Chúa Giêsu cùng các môn đệ đang ngụ tại Giêrusalem chuẩn bị hoàn tất sứ vụ của Người ở trần gian. Chính tại đây, Chúa Giêsu đã “đụng” với các thế lực quyền uy nhất thành đô, đó là giới Pharisêu, Kinh sư, phe Hêrôđê và nhóm Sađốc. Tin mừng hôm nay chính là một trong ba cuộc tranh luận tay đôi giữa Chúa Giêsu với nhóm người trên. Cuộc tranh luận hôm nay liên quan đến vấn đề điều răn nào là điều răn đứng đầu trong toàn bộ lề luật.
Câu hỏi của người Kinh sư liên quan đến điều răn nào trọng nhất không khỏi làm chúng ta có cảm giác rằng chính ông tuy là người sau bao nhiêu năm miệt mài nghiên cứu và đã trở nên một nhà chuyên môn về Kinh thánh; là người kế thừa truyền thống các Ngôn sứ, có đầy đủ quyền để giải thích và áp dụng lề luật tuỳ theo từng hoàn cảnh; là một trong những nhân vật quan trọng trong Thượng hội đồng Dothái, thế nhưng khi đứng trước lời giáo huấn – hay đúng hơn trước những cuộc tranh luận đầy Thượng trí và khôn ngoan của Chúa với những người cùng giới – trong tận sâu thẳm nơi con người ông có một sự lung lay trước vấn đề mà có lẽ sau bao năm tìm kiếm ông vẫn chưa thể nào hiểu thấu : “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?”. Chúng ta biết là, ngoại trừ Lề luật đã được ghi trong Sách thánh, chính giới Kinh sư này còn bày vẽ hàng loạt những điều luật khác với con số ớn lạnh: 613 điều trong đó gồm 248 điều khuyên làm và 365 điều cấm. Chính vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ông Kinh sư kia túng túng không biết đâu là thực đâu là giả trong khu rừng lề luật dù ông là bậc Rápbi của Dothái!
Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của ông, đáp lại, Người đọc đoạn kinh có tên là “Shema” là kinh mà mỗi người Dothái đều đọc mỗi ngày để tuyên xưng niềm tin. Kinh này được trích trong sách Đệ nhị luật (x. Đnl 6, 4-5). Và điều răn thứ hai được Chúa Giêsu đọc trong sách Lêvi khi nói về bổn phận phải yêu thương người thân cận như chính mình (x. Lv 19, 18). Người đưa đến kết luận : chẳng có điều răn nào khác lớn hơn hai điều răn ấy.
Người Kinh sư đã bị thuyết phục trước giáo huấn của Chúa Giêsu. Con mắt tâm hồn ông giờ đây đã được khai mở sau bao nhiêu năm mờ khuất : “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”.
Thưa ông Kinh sư, ông đã đúng! Tình yêu Thiên Chúa và mối tình đối với tha nhân phải được xem là “quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. Chúng ta thấy tư tưởng này trước đây Ngôn sứ Hôsê đã quảng diễn khi nói về tình yêu của Giavê : “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Hs 6,6). Tư tưởng của ông Kinh sư giờ đây đã rất gần với tư tưởng của Chúa Giêsu khi tìm ra chân lý tối việt cho hành trình theo Chúa của mình.
Như thế là, Lời Chúa nhắc nhớ mỗi người chúng ta điều quan trọng này, đó là tình yêu của chúng ta đối với tha nhân phải đạt tới mức cao nhất. Nghĩa là mức độ đó phải làm sao cân bằng với mức độ mà chúng ta yêu chính bản thân mình. Thánh Bênađô viết: “Giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn”. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta biết, theo sự thường, ai trong chúng ta cũng đều quý mình hơn tha nhân, xem mình hơn người. Thế nên, để được như điều Chúa muốn thật khó nhưng không phải là không thể bằng cách siêng năng chạy đến với Chúa mỗi ngày qua kinh nguyện, qua bí tích; đến với tha nhân trong sự chia sẻ, thăm viếng khi họ gặp khốn khó. Hy vọng với ơn Chúa biến đổi sẽ giúp cho mỗi người chúng ta ngày càng mến Chúa và yêu người hơn.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb