Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 5,13-16) nói với chúng ta về nhiệm vụ của các đồ đệ Đức Giêsu giữa thế giới: làm muối cho đời và làm ánh sáng cho trần gian.
* “Muối cho đời” (c.13)
Đức Giêsu nói với các đồ đệ: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (c.13).
Hình ảnh “muối cho đời” (dịch sát: “muối cho đất”) có thể được hiểu theo hai nghĩa chính.
– Trước hết, muối có hai tác dụng: (a) làm cho sạch đồng thời ướp thức ăn khỏi hư thối, và (b) làm gia vị giúp cho thức ăn trở nên đậm đà. Khi khẳng định các môn đệ là muối cho đời, Đức Giêsu muốn nói đến những chức năng tương tự như thế của các Kitô hữu giữa thế giới. Họ có nhiệm vụ phải làm cho xã hội họ đang sống có đủ sức mạnh tâm linh và luân lý để chiến thắng những thế lực sự ác vốn đang hiện diện trong xã hội hoặc luôn tìm cách xâm nhập và làm cho xã hội băng hoại. Hơn nữa, họ còn có nhiệm vụ làm cho cuộc sống chung quanh họ nên đậm đà thay vì nhạt nhẽo và vô vị.
– Đàng khác, cũng xuất phát từ tác dụng gìn giữ cho khỏi hư thối, muối còn được người xưa sử dụng trong các kết ước như là biểu tượng cho sự vững chắc, bền bỉ và trường tồn. Đặc biệt, muối phải được bỏ vào mọi lễ phẩm như là dấu chỉ của sự trường tồn của giao ước. “Các ngươi phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm các ngươi dâng tiến; các ngươi không được để lễ phẩm các ngươi thiếumuối của giao ước của Thiên Chúa các ngươi; các ngươi phải dâng muối cùng với mọi lễ tiến của các ngươi” (Lv 2,13). “Đó là giao ước muối muôn đời tồn tại trước nhan ĐỨC CHÚA, cho ngươi và dòng dõi ngươi” (Ds 18,19; x. 2Sb 13,5). Hiểu theo nghĩa này, các môn đệ là muối cho đời có nghĩa là họ hiện hữu giữa trần gian như là dấu chỉ sự vững chắc và trường tồn của giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại. Khi trung thành với chương trình cứu độ của Đức Giêsu, người Kitô hữu làm cho giao ước và công trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện trong nhân loại. Nhưng họ sẽ phản bội giao ước đó nếu họ bất trung đối với Thiên Chúa và Đức Kitô.
Một trong những đặc tính quan trọng của muối: muối tan ra và thấm nhập khắp cả khối thức ăn được ướp. Nhờ thế, muối hiện diện khắp nơi trong khối thức ăn ấy, nhưng vẫn cứ là muối và vẫn thực hiện chức năng của mình là giữ cho thức ăn khỏi hư thối và giúp thức ăn thêm đậm đà. Cũng vậy, sự hiện diện của các Kitô hữu giữa cuộc đời cũng phải mang hai đặc tính quan trọng đó: rộng khắp và liên kết với tình cảnh nhân loại, nhưng đồng thời vẫn nguyên vẹn là Kitô hữu. Muối chỉ thực hiện được chức năng của mình khi nó chấp nhận đi vào một cuộc hủy mình đi và hòa tan vào trong khối thức ăn, thay vì được cất giữ kỹ lưỡng trong tủ như những hạt ngọc. Cũng vậy, các đồ đệ của Đức Giêsu sẽ không thể thực hiện được chức năng làm muối cho đời nếu họ tách mình khỏi xã hội, vô tư và vô tâm với những vấn đề mà cộng đồng nhân loại đang trăn trở và quan tâm. Công Đồng Vaticanô II quả quyết một cách mạnh mẽ và tường minh: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (MV 1).
Muối, như thế, là thực tại rất có giá trị. Nhưng nếu muối nhạt đi và mất phẩm chất, thì tình hình sẽ thật bi đát. Đức Giêsu nói: “Muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (c.13). Nếu vẫn hiện diện giữa trần gian, nhưng các Kitô hữu lại không còn khả năng làm cho xã hội họ đang sống có đủ sức mạnh tâm linh và luân lý để chiến thắng những thế lực sự ác vốn đang làm băng hoại xã hội, và không còn đủ tư cách làm chứng cho sự trường tồn và vững chắc của giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại nữa, thì họ đã trở thành thứ muối bị nhạt đi, bị biến chất. Họ đã thành vô dụng và sẽ bị quăng ra ngoài cho người ta chà đạp.
Bài Tin Mừng không nói đến phần thưởng dành cho những hạt muối tốt, nhưng cảnh báo kết cục bi đát cho những hạt muối biến chất, bề ngoài vẫn là muối, nhưng đã bị nhạt đi, bị biến chất bên trong rồi.
* “Ánh sáng cho trần gian” (cc.14-16)
Hình ảnh thứ hai được sử dụng trong bài Tin Mừng hôm nay để nói về nhiệm vụ của các Kitô hữu giữa thế giới, là hình ảnh ánh sáng. Đức Giêsu nói: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (cc.14-16).
Có thể hiểu lời quả quyết của Đức Giêsu “chính anh em là ánh sáng cho trần gian” theo hai nghĩa bổ túc cho nhau:
– Ánh sáng là hình ảnh Kinh Thánh thường sử dụng trong tư thế đối nghịch với bóng tối. Bóng tối là biểu tượng cho thế lực sự ác và cõi của sự ác (x. Mt 18,35; Lc 22,53). Ánh sáng là thực tại làm cho mọi sự vật được xuất hiện ra trong bộ mặt thật của nó và trong giá trị thật của nó. Ánh sáng còn có giá trị soi đường, giúp cho người ta nhận thức được sự thật của những thực tại xung quanh mình mà hành động và bước đi. Đó cũng chính là đặc tính, giá trị và nhiệm vụ mà các đồ đệ của Đức Giêsu phải đảm nhận giữa thế giới.
– Trong Kinh Thánh, “ánh sáng” còn được hiểu là vinh quang và sự uy nghi của chính Thiên Chúa được chiếu giãi và hiển lộ trên Giêrusalem. Ý tưởng về “thành xây trên núi” càng củng cố cách hiểu về Giêrusalem thiên sai, là điểm thu hút tất cả các dân. Ngôn sứ Isaia nói với Giêrusalem: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (60,1-3). Is 60,3 thường được giải thích theo hướng áp dụng cho Israel, thậm chí cho Lề Luật và đền thờ (x. Is 2,2) và cho thành Giêrusalem (x. Is 60,19), là những thực tại phản ảnh sự hiện diện của chính Thiên Chúa nơi mình. Sự hiện diện huy hoàng và có thể nhận thấy được đó, bây giờ, được Đức Giêsu xác định rằng sẽ có nơi các đồ đệ của Người trước hết: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (c.14). Các Kitô hữu chính là Israel đích thực, phản ánh vẻ huy hoàng và vinh quang của Thiên Chúa cho trần gian; họ làm nên Giêrusalem mới, nơi Thiên Chúa hiện diện và cư ngụ.
Các đồ đệ của Đức Giêsu là ánh sáng cho trần gian theo cả hai nghĩa đó. Theo nghĩa thứ nhất, là ánh sáng cho trần gian, các Kitô hữu đi vào những nơi sâu thẳm nhất, kín ẩn nhất và tăm tối nhất của trái tim và thân phận con người, và đưa vào đó ánh sáng, cho thấy những lỗ hổng, chỉ ra những khiếm khuyết và lật tẩy những dị dạng trong đó. Theo nghĩa thứ hai, vinh quang của Thiên Chúa bây giờ không còn hiển lộ nơi đền thờ Giêrusalem hay nơi Luật Môsê nữa, mà là nơi hành động và cuộc sống của những người đi theo Chúa Kitô. Chính những hành động của họ vì con người như được miêu tả trong Mt 5,7.8.9 làm nên “ánh sáng của anh em”, trong đó, vinh quang của Thiên Chúa hiện diện. Nói cách khác, chính trong những hành động thánh thiện, chân thực, bác ái, có giá trị tác tạo hòa bình và có khả năng kiến tạo một nhân loại mới theo Chúa Kitô, mà các Kitô hữu phản ánh vẻ huy hoàng của vinh quang Thiên Chúa và trở thành “ánh sáng cho trần gian”. Khi gọi Thiên Chúa là Cha của các môn đệ (“Cha của anh em”), tác giả Mt có ý ám chỉ rằng chính khi các Kitô hữu sống đúng tư cách là con cái Thiên Chúa bằng những hành động tốt đẹp trong thực tế cuộc sống, họ sẽ chiếu giãi trước mặt thiên hạ vinh quang của Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng ta.
Một trong những đặc tính quan trọng của ánh sáng: nó luôn luôn là một thực tại mà người ta có thể nhận thức được. Tương tự như thế, cộng đoàn Kitô hữu không được phép ẩn mình đi, cũng không được phép sống khép kín nơi chính mình. Là ánh sáng cho trần gian, cộng đoàn Kitô hữu được ví như thành xây trên núi và đèn thắp sáng đặt trên đế.
Thành xây trên núi là hình ảnh nhấn mạnh tính cách “có thể nhìn thấy được”. Các Kitô hữu không che giấu tư cách là đồ đệ của Chúa Kitô và là con cái của Cha trên trời. Họ chứng tỏ tư cách đó của mình bằng các hành động dấn thân phục vụ hữu hiệu trong lòng nhân ái, sự thánh thiện, tình yêu mến… thật sự. Điều này không hề mâu thuẫn với những gì được nói ở Mt 6,1-18, nếu họ không tìm danh lợi hay khoe khoang công đức, một chỉ chứng tỏ tư cách Kitô hữu của chính mình một cách trong sáng và khiêm tốn.
Đèn thắp sáng được đặt trên đế là hình ảnh nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của các đồ đệ Chúa Kitô là không sống cho chính mình, nhưng sống cho người khác, sống cho trần gian. Ánh sáng của ngọn đèn được thắp lên là để ngọn đèn soi chiếu cho những thứ khác chứ không phải cho chính nó. Nó phải được đặt trên đế là để soi sáng mọi sự trong nhà, chứ không phải để hiện hữu vì chính mình. Cũng thế, đời sống và tư cách là Kitô hữu phải là những thực tại khiến chúng ta dấn thân cho anh chị em mình và cho toàn thể trần gian. Là Kitô hữu, chúng ta có sứ mạng hiến mình vì ơn cứu độ toàn diện của toàn thể nhân loại, “để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh sứ mạng thừa sai của các đồ đệ Chúa Kitô giữa thế giới. Họ là muối cho đời và là ánh sáng cho trần gian. Là muối, họ hủy mình đi và thấm vào mọi ngóc ngách của cuộc đời, để làm cho xã hội họ đang sống có đủ sức mạnh tâm linh và luân lý mà chiến thắng những thế lực sự ác, đồng thời để làm dấu chỉ cho sự vững chắc và trường tồn của giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại. Là ánh sáng, họ chiếu soi vào trần gian ánh sáng của Thiên Chúa, đồng thời họ trở thành dấu hiệu của sự hiện diện và của vinh quang của chính Thiên Chúa giữa thế gian này.
Đó là vinh dự và cũng là nhiệm vụ của tất cả chúng ta. Mọi Kitô hữu đều là thừa sai. Và tất cả Hội Thánh Chúa Kitô đều mang bản chất thừa sai.
Lm. Nguyễn Thể Hiện, DCCT
1. Muối cho đời và Ánh sáng cho trần gian