và hình phạt không được thái quá, mà chỉ tương đương với sự thiệt hại mà người ấy đã gây ra mà thôi. Như vậy, đặt trong bối cảnh lịch sử của nó thì đây không phải là luật man rợ mà là luật của sự nhân từ.
2. Hơn nữa, luật này cũng không cho phép cá nhân thi hành, chính quan án phải ấn định hình phạt và khoản phạt do sự báo thù qui định (Đnl 19,18). Luật này cũng không cho cá nhân nào quyền tự trả thù dù chỉ là một cái tát. Luật bao giờ cũng là một hướng dẫn cho quan án trong việc khoản phạt cho bất cứ hành động bất công hay vũ phu nào. Bởi vì có thể khai gian, thiệt ít khai nhiều.
3. Lại nữa, luật này không bao giờ, ít nhất trong xã hội bán khai, được thực hiện theo nghĩa đen. Các nhà luật học Do thái đã tranh biện rất đúng đắn rằng sự thực hành theo nghĩa đen có thể là đối nghịch với công lý, vì hiển nhiên nó bao gồm sự thay thế một mắt tốt hoặc một răng tốt cho một mắt xấu và một răng xấu. Nên về sau sự thiệt hại được định theo giá tiền và luật Do thái (Baba Kamaa) đã ấn định cẩn thận cách đánh giá sự thiệt hại.
Nếu một người gây thương tổn cho người khác thì phải chịu trách nhiệm về năm điều kiện: về thương tích, về đau đớn, về chữa lành, mất thời giờ, mất phẩm giá.
Về sự tổn hại (thương tích) thì dùng người nô lệ bán tại thị trường làm tiêu chuẩn. Một người nô lệ trước khi bị thương tích đó giá bao nhiêu, sau khi bị thương tích đó giá bao nhiêu, người gây nên thương tích phải bồi thường theo giá sai biệt đó.
Về sự đau đớn, người ta ước định với bao nhiêu tiền thì một người chịu đau đớn về thương tích sẽ chấp nhận và người gây nên vết thương sẽ phải trả số tiền ấy.
Về sự chữa lành, người gây thương tích phải trả mọi phí tổn thuốc men cần thiết cho đến chừng lành hẳn.
Về sự mất thời giờ thì phải trả đúng với số tiền lương người ấy bị thiệt hại trong suốt thời gian không làm việc được. Nếu người bị thương có đồng lương cao trước đấy, về sau vì vết thương mà phải làm việc ít lương hơn thì cũng phải được bồi thường.
Về sự mất phẩm giá, người gây nên thương tích phải trả những phí tổn cho sự hạ nhục và mất thanh danh do vết thương đã gây nên. Loại bồi thường mà luật trả báo (lex talionis) thiết định rất là tiến bộ.
4. Điều quan trọng cần nhớ là luật Trả Báo không phải là toàn thể đạo đức của Cựu Ước. Trong thời Cựu Ước có những nét chấm phá của lòng thương xót:”Chớ toan báo thù, chớ giữ sự báo thù cùng con cháu dân mình” (Lv 19,18), “Nếu kẻ thù con có đói hãy cho ăn, có khát hãy cho nó uống” (Cn 25,21), “Chớ nên nói: tôi sẽ làm cho hắn như hắn đã làm cho tôi” (Cn 24,29). Như vậy trong Cựu Ước đã có nhiều lòng thương xót.
Vậy, đạo đức thời cổ xưa căn cứ trên luật ăn miếng trả miếng. Thật ra đây là luật lòng thương xót dành cho quan án chứ không phải dành cho cá nhân và không bao giờ luật này được thi hành theo nghĩa đen, nhưng luôn luôn mang âm hưởng của lòng thương xót. Dầu vậy Chúa Giêsu đã phá bỏ chính nguyên tắc của luật đó vì sự báo thù dù có được hạn chế và kiểm soát kỹ đến đâu cũng không có chỗ đứng trong đời sống người kitô hữu.
Vậy, đối với người kitô hữu, Chúa Giêsu hủy bỏ luật lệ cũ và báo thù để giới thiệu tinh thần mới không oán hận, không báo thù. Ngài tiếp tục lấy 3 thí dụ của tinh thần Kitô giáo trong thực tiễn. Hiểu những thí dụ này theo nghĩa đen thiển cận, hẹp hòi thì hoàn toàn sai lạc. Bởi vậy rất cần hiểu rõ điều Chúa Giêsu muốn nói:
1. Ngài phán:”nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa luôn má bên kia”. Ở đây ý nghĩa không phải chỉ như thế, không phải chỉ là cái vả trên mặt. Giả định một người thuận tay mặt đứng trước mặt người khác và muốn vả má bên phải của người ấy thì phải làm cách nào? Trừ phi người ấy xoay mình và vặn tay hết sức thì mới đánh được, bằng không chỉ có thể vả bằng tay trái. Theo luật các rabi Do thái: tát trái sỉ nhục gấp hai lần tát bằng lòng bàn tay. Búng tay hoặc tát trái mang ý nghĩa ngạo mạn, khinh bỉ và sỉ nhục gấp đôi. Vậy điều Chúa Giêsu muốn phán ở đây là: dù có ai muốn trút vào anh những lời nhục mạ thậm tệ hơn hết, anh cũng không được vì đó mà báo thù, cừu hận. Việc có người tát vào mặt chúng ta, dầu có cũng thật hiếm hoi, nhưng trong cuộc sống, chúng ta lại thường gặp những điều sỉ nhục lớn hoặc nhỏ. Ở đây Chúa Giêsu phán rằng: người kitô hữu chân chính đã học tập không vì bị hạ nhục và cừu hận, không vì một sự xấc láo mà trả thù. Chính người ta đã gọi Chúa Giêsu là kẻ ham ăn uống. Ngài cũng được gọi là bạn với những kẻ thâu thuế và phường đĩ điếm với hàm ý rằng Ngài cũng giống như những kẻ xấu đó. Những tín hữu đầu tiên bị gọi là quân ăn thịt người, là những kẻ đốt nhà, bị cáo là dâm loạn, thô lỗ, trơ trẽn vì sự thờ phượng của họ bao gồm cả bữa tiệc yêu thương.
Thường trong một cộng đoàn, có người cảm thấy hoặc cho rằng mình bị sỉ nhục vì không được mời làm công việc nọ công việc kia, hoặc giữ chức vị họ cho là đáng được. Kitô hữu chính là người quên hẳn việc bị hạ nhục, người đã học từ Chúa mình là chấp nhận mọi sự sỉ nhục mà không đem lòng hận thù hoặc tìm cách báo thù.
2. Chúa Giêsu tiếp tục dạy:”Nếu ai muốn kiện ngươi để lột áo trong, hãy cho họ luôn áo ngoài nữa”. Thêm một lần nữa, ở đây ý nghĩa phong phú hơn là hiểu theo nghĩa đen. Áo trong là áo dài giống như cái bao làm bằng vải bông hoặc vải gai mặc ở trong. Người nghèo nhất cũng có áo trong để thay đổi. Áo ngoài là thứ áo lớn, giống như cái mền mặc ở ngoài mà đàn ông thường mặc như áo dài ban ngày và ban đêm thì dùng làm mền. Loại này người Do thái chỉ có một cái. Thật ra luật Do thái cho phép cầm cái áo trong làm tin chớ không được cầm áo ngoài. “Nếu ngươi cầm áo ngoài của kẻ lân cận làm tin thì phải trả cho nó trước khi mặt trời lặn, vì là đồ che thân, mền để ngủ. Nếu người ấy kêu đến Ta, Ta sẽ nghe, vì Ta là Đấng hay thương xót” (Xh 22, 26-27). Không bao giờ được quyền tước đoạt áo ngoài của người khác. Do đó, điều Chúa Giêsu muốn phán ở đây là: người kitô hữu không bao giờ tranh biện về quyền hạn pháp lý, phải coi mình như không có quyền hạn pháp lý nào cả. Có những người luôn luôn bám vào quyền lợi của mình, luôn nắm lấy đặc quyền mình thụ hưởng không cho ai đụng đến, và sẵn sàng kiện chứ không để ai xâm phạm. Ngay trong Hội Thánh cũng luôn có những người như thế. Những người như thế chưa thực sự biết Kitô giáo là gì. Kitô hữu không nghĩ đến quyền lợi nhưng nghĩ đến bổn phận, không nghĩ đến đặc quyền nhưng nghĩ đến trách nhiệm của mình. Kitô hữu là người đã quên hẳn quyền lợi riêng, và người nào liều chết để tranh đấu cho quyền lợi của mình, dù ở trong hay ngoài Hội Thánh thì còn cách xa đường lối Kitô giáo nhiều lắm!
3.Tiếp theo, Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa:”Nếu ai bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi với nó hai dặm”. Đây là bức tranh chúng ta ít biết vì nó phát xuất từ một xứ bị chiếm đóng. Chữ “bắt” ở đây có một lịch sử, xuất phát từ người đưa thư. Người xưa có một hệ thống bưu điện hơi lạ. Mỗi con đường chia thành nhiều chặng, mỗi chặng dài một ngày đường. Tại mỗi trạm đều có lương thực cho người đưa thư, nước và cỏ khô cho ngựa, và ngựa mới để lên đường. Nhưng, nếu chẳng may còn thiếu món nào thì bất cứ một tư nhân nào cũng có thể bị chỉ thị phải cung cấp thức ăn, nơi ở, ngựa, cùng sự trợ cấp, thậm chí chính mình đem sứ điệp đi một dặm đường.
Cuối cùng chữ đó có nghĩa là một sự trưng dụng vào công tác phục vụ quyền lực chiếm đóng. Dân của một xứ bị chiếm đóng có thể bị bắt buộc cung cấp lương thực, chỗ ở, mang hành lý. Đôi khi quyền lực chiếm đóng trưng thu một cách tàn bạo và không thương xót. Mọi hình thức đe dọa, áp bức luôn luôn treo trên đầu người dân. Palestine là một xứ bị trị, bất cứ lúc nào người dân Do thái cũng có thể thầy mũi giáo La mã kề cổ và biết rằng mình phải phục vụ người La mã theo phận tôi đòi, như Simon người Syrênê khi vác thập giá của Chúa Giêsu .
Dường như Chúa Giêsu muốn bảo: Giả thử các ông chủ đến cùng ngươi và bắt buộc ngươi phải hướng dẫn hoặc khuôn vác đi một dặm, thì đừng đi một dặm với hậm hực, cay đắng, hãy đi hai dặm với nhã nhặn vui vẻ! Điều Chúa muốn dạy là: Đừng luôn nghĩ về sự tự do của ngươi muốn làm gì tùy ý, hãy luôn nghĩ về bổn phận và đặc ân được phục vụ kẻ khác. Khi một công việc đè nặng trên vai ngươi, dù là công việc vô lý, đáng ghét, đừng làm như một bổn phận cực chẳng đã, nhưng hãy làm cách vui vẻ. Bao giờ cũng có hai cách làm việc: làm ở mức độ tối thiểu không thêm gì, có thể làm để chứng tỏ mình thù ghét công việc, hoặc có thể làm với một nụ cười, một sự nhã nhặn thanh cao, với sự quyết tâm không phải chỉ xong nhưng còn làm tốt và đẹp. Người ta có thể làm không phải chỉ vì phải làm, mà còn làm hơn điều người ta mong đợi. Công nhân không làm đúng mức, người đầy tớ để tâm oán hận, người giúp việc cộc cằn… thì chưa khởi sự có ý niệm đúng về cuộc đời kitô hữu. Người kitô không quan tâm tới việc được làm theo ý mình, chỉ quan tâm tới sự phục vụ, dù đòi hỏi phục vụ đó có vô phép, vô lý và độc đoán.
Vậy những lời giáo huấn này phải đặt trong khung cảnh của bức tranh linh động ở Đông Phương. Chúa Giêsu thiết định qui luật quan trọng: kitô hữu không bao giờ cừu hận hoặc tìm cách báo thù sự sỉ nhục nào, dầu đó là một sỉ nhục có tính toán và độc ác đến đâu. Kitô hữu không bao giờ bám vào quyền hạn, cả quyền hạn pháp lý lẫn quyền hạn mình nghĩ mình đương nhiên được hưởng. Kitô hữu không bao giờ nghĩ đến quyền làm theo ý mình nhưng bao giờ cũng nghĩ đến bổn phận cứu giúp.
Vấn đề là: chúng ta đạt đến mức nào trong những tiêu chuẩn đó ?
LM. Alf. Nguyễn Công Minh (chép lại bài của linh mục Hàm)