Đức Kitô Vua Vũ Trụ

CHRIST-ROI-DE-L-UNIVERS

Ngược dòng lịch sử thế giới để tìm hiểu một chút về lịch sử hình thành, thời kỳ phát triển, tồn tại cũng như lưu vong của các triều đại vua chúa vương quyền, sẽ thấy, bên cạnh những vị vua hay nhà cầm quyền khét tiếng hách dịch, đàn áp, bị người đời phỉ báng, châm biếm, cũng có những vị vua được thiên hạ đặt cho những mệnh danh khác nhau vua mặt trời hay vua một cõi…Ngoài ra, cũng có không ít những vị vua để lại cho đời những tiếng thơm, những kho tàng hay công trạng mang tầm cỡ quốc gia cũng như vượt ra ngoài biên giới. Và hơn nữa có những vị vua gây được sự thuyết phục, thiện cảm cũng như lòng cảm mến của nhiều người được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có cơ hội được biết thêm một chút về cuộc đời của thánh Louis IX, vị vua người Pháp duy nhất đầu tiên được Giáo hội phong lên hàng hiển thánh, mến mộ Ngài bởi sự can trường, bằng tinh thần vững dạ bảo vệ sự công chính và lòng yêu thương.

Vượt lên trên tất cả các vua ấy, có một vị vua mà Giáo hội gọi là «Vua vũ trụ», có lẽ ban đầu tước hiệu này có thể khiến nhiều người không khỏi thắc mắc, băn khoăn và hình như nghe có vẻ không quen tai lắm. Thực ra, không phải ngẫu nhiên mà Giáo hội mừng lễ trọng thể « Đức Giêsu Kitô vua vũ trụ », ắt hẳn là có nguyên do chính đáng; bởi đây không phải là lễ được mừng từ thuở khai sinh đạo Thiên Chúa giáo. Ban đầu chủ yếu mang tính chất chính trị khi mà Âu châu, đặc biệt là nước Pháp đang ở tình thế căng thẳng, gay go, vào năm 1925, chính Đức Giáo hoàng thời bấy giờ Piô XI, đã tuyên bố « chính Đức Kitô là vua ». Trong lịch sử, đã có nhiều xê dịch về ngày tháng cử hành thánh lễ này và cho đến sau công đồng Vatican II, năm 1969, được cố định và mừng chính thức vào Chúa Nhật cuối cùng năm phụng vụ. Và đây cũng không phải là điều ngẫu nhiên hay ngẫu hứng. Dễ dàng hiểu rằng, tất cả những biến cố lớn nhỏ xoay quanh cuộc đời Chúa Giêsu đều quy tụ trong thánh lễ trọng thể này và quy hướng về một mối duy nhất, một tước hiệu độc nhất vô nhị « Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ ». Nếu để ý một chút có thể thấy rằng lễ này được mừng không bao lâu sau lễ Các Thánh và nếu nhạy cảm một tí sẽ nhận ra điều kiện cơ bản nhất, trước hết phải là Thánh.

Hội Thánh mời gọi mỗi người chiêm ngưỡng Đức Giêsu Kitô Vua với vương quyền của Ngài. Và câu hỏi đặt ra là tại sao Chúa Giêsu lại được suy tôn một cách đáng kính như vậy? Liệu chúng ta có tìm ra được lời giải đáp thỏa đáng không?
Trước hơn hết, Thánh vịnh 47, 48 và 96 nhắc tới: Thiên Chúa là vua, chỉ mình Thiên Chúa là vua của Israel và vũ trụ. Các bài thánh vịnh này cho ta thấy Đức Giêsu Con Một của Thiên Chúa là Đấng tiếp nối kế vị vương quyền của Chúa Cha. Kế đến, trong Tân ước ít nhất có ba đoạn Tin mừng nhắc tới và minh chứng cho điều này Mt 25, 31-46; MC 15, 1-15 và Lc 23, 35-43. Vậy thì Đức Giêsu Kitô Vua có gì nổi bật vượt trội? Khó để kể hết được những dẫn chứng nhưng có một điều đáng chú ý là theo lời của Tin Mừng thì không phải chính Đức Giêsu tự lên ngôi. Ít nhất, điều này mang ý nghĩa chuyên biệt và sâu xa.

Tin chắc rằng, Ngài là vị vua có một không hai, mang bản tính Thiên Chúa, Đấng được gửi xuống để cứu chuộc nhân loại chúng ta. Nơi vị vua này hội tụ toàn bộ những ưu điểm vượt bậc, những đức tính tốt lành, thánh thiện, có một cuộc đời đơn sơ, khiêm hạ tột cùng nơi trần thế. Ngoài ra, Đức Giêsu Kitô không phải là vua một cõi, vua bá chủ thiên hạ, vị lãnh tụ độc tài lãnh đạo, người mà toàn dân mong đợi sẽ đưa họ tới chiến thắng trong các cuộc giao tranh hay là nhà cai trị muôn dân dựa vào quyền lực mà Ngài là Đức Vua, vị vua giàu lòng nhân hậu, hết mực yêu thương, tình thương ấy không ngừng tuôn chảy và xuyên suốt đến cuối cuộc đời.

PIEDS
Chỉ mình Đức Giêsu Kitô nêu ra và chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là vương quyền theo kiểu của Thiên Chúa, xuyên suốt hành trình cuộc đời của Chúa Giêsu từ khi lọt lòng mẹ cho đến phút cuối cùng là dẫn chứng thích đáng.

Chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu đã gánh lấy đau khổ và chấp nhận đi vào cái chết khổ đau trên thập giá. Vì lẽ nào Chúa lại can đảm, dám hy sinh như vậy? Chúa có thể khước từ lắm chứ? Nhưng hoàn toàn không, bằng sự vâng phục tuyệt đối, Chúa đã sẵn sàng tuân theo ý Cha mình. Chúa Giêsu đã hoàn toàn bỏ mình cách dứt khoát như vậy là vì ai? Giữa thế giới trần tục không dễ gì tìm ra vị vua nào như vậy. Đây là sự vâng phục trọn hảo để đáp đền trọn vẹn ý Chúa Cha và cứu vớt nhân loại tội lỗi. Điều này là bằng chứng xác thực cho tình yêu vẹn toàn của Ngài dành cho con cái trần gian.

Chính vì vậy, Đức Giêsu Kitô được mệnh danh là Vua Tình Yêu. Chính vì tình yêu Ngài đã đặt mình ra làm gương mẫu và vạch đường đi cho chúng ta và cuối cùng, vương quyền ngai vàng mà Chúa muốn mặc khải, nơi ấy chỉ có tình yêu và sự tha thứ tột bậc.
Vì những lẽ trên, Ngài xứng đáng được gọi là vua vũ trụ, vua trên tất cả các vua. Cuộc sống ngày nay khi mà mỗi người đều không dễ dàng tuân theo hay bị phục tùng bởi người khác, ai ai cũng muốn làm người lãnh đạo, mỗi người đều mang trong mình những cái tôi quá lớn, là bức tường ngăn cách con người đi đến một cuộc sống đơn sơ, thánh thiện. Sống trong một xã hội mà người ta bị đè nặng, ngập lặn bởi chức quyền, lương bổng, đầy dẫy những khuyết điểm ganh đua, tranh chấp, tham vọng, ích kỷ, tự do và hưởng thụ thái quá… Tình trạng này đang diễn biến cao trào tới mức đáng báo động, không chỉ ngoài đời mà thậm chí len lỏi cả trong Giáo hội hay ngay cả các dòng tu, hội đoàn, hai chữ “quyền lực, vua” vẫn công khai hay âm thầm tồn tại trong đó.

Mừng lễ « Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ », đây là dịp để cầu nguyện đặc biệt cho thế giới và Giáo hội, xin Thần Khí Chúa soi sáng cho các nhà lãnh đạo các cấp, các vị chủ chăn, những người có trách nhiệm coi sóc, hướng dẫn. Và mỗi người chúng ta cần phó dâng trót cả cuộc đời nơi bàn tay yêu thương, quan phòng của Chúa với niềm xác tín mãnh liệt. Ước mong mỗi người nỗ lực sống hết mình theo gương Đức Giêsu, tuân phục Vua vũ trụ để Ngài chỉ bảo, hướng dẫn trong cuộc sống và rồi đạt tới sự thánh thiện và vinh quang đích thực trên Nước Trời.

Phương Thúy, tập sinh Oblates de l’Assomption

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.