Buổi sáng(15 phút).
1) Mở đầu với Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
2) Thinh lặng cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.
3) Đọc chậm rãi bài suy niệm gợi ý.
Ánh Sáng không bao giờ bị giập tắt
“Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9).
“Trong hang lừa ở Bét-le-hem một dấu hiệu vui mừng đã tỏ ra cho chúng ta: Vì chính Hài Nhi này – Con Thiên Chúa, đã sinh ra làm người, là một dấu chỉ rất rõ ràng cho nhân loại. Dấu chỉ đó có nghĩa là, vào ngày tận thế lời cuối cùng trong cuốn sách lịch sử thế giới nằm ở nơi Thiên Chúa. Đấng là Sự Thật và là Tình Yêu. Đó chính là ý nghĩa thật sự nhất của Giáng Sinh: Ngày sinh nhật của Ánh Sáng không bao bị giập tắt” (Joseph Ratzinger, Wer hilft uns leben?).
Ánh Sáng không bao giờ bị giập tắt. Ánh Sáng gì vậy? Phải chăng đó là ánh sáng Mặt Trời, hay là ánh sáng của cây nến kia, hoặc là ánh sáng điện lung linh đang chiếu soi hang đá của gia đình, của cộng đoàn, của giáo xứ?
Tất cả những ánh sáng đó đều sẽ bị dập tắt, hay tự mình tắt đi.
Ánh Sáng không bao giờ bị giập tắt là chính Thiên Chúa.
Đấng là Ánh Sáng thật đi vào cuộc đời này, như thánh Gioan đã nói với chúng ta:
“Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.”
Nhưng Ánh Sáng không bao giờ bị dập tắt có nghĩa là gì vậy?
Trong bầu khí của Giáng Sinh và trong những giây phút cuối cùng của năm cũ, chúng ta cảm nhân được một điều rất tuyệt vời qua sứ điệp rất đẹp này: Chúng ta vẫn nói với nhau rắng. Tất cả mọi sự rồi sẽ qua đi. Năm nào rồi cũng có ngày giao thừa kết thúc năm đó. Đời người nhiều lắm cũng chỉ xấp xỉ 100 cái xuân xanh. Sau đó tất cả, dù giàu hay nghèo, dù giỏi giang hay dốt nát đều phải trở về với tro bụi.
Thật vậy, con người và thế giới này đều có giới hạn của nó. Vậy tìm đâu ở sự tuyệt đối? Tìm đâu được một sự sống vĩnh cữu? Tuyệt đối và vĩnh cửu nằm ở chính Thiên Chúa. Đấng là Ánh Sáng không bao giờ bị giập tắt. Chính Thiên Chúa đó chứ không phải thần chết, nắm trong tay chữ cuối cùng của cuốn sách lịch sử loài người.
Bạn thân mến,
Bạn cảm thấy sao khi nhận ra sự tuyệt đối và vĩnh cửu; khi Bạn được chính Ánh Sáng không bao giờ bị dập tắt là chính Thiên Chúa đang chiếu soi?
Phần tôi, thì thật là an ủi lắm. An ủi, vì tôi biết rằng, dù mình giới hạn và nhỏ bé, nhưng được Đấng tuyệt đối và vĩ đại ủ ấp; dù ánh sáng yếu ớt của tôi sẽ có ngày phải lịm tắt, nhưng Ánh Sáng nguồn là chính Thiên Chúa lại chiếu sáng đời đời.
Không chỉ được an ủi, mà tôi còn hy vọng và vui mừng, vì Ánh Sáng không bao giờ bị dập tắt là chính Thiên Chúa đó yêu thương con người. Mà khi Ngài yêu thương nhân loại, thì Ngài không bao giờ để cho họ bị mất đi. Muôn muôn đời trong đôi mắt Ngài từng người chúng ta là: “Những người thật quý giá“. Mãi mãi và muôn thuở, lời trìu mến của Ngài không bao giờ bị xóa nhòa: “Thật tốt khi có con!“
Chúng ta hãy cùng nhau tri ân, cảm tạ Ánh Sáng không bao giờ dập tắt là chính Thiên Chúa, Bạn nhé!
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
4) Thinh lặng suy niệm và rút ra một lời một ý tưởng để sống trong ngày. Tâm sự với Chúa để kết thúc phần suy niệm buổi sáng.
Buổi tối(15 phút trước khi nghỉ đêm).
5) Cuối ngày trước khi đi ngủ dành 15 phút để nhìn lại: Bài cầu nguyện hôm nay đã đi với tôi và đã giúp tôi như thế nào? Tôi có khó khăn gì trong cầu nguyện? Có thể tôi chưa thấy bài cầu nguyện giúp tôi trong ngày sống. Nếu vậy thì tại sao? Tôi có chú tâm và ý thức đủ để “dành một chỗ” cho bài cầu nguyện ở trong lòng tôi và trong ngày sống của tôi chưa?
6) Viết lại một vài hàng (tối đa nửa trang A4) về hoa quả mà tôi nhận được trong ngày sống cầu nguyện hôm nay.
7) Cám Ơn Chúa về những hồng ân trong ngày, và xin Chúa thứ lỗi về những yếu đuối. Xin Chúa ban thêm sức mạnh và bình an để nghỉ đêm và bắt đầu ngày sống mới.