Nối Trời với Đất: Ngày 27.12

 Buổi sáng(15 phút).
1) Mở đầu với Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
2) Thinh lặng cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.
3) Đọc chậm rãi bài suy niệm gợi ý.

Bài hát Giáng Sinh đầu tiên

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14).

“Bài hát Giáng Sinh đầu tiên trong lịch sử không phải do con người sáng tác, mà do các Thiên Thần, như Luca đã nêu lên trong Phúc Âm. Nhịp điệu ấm áp của Giáng Sinh trong mọi thời đại được lấy hứng từ bài hát này:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.

Bài hát này đưa ra một thước đo và giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa đích thực của Giáng Sinh. Bài hát nêu một từ ngữ, mà con người trong thời đại chúng ta chú ý tới nhiều nhất. Đó là Bình An, trong thánh kinh là Shalom. Chúng ta dịch là Bình An, nhưng thực sự từ này có ý nghĩa nhiều hơn là sự yên lành không có chiến tranh. Từ ngữ này còn diễn tả tình trạng tốt của mọi sự trong cuộc sống con người, như là sự chữa lành; là một thế giới, mà trong đó niềm tin và tình thân yêu giữa anh chị em đang hiện diện, một thế giới không có thiếu thốn, không có mưu mô thủ đoạn và dối trá.

An Bình trên trái đất. Đó là đích đến của Giáng Sinh. Nhưng điều đầu tiên Giáng Sinh cần có là sự Vinh Danh Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa không được Vinh Danh, thì không có Bình An.

Đây chính là bài học về sự Bình An từ Bét-le-hem: Bình An của con người đến từ sự Vinh Danh Thiên Chúa. Trước khi con người và sự cứu rỗi con người được nhắc đến, thì đầu tiên cần phải nhắc đến là sự Vinh Danh Thiên Chúa. Sự Vinh Danh Thiên Chúa không phải là một điều dành cho bất cứ cá nhân nào, mà đó là một thực tại công khai. Vinh Danh Thiên Chúa là một món quà quý cho tất cả.

Ở nơi đâu Thiên Chúa không được Vinh Danh, thì con người không thể sống trong vinh quang được. Giáng Sinh luôn kết nối với Bình An của con người, vì Vinh Quang của Thiên Chúa được rạng sáng ở giữa muôn người trong bầu khí Giáng Sinh“ (Joseph Ratzinger, Der Segen der Weihnacht).

Bạn thân mến,

Như vậy, lễ Giáng Sinh chúng ta mừng có một ý nghĩa thật sâu xa.
Chúng ta đã dành cả một mùa Vọng để chuẩn bị lễ Giáng Sinh, có nghĩa là chúng ta đã lấy thời gian để chuẩn bị Vinh Danh Thiên Chúa. Vâng, làm sao Thiên Chúa không được tôn vinh, khi Ngài giáng thế? Ai lại không Vinh Danh Thiên Chúa, khi giây phút thiêng liêng đã khởi đầu, giây phút mà Thiên Chúa đã giải nghĩa chữ Yêu?

Vì thế, chúng ta không chỉ mừng lễ Giáng Sinh trong thinh lặng, mà lễ Giáng Sinh cần được mừng rộn rã lên, tình yêu Thiên Chúa cần được ca ngợi lên. Chính Thiên Chúa cần được Vinh Danh qua những lời hát mừng vui, những lời hát đến từ những tâm hồn chứa chan vui mừng. Có như vậy, thì tâm hồn của muôn người và thế giới của nhân loại này sẽ được sống trong bình an. Thật vậy, ai càng tôn vinh Thiên Chúa là Chúa của tình yêu, là Chủ của muôn người, thì tâm hồn người đó sẽ càng bình an.
Vì thế, hợp với ca đoàn các Thiên Thần trên trời cao và với muôn tâm hồn ở dưới đất thấp, hôm nay chúng ta cùng cất lên lời ca ngợi Vinh Danh Thiên Chúa:

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

4) Thinh lặng suy niệm và rút ra một lời một ý tưởng để sống trong ngày. Tâm sự với Chúa để kết thúc phần suy niệm buổi sáng.

 Buổi tối(15 phút trước khi nghỉ đêm).
5) Cuối ngày trước khi đi ngủ dành 15 phút để nhìn lại: Bài cầu nguyện hôm nay đã đi với tôi và đã giúp tôi như thế nào? Tôi có khó khăn gì trong cầu nguyện? Có thể tôi chưa thấy bài cầu nguyện giúp tôi trong ngày sống. Nếu vậy thì tại sao? Tôi có chú tâm và ý thức đủ để “dành một chỗ” cho bài cầu nguyện ở trong lòng tôi và trong ngày sống của tôi chưa?
6) Viết lại một vài hàng (tối đa nửa trang A4) về hoa quả mà tôi nhận được trong ngày sống cầu nguyện hôm nay.
7) Cám Ơn Chúa về những hồng ân trong ngày, và xin Chúa thứ lỗi về những yếu đuối. Xin Chúa ban thêm sức mạnh và bình an để nghỉ đêm và bắt đầu ngày sống mới.

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.