Tiền của

Tiền của đã làm cho chàng thanh niên phải bỏ cuộc, không còn đủ sức đi theo Chúa. Chàng đành phải sống một nếp sống bình thường. Bởi sức ràng buộc của nó, tiền của là một trở ngại lớn để vào Nước Trời. Vì thế Chúa Giêsu khuyên chúng ta phải từ bỏ. Sự từ bỏ này mang nhiều hình thức và mức độ khác nhau tuỳ hoàn cảnh mỗi người. Nhưng trong mọi trường hợp, điều không thể thiếu vắng đó là lòng siêu thoát. Vậy thì chúng ta phải sống tinh thần siêu thoát ấy như thế nào?

Trong một thế giới mà sức mạnh của đồng tiền được khẳng định và sự thịnh vượng vật chất đang nổi lên hàng đầu. Đất nước nào cũng mơ ước sẽ trở thành những con rồng kinh tế. Liệu chúng ta có phải quay lưng lại với sự giàu sang để ca tụng tinh thần nghèo khó hay không? Thực ra chẳng có ai chống lại sự thịnh vượng giàu có và cũng chẳng có ai tìm kiếm sự nghèo khổ. Kitô giáo lại càng không làm như vậy. Chính Thiên Chúa đã truyền cho con người phải tiếp tục công trình sáng tạo của Ngài, nghĩa là phải làm chủ và khai thác tối đa tài nguyên của thế giới này để nâng cao mức sống. Kitô giáo không phải là kẻ thù của sự phát triển và là đồng minh với sự nghèo đói. Tuy nhiên, không phải lúc nào tiền của cũng phục vụ con người.

Trước hết là phương thức kiếm tiền. Người ta đã kiếm tiền bằng những phương thức bất công, chèn ép bóc lột kẻ khác. Tiếp đến là cách thức tiêu tiền. Thừa tiền dư của, thường dẫn tới một lối sống hưởng thụ, phi đạo đức, sa đoạ. Vì chạy theo lợi nhuận và tiền của người ta đã giết chết lương tâm, bán rẻ nhân phẩm, bằng những hành động lường gạt, giả dối. Tiền của nhiều khi còn là nguyên nhân gây nên tàn ác, bất công, bạo lực, đàn áp và chiến tranh. Đam mê và lòng tham vốn tiềm ẩn nơi con người, dễ bị tiền của thổi bùng lên. Chính vì những cạm bẫy khéo nguỵ trang đó mà Chúa Giêsu đã phải cảnh cáo: Những người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa. Cho nên vấn đề được đặt ra cho người Kitô hữu không phải là chính tiền của mà là cách thức tìm kiếm và sử dụng cũng như thái độ đối với tiền của.

Tinh thần nghèo khó luôn được Tin Mừng đề cao và sự từ bỏ được coi là thái độ không thể thiếu vắng của người môn đệ Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ ràng tinh thần nghèo khó khác với tình trạng nghèo khó. Nghèo khó chẳng những là điều không dám mơ ước mà còn phải tìm cách chống lại, bởi vì sự nghèo khó sinh ra không biết bao nhiêu hậu quả tai hại, tệ đoan, bất ổn, tội ác, con người thiếu điều kiện điều kiện sống xứng đáng với phẩm giá của mình, như tục ngữ cũng đã nói: Bần cùng sinh đạo tặc. Trong khi đó, thực hiện tinh thần nghèo khó của Tin Mừng thì khác. Người nghèo khó trong tinh thần luôn giữ lòng siêu thoát, kể cả khi tiền của dư dật, không lấy của cải làm chủ đích đời mình nhưng sử dụng của cải đúng mức, theo nhu cầu chính đáng của mình và trong tinh thần liên đới, chia sẻ với anh em. Tột đỉnh của tinh thần nghèo khó là sự từ bỏ.

Từ bỏ là mức độ siêu thoát cao nhất, là thái độ chọn lựa Thiên Chúa và Nước Trời làm ưu tiên hàng đầu. Đó là một thái độ tích cực chứ không phải là tiêu cực. Nó không bao hàm sự khinh chê những giá trị vật chất và nhân bản, nhưng biểu thị nỗ lực tìm kiếm những giá trị tâm linh thiết yếu mà nếu thiếu thì ngay cả những giá trị vật chất và nhân bản ấy sẽ bị sụp đổ, bởi vì: Người ta không sống chỉ bằng cơm bánh.

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.