Trẻ Em – Chuẩn Mực Cho Người
Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người chạm tay vào chúng. Nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng.
Thầy bảo thật anh em: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng. (Mc 10, 13-16)
Trên chặng đường của cuộc sống, Đức Kitô đã gặp rất nhiều hạng người. Trong đó có cả các em bé. Ngài đặc biệt quan tâm đến các em. Ngài làm điều đó trái ngược lại với quan niệm của xã hội Do Thái thời xưa. Vâng, thời đó các em bé bị coi là hạng thấp hèn nhất và hay bị coi thường. Còn Giêsu thì khác. Ngài đã dọn cho các em một chỗ nhất, đã đặt lại chuẩn mực đánh giá sự phục vụ của con người: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mc 9, 37a). Ngài đã nói với các môn đệ của mình như vậy, để giáo huấn các ông về tinh thần phục vụ. Các môn đệ có lẽ đã say xẩm mặt mày, khi thấy hành động và lời nói của Đức Kitô. Vì trước đó các ông đã tranh luận với nhau ai sẽ là người lớn nhất trên con đường theo bước Giêsu. Có lẽ các ông cũng đã nghĩ rằng, những người lớn nhất thì không thể là những kẻ chơi với con nít và phục vụ những đứa trẻ.
Suy nghĩ của môn đệ không là suy nghĩ của Thầy rồi!
Cho nên, ngày xưa các môn đệ không được phép xẵng giọng và đuổi các em đi, khi chúng chạy đến với Giêsu, thì ngày hôm nay chúng ta cũng phải để cho các em bé bất hạnh kêu gào tới Giêsu, vì các em đang phải khổ đau và bị bóc lột. Ngày xưa Đức Giêsu đã bực mình khi thấy các môn đệ đuổi các em bé đi, chỉ vì các ông sợ chúng sẽ quấy rầy Giêsu, sẽ làm cho Ngài bị vướng chân vướng cẳng. Ngày hôm nay Giêsu cũng sẽ bực bội, khi chúng ta không để cho tiếng khóc than của các em bé bất hạnh vang đến tai Ngài, khi chúng ta “vểnh mặt” bước đi và hướng nhìn chỗ khác, mà không quan tâm chút nào đến thân phận khổ đau của lũ trẻ vô tội nhưng “vô số” kia.
Vì vậy, với Giêsu thật là quan trọng khi chúng ta, những người trưởng thành ý thức: “tiếp đón những em nhỏ”, vì như vậy là chúng ta tiếp đón chính Chúa. Nhưng tiếp đón trẻ nhỏ, không phải là bố thí cho chúng một vài đồng cắc hay cái kẹo là xong, mà chúng ta – những người trưởng thành, phải có trách nhiệm đối với các em, phải ý thức tạo điều kiện đầy đủ cho các em bé vui sống và phát triển. Vâng, phải ý thức đưa tay chúc lành cho các em.
Trong một cái nhìn khác, có thể nói rằng, nhìn đời sống và quá trình phát triển của các em bé, thì có thể nhận ra xem cách thức cư xử và hành động của những người trưởng thành có đúng hay không. Vì vậy, một xã hội và một gia đình sẽ được coi là phát triển đúng đắn và hài hòa hay không, còn tùy thuộc là xã hội hay gia đình đó có chăm sóc con cái đàng hoàng hay không.
Trong những bài cầu nguyện trước, chúng ta đã suy niệm với nhau về hình ảnh của những người mẹ và cha đã lo lắng cho con cái của mình như thế nào, khi con của mình thập tử nhất sinh, khi con của mình đang bị thần dữ hằn hạ và làm chủ. Trái tim của Cha Mẹ không thể “chai cứng và dậm chân tại chỗ”, khi những đứa con của mình đang quằn quai trong khổ đau. Vì thế, thật là xúc động, khi nhìn thấy bao bàn tay của các bà mẹ và người cha ngày ngày đã vất vả ở hãng xưởng, chiều chiều tối tồi về vẫn quan tâm và nấu cho con cái nồi cơm, nồi canh, ngồi với con cái và đọc với chúng mẩu chuyện ngắn dễ thương, cùng tập tành với con những bài học vỡ lòng ở trường, những bài làm cô giáo vừa cho trong ngày… Tất cả những thái độ đó nói lên một tâm tình thật quý báu của Cha và Mẹ, của những người trưởng thành giành cho trẻ em. Như vậy, là các em đang được đặt tay chúc lành và đang được ở lại trong vòng tay yêu thương của Cha Mẹ.
Ngoài ra, một điều mà Giêsu cũng nêu lên . Đó là: “Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như trẻ em” và “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Làm sao có thể hiểu được tâm tình Giêsu muốn nói?
Điều Giêsu muốn nói ở đây là, để vào được nước Thiên Chúa, thì không phải cứ ỷ mạnh và cố sức thì được. Hay “cái vé” vào nước Thiên Chúa, không thể mua bằng đồng tiền của người giàu có được.Vì thế, câu nói đầu môi của một số người giàu sang: “Có tiền mua tiên cũng được” không có ý nghĩa gì đối với Giêsu và với Nước Thiên Chúa cả.
Vâng, như trẻ em mỗi người cần phải đơn sơ chạy vào lòng của Thiên Chúa, để Ngài ôm ấp, để Ngài chở che và chúc lành. Không ngại ngần, không mắc cở, cứ đến với Chúa thôi, để rồi được sống trong đôi bàn tay ấm cúng của Thiên Chúa từ nhân, như lời Thánh Vịnh gia đã nói: “Con ẩn náu bên Ngài, Lạy Chúa”. Ngoài ra, có một điều nguy hiểm là những người trưởng thành thường hay tự ái và tự chủ quá mức, đến nỗi tất cả những gì họ muốn có trên tay, là đều phải do chính công sức và bàn tay của họ làm ra. Điều đó không hoàn toàn sai trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đối với Nước Thiên Chúa, thì tất cả mọi người đều phải trở nên như trẻ em, để được Thiên Chúa ban tặng hạnh phúc ở trong Nước Thiên Chúa. Vì Nước Thiên Chúa không phải là một món hàng để mua và cũng không phải là cái mà con người có thể đạt được với công sức của mình. Nước Thiên Chúa chính là quà tặng nhưng không. Quà tặng này có đến tay người nhận hay không còn tùy thuộc họ có sẵn sàng đón nhận như những em bé hay không. Vì thế, điều còn lại mỗi người cần làm là hãy trở nên như trẻ em như Đức Kitô đã nói: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18, 3) Và hãy như trẻ em biết chuẩn bị một tâm hồn sẵn sàng và cởi mở để dễ dàng đón nhận món quà Nước Thiên Chúa.
Nói thì dễ, nhưng thực sự rất khó. Vì thế giới của những người trưởng thành luôn thay đổi một cách chóng mặt, và ai muốn sống còn thì phải đi tìm một chỗ đứng hẳn hoi, được mọi người coi trọng, lương cũng phải kha khá và mỗi ngày đều phải cố gắng để chứng tỏ cho mọi người thấy bản thân của mình là có giá. Mà như vậy, thì luôn phải cạnh tranh, luôn phải tìm cách này cách khác để hơn người. Nếu sống như thế thì đâu có đúng theo cách sống của trẻ nhỏ, vì vậy chẳng có mấy ai muốn mang trong mình tinh thần của con trẻ.
Nếu chỉ sống trong “dòng chảy” này, thì chẳng biết ngày nào chúng ta – những người trưởng thành mới có thể ý thức dừng bước, “để trở về lại với tuổi thơ, để trở thành trẻ nhỏ” và chuẩn bị sẵn sàng đón nhận Nước Thiên Chúa.
Vì thế, mùa Chay năm nay là cơ hội để chúng ta chú ý sống tâm tình quay trở về và trở nên như con trẻ của Thiên Chúa như Đức Thánh Cha kêu mời:
“Với sự đơn sơ của trẻ thơ, ta hãy hướng về Thiên Chúa và gọi Người là “Abba”, “Cha ơi”, như Đức Giê-su đã dạy chúng ta trong Kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con!” Ta hãy năng lặp đi lặp lại lời cầu nguyện này trong Mùa Chay; hãy lặp lại với lòng cảm mến sâu xa. Bằng cách thưa cùng Thiên Chúa “Lạy Cha chúng con”, ta ý thức rõ hơn rằng ta là con cái của Người và cảm nhận ta là anh chị em của nhau.“ (Sứ điệp mùa Chay 2004, số 5)
Để kết thúc bài cầu nguyện này, xin mời mỗi người hãy cùng với các em bé, hướng về Cha trên Trời, và chậm rãi đọc lên Kinh Lạy Cha.
Hãy để lời kinh đó thấm vào tâm hồn mình, nhờ vậy mình có thể trở thành một trẻ nhỏ và kêu lên: “Abba – Cha ơi!”
Có như vậy, chúng ta sẽ được ở lại trong vòng tay yêu dấu của Người, trong chính Nước Thiên Chúa.
Lm Nguyễn Ngọc Thế, S.J.
Dieser Beitrag wurde unter
Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den
Permalink.