Nối Trời với Đất: Ngày giao thừa 31.12

Con người là thời gian.

“Một năm gần chấm dứt. Đây là thời gian để nhìn lại, để suy nghĩ. Bảng tổng kết sẽ được làm. Dự định cho thời gian tới sẽ được đề ra. Chính trong nháy mắt này con người trong chiều sâu trở thành “Thời Gian,” thời gian mà thường chúng ta vẫn sử dụng…
Là một Kitô hữu, chúng ta có tâm tình gì trong giây phút chuyển mình từ năm cũ sang năm mới? Điều đầu tiên chúng ta cần làm là một điều rất là nhân bản: Dành thời gian để suy nghĩ, để tìm được một khoảng cách để có được một cái nhìn tổng thể, để nhận được sự tự do nội tâm và sẵn sàng kiên nhẫn bước tiếp trên đường đời. Theo một triết gia, con người phân biệt với thú vật qua một điều căn bản: Với lý trí của mình, con người có thể nhảy ra khỏi hồ nước của thời gian, trong khi thú vật như những con cá phải bơi lội mãi trong hồ nước thời gian đó. Chỉ con người có thể chiêm ngắm thời gian và làm chủ thời gian” (Benedikt XVI, Wer hilft uns leben?).

Bạn thân mến,

Trong đêm giao thừa, chúng ta cùng dừng chân để nhìn lại, để suy nghĩ, để cảm tạ, để kiểm điểm sửa đổi, cũng như để chuẩn bị cho một năm mới trong ân sủng và tình yêu của Chúa. Vì thế, hôm nay chúng ta không chỉ dành thời gian để bận tâm xem tối nay sẽ nấu gì cho gia đình, cho bạn bè ăn bữa giao thừa…, mà chúng ta hãy trở nên „thời gian“, làm chủ thời gian, để làm một cuộc nhìn lại khoảng 60 phút nhé.
Rất đơn sơ, xin đề nghị một phương pháp:

1) Vào chỗ
– Tôi tìm một nơi thuận tiện, yên tĩnh và chọn một tư thế thích hợp:
– Tôi đặt mình trước mặt Chúa và ý thức Ngài đang hiện diện. Lúc này Chúa đang âu yếm nhìn tôi, nên tôi thưa với Ngài: „Lạy Chúa, con đang ở đây trước mặt Chúa và Chúa đang ở trước mặt con, xin Chúa cho con ở lại với Chúa trong giây phút hồi tâm nhìn lại năm vừa qua“.
Sau đó tôi để tâm hồn lắng xuống và bắt đầu nhìn lại năm qua.

2) Khám phá quà tặng và tỏ lòng biết ơn
– Tâm tình đầu tiên là lòng biết ơn. Tôi cầu nguyện cùng Chúa: „Lạy Chúa, xin cho con nhận ra những quà tặng và những hồng ân mà Chúa và anh chị em cho con trong năm qua, và xin Chúa dạy con biết cám ơn Chúa và mọi người.“
– Tiếp theo tôi mường tượng lại những sự kiện hay những biến cố trong năm qua, xem tôi đã nhận được những điều gì tốt lành từ Chúa và từ anh chị em: Có thể là „bằng tốt nghiệp tôi nhận được, kết thúc tốt đẹp một quá trình học. Hay là một việc làm mới thích hợp mà tôi tìm được. Hay là một sự nâng đỡ của một người thân trong gia đình giúp tôi vượt qua cơn khủng hoảng. Có thể là sự bình an thanh thản trong cuộc sống của cả năm và cũng có thể là niềm vui tôi lấy được người tôi yêu… Khi những món quà đó xuất hiện trong tâm trí, điều chú ý ở đây là tôi không cần đi vào chi tiết, không cần nhớ lại một cách tường tận.
– Với từng món quà đó tôi chân thành cám ơn Chúa và những người đã cho tôi. Cụ thể ở đây, tôi có thể dâng lên Chúa một lời nguyện tri ân.
– Có một thái độ giúp tôi nối kết chặt chẽ hơn tình thân với Chúa và với người thân. Đó là tôi hình dung lại khuôn mặt của Chúa hay của người thân. Sau đó, ở lại nếm cảm lại lần nữa giây phút hạnh phúc mà tôi đã được. Ví dụ như ở lại trong vòng tay yêu dấu của người tôi yêu, sung sướng cầm mảnh bằng tốt nghiệp trên tay, rất được an ủi khi vượt qua cơn khủng hoảng…

3) Đi tìm cỏ lùng và lúa tốt

• Lúa tốt là những hoa quả thật đẹp trong năm.

– Trước hết tôi cầu xin Chúa: ,,Lạy Chúa, xin cho con nhận biết các hoa quả thật đẹp trong năm và xem chúng ảnh hưởng thế nào trên đời sống con và đưa con đi về đâu?“ Sau lời cầu nguyện, tôi có thể phân thời gian trong một năm ra làm bốn quý. Thiết nghĩ cũng nên viết ra một mảnh giấy, vì như vậy giúp mình dễ dàng nhìn lại hơn (Tấm giấy có thể chia ra làm 4 phần cho bốn quý).

– Tiếp đến tôi nhớ lại từng quý một (3 tháng), và tự hỏi mình xem có những biến cố hay sự kiện nào trong thời gian 3 tháng này đem lại cho tôi cảm giác vui, thoải mái, bình an, có sức sống? Những cảm giác tích cực này ảnh hưởng trong cuộc sống tôi trong thời gian ba tháng này như thế nào? Chúng dẫn tôi đến gần Chúa hơn, gần anh chị em hơn, yêu đời hơn và thương mình thêm hay không?
Sau đó tôi xin Chúa giúp tôi biết ý thức chăm bón và phát triển những bông lúa tốt đó nhiều hơn trong đời sống, để chúng sẽ nở thêm gấp trăm lần trong năm mới.

• Cỏ lùng là những cành cây khô cằn không sinh ra hoa quả trong năm.

– Trước hết tôi cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con nhận ra những cành cây khô cằn không sinh ra hoa quả trong năm qua, và xem chúng ảnh hưởng trên con thế nào và biết chúng dẫn con về đâu.“ Sau lời cầu nguyện, tôi có thể phân thời gian trong một năm ra làm 4 quý giống như ở phần trên. Cũng nên viết ra một mảnh giấy đã được chia làm bốn phần.

– Tiếp đến tôi nhớ lại từng quý một (3 tháng), và tự hỏi mình xem có những biến cố hay sự kiện nào trong thời gian 3 tháng này đem lại cho tôi những cảm xúc tiêu cực, buồn chán, bất an, dễ cáu và dễ nản, mất an toàn và mất tự do? Những cảm giác này đã ảnh hưởng trên tôi như thế nào? Chúng dẫn tôi xa Chúa hơn, có khoảng cách với anh chị em hơn, chán đời thêm và lạ lẫm với chính mình hơn?

– Tôi cũng xin Chúa giúp tôi biết ứng xử với những cảm giác đó thế nào cho đúng, cũng như xin Ngài giúp tôi giải quyết những vấn đề khó khăn còn tồn đọng lại. Nếu tôi thấy mình bất lực trước vấn đề gì, thì xin Ngài chữa lành cho tôi. Ngoài ra, nếu tôi làm Chúa và anh chị em buồn lòng, thì xin Chúa tha thứ và anh chị em thứ tha. Còn nếu ai làm tôi phiền muộn, thì xin Chúa giúp tôi biết rộng lòng thông cảm và tha thứ cho họ.
Ngoài ra, nếu cần thiết gặp gỡ ai để giao hòa, thì tôi cũng dự định để liên lạc với người đó trong đầu năm mới.

4) Chuẩn bị và tiếp tục lên đường

“Con đường của quá khứ và hiện tại có chỉ cho tôi hướng đi cho ngày mai không?” Câu hỏi này giúp tôi ý thức tỉnh táo hướng nhìn về năm mới. Khi chuẩn bị, tôi luôn có tinh thần nền tảng này: „Tôi nghĩ, tôi nói hay làm điều này như vầy, thì tôi có cảm thấy bình an, thấy gần Chúa và gần anh chị em, cũng như gần mình hơn hay không?

Với một năm trước mặt tôi chuẩn bị từng quý một, có thể với những câu hỏi sau:
– Trong quý này, tôi có dự định làm gì? Tôi sẽ làm điều đó như thế nào cho tốt nhất? Cụ thể, tôi cần chuẩn bị gì trước, tôi cần đầu tư điều gì cho công việc này?
– Trong hè năm tới, con gái tôi sẽ chuyển vào tuổi dậy thì. Sẽ có nhiều thay đổi, tôi nên chuẩn bị cho con gái điều gì, về cả tâm sinh lý lẫn về việc học hành…, và tôi cũng nên có thái độ nào khi con gái tôi phản ứng khác thường?
– Đầu tháng 8 gia đình chúng tôi, như thường lệ sẽ đi nghỉ hè chung với nhau. Năm nay sẽ chuẩn bị buổi đi nghỉ hè như thế nào cho mọi người hài lòng, không như năm trước có nhiều điều chẳng hay xảy ra?
Trong bước chuẩn bị này, cũng không cần phải làm chi tiết. Chỉ cần một sự chuẩn bị tổng thể, có cái nhìn toàn diện là tốt rồi.

5) Mừng giao thừa với Chúa và với nhau

– Đốt nến trên bàn thờ, cũng có thể thắp một vài cây nhang. Với tất cả tâm tình dâng Chúa nén nhang.
– Có thể hát một bài ca cảm tạ, vd. bài hát „Xin dâng lời cảm tạ“.
– Sau bài hát có thể dâng Chúa một lời nguyện mở đầu đơn sơ.
– Đọc bài Tin Mừng Gioan 1, 1-4 nhắc nhớ về nguồn gốc và đích đến của đời người:

“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.

Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,1-4).

– Sau bài Tin Mừng thinh lặng một chút (khoảng 3 phút).
– Dâng lên Chúa những lời nguyện tri ân cảm tạ Chúa về những món quà của năm cũ, cũng như xin lỗi Chúa và xin ơn tha thứ về những thiếu xót trong năm vừa qua. Sau mỗi lời nguyện có thể đốt lên một cây nến và dâng lên Chúa trên bàn thờ.
– Tiếp đến đọc một kinh Lạy Cha (Nếu là trong gia đình hay trong nhóm, thì nên nắm tay nhau).
– Sau đó có thể đọc lời chúc lành cuối cùng. (Nếu trong gia đình, thì gia trưởng có thể đọc lời chúc lành xin Chúa chúc phúc gia đình và mỗi thành viên của gia đình. Sau đó Cha Mẹ ghi dấu thánh giá trên trán con cái, và xin Chúa chúc lành. Nếu trong nhóm, thì người trưởng nhóm có thể đọc lời chúc lành và ghi dấu thánh giá trên từng thành viên.) Lời chúc lành có thể là lời chúc lành trong lễ Giáng Sinh (trong sách lễ Roma), hoặc lời chúc lành ở dưới.
– Trước khi kết thúc, đọc một kinh Kính Mừng dâng Đức Mẹ và hát một bài xin Mẹ phù hộ.
– Cuối cùng trong bầu khí thân thương và thiêng liêng có sự hiện diện của Chúa, chúng ta cùng đón giao thừa với nhau.

• Công thức chúc lành:

Chủ sự: Chúa ở cùng Anh Chị Em

Mọi người: Và ở cùng Anh (Chị, Cha, Mẹ)

Chủ sự: Nguyện xin Thiên Chúa ban tặng cho Anh Chị Em
Kho Tàng quý nhất là chính Vương Quốc của Ngài,
và đổ tràn „mưa hồng ân“
vào lúc người thợ làm vườn là chính Anh Chị Em cần đến. Amen

Thiên Chúa ở trên Anh Chị Em
để nâng tâm hồn Anh Chị Em lên với Ngài.
Thiên Chúa ở trong Anh Chị Em
để Anh Chị Em đâm rễ trong chính Ngài.
Thiên Chúa ở dưới Anh Chị Em như nền đất chắc chắn,
để Anh Chị Em đứng vững vàng trên đó. Amen

Thiên Chúa ở bên phải Anh Chị Em
để dẫn dắt Anh Chị Em đến con đường của sự sống;
và dẹp bỏ tất cả đam mê dẫn Anh Chị Em đến con đường của sự chết.
Thiên Chúa ở bên trái Anh Chị Em
để Anh Chị Em không đánh mất lòng can đảm trong những lúc hiểm nguy. Amen

Thiên Chúa ở trước Anh Chị Em
để Anh Chị Em luôn vươn tới và hướng về Ngài trong cuộc sống.
Thiên Chúa ở đàng sau Anh Chị Em,
nhờ đó Anh Chị Em luôn tin tưởng vào Ngài,
trong mỗi lần Anh Chị Em phải lùi một bước về phía sau. Amen

Nguyện xin Thiên Chúa ban tặng cho Anh Chị Em
Kho Tàng quý nhất là chính Vương Quốc của Ngài.
Và suốt năm mới này, xin Thiên Chúa toàn năng, là Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúc lành và gìn giữ Anh Chị Em trong tình yêu và bình an của Chúa.

Mọi người thưa: Amen.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.