Nối Trời với Đất: Thứ sáu sau Chúa Nhật III mùa Vọng

 Buổi sáng(15 phút).
1) Mở đầu với Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
2) Thinh lặng cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.
3) Đọc chậm rãi bài suy niệm gợi ý.

Chính Đức Kitô là sự bình an của chúng ta.

“Vì chính Người là sự bình an của chúng ta” (Ep 2,14).

Đứng trong vòng tay của Đức Kitô, Đấng đang nằm trên Thánh Giá, chúng ta có cảm thấy được nhỉ ngơi bồi dưỡng không? Chúng ta có cảm thấy mình nhận được một sự an ủi, một sự bình an cho tâm hồn và đời sống không?

Bình an. Hai từ ngữ quan trọng cho đời người. Quan trọng vì cuộc sống của chúng ta có quá nhiều lo toan, nhiều ngang trái, nhiều hận thù… Mỗi ngày, nếu đọc tin tức chúng ta sẽ thấy biết bao nhiêu chuyện xảy trên trái đất nhỏ bé này. Chỗ này là áp bức bóc lột, chỗ kia là khủng bố. Rồi những Xì-căng-đan nóng bỏng kể lại biết bao nhiêu đau thương mà con người gây ra cho nhau. Càng nhìn thế giới này, chúng ta càng cảm thấy con người ngày nay cần đến sự bình an. Nhưng tìm đâu được bình an đây?

Chúng ta hãy lắng nghe lời của Thánh Phao-lô: “Chính Người là sự bình an của chúng ta“.
Thực vậy, Đức Kitô đến để loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Đức Kitô đã liên kết dân ngoại với người Do Thái, Ngài đã phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét mà con người gây ra cho nhau. Chính Ngài cũng đã kiến tạo lại mối tình từ muôn thuở giữa Thiên Chúa với nhân loại. Đức Kitô đến để đem bình an cho nhân loại. Cả cuộc đời của Ngài rạng sáng nguồn bình an. Lúc Ngài được sinh ra, thì các thiên thần đã cao rao rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” Và sau khi sống lại, mỗi lần hiện ra, Chúa đều cầu chúc bình an cho các môn đệ của mình: “Bình an cho anh em.“

Thánh Augustino tự hỏi mình: “Chúng ta sẽ có gì? Gia sản chúng ta là gì? Quê hương chúng ta là gì? Tên nó là gì? ” Cũng chính thánh nhân trả lời: ‘đối với tôi, tôi cho là những lời này: Sự Bình An. Chính sự Bình an chúng tôi chào anh em, chính sự bình an chúng tôi rao giảng cho anh em, sự bình an mà các núi non lãnh nhận và những đồi nhận lãnh công lý (x. Tv 71, 3) Sự bình an đó là Chúa Kitô: “Vì chính Người là sự bình an chúng ta” (Ep 2,14)” (Diễn văn về các thánh Vịnh, IV, Nuova Biblioteca Agostiniana, XXVIII, Roma 1977, p. 105).

Thánh Augustino kết thúc bằng một lời khuyên, đồng thời cũng là một sự cầu chúc: “Chúng ta hãy là Israel, chúng ta hãy ôm ấp sự bình an, bởi vì Jerusalem là ý niệm về sự bình an và chúng ta là Israel, ước chi sự bình an xuống trên Israel” (ibid. p. 107).
Sự bình an đó là chính Đức Kitô đấy! Hãy ôm sự bình an này vào lòng nhé!

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

4) Thinh lặng suy niệm và rút ra một lời một ý tưởng để sống trong ngày. Tâm sự với Chúa để kết thúc phần suy niệm buổi sáng.

 Buổi tối(15 phút trước khi nghỉ đêm).
5) Cuối ngày trước khi đi ngủ dành 15 phút để nhìn lại: Bài cầu nguyện hôm nay đã đi với tôi và đã giúp tôi như thế nào? Tôi có khó khăn gì trong cầu nguyện? Có thể tôi chưa thấy bài cầu nguyện giúp tôi trong ngày sống. Nếu vậy thì tại sao? Tôi có chú tâm và ý thức đủ để “dành một chỗ” cho bài cầu nguyện ở trong lòng tôi và trong ngày sống của tôi chưa?
6) Viết lại một vài hàng (tối đa nửa trang A4) về hoa quả mà tôi nhận được trong ngày sống cầu nguyện hôm nay.
7) Cám Ơn Chúa về những hồng ân trong ngày, và xin Chúa thứ lỗi về những yếu đuối. Xin Chúa ban thêm sức mạnh và bình an để nghỉ đêm và bắt đầu ngày sống mới.

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.