Buổi sáng(15 phút).
1) Mở đầu với Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
2) Thinh lặng cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.
3) Đọc chậm rãi bài suy niệm gợi ý.
Đó là một biến cố vĩ đại!
“Chúa sẽ đến, Người không trì hoãn, Người sẽ chiếu soi những nơi ẩn khuất tối tăm và sẽ tỏ mình cho muôn đân” (Ca nhập lễ ngày thứ tư sau Chúa Nhật III mùa Vọng – Hab 2, 3; 1Cor 4,5)
“Đó là một biến cố vĩ đại, Thiên Chúa đã thực sự trở thành người. Thiên Chúa không mặc lấy thân phận làm người, không đóng vai làm người một thời gian nhất định, mà Thiên Chúa thực sự là người, và cuối cùng tự giang tay trên thập giá, như mở ra một không gian, để chúng ta bước vào. Nếu Con Người này, như Thánh Kinh nói, muốn kéo tất cả chúng ta đến với thân thể của Ngài, đưa chúng ta vào trong một thân xác hiệp nhất và sống động, như người nam với người nữ trở thành một xương một thịt, thì chúng ta sẽ thấy rằng. Ở đây không chỉ là một biến cố duy nhất xảy ra rồi sau đó lại đi vào dĩ vãng, như tất cả mọi biến cố khác. Không, đây là một sự xuyên suốt, một khởi đầu mà Đức Kitô muốn kéo chúng ta vào, cụ thể qua bí tích Thánh Thể, bí tích Thanh Tẩy. Trong ý nghĩa này, thì có một điều đặc biệt vượt qua tất cả mọi sự tiến hóa. Đó là sự hiệp nhất nên một giữa Thiên Chúa và nhân loại, giữa thụ tạo và Đấng Sáng Tạo” (Joseph Ratzinger, Gott und die Welt).
Bạn thân mến, “Chúa sẽ đến, Người không trì hoãn, nhưng Ngài đến không như chúng ta mường tượng. Cách thức Ngài đến quá lạ với chúng ta. Đó là Ngài trở thành người như chúng ta. Ngài là người thực sự. “Đó là một biến cố vĩ đại!“ Vĩ đại vì Thiên Chúa đã từ chỗ lớn nhất đi vào chỗ nhỏ nhất, từ một Đấng Tạo Dựng trở nên một phận người nhỏ bé. Cái nhỏ bé đó được chỉ ra rất rõ ràng trong cuộc đời trần thế của Ngài. Không chỉ là một em bé, mà còn là một nạn nhân chẳng tội tình gì bị treo trên thập giá. Bất lực trước bất công. Giang tay đau đớn, nhưng đó lại là một hành động đón mời chúng ta vào vòng tay yêu thương của Ngài. Hành động này không chỉ là một sự kiện, hay biến cố duy nhất xảy ra rồi lại đi vào quá khứ. Tình yêu của Thiên Chúa tồn tại vĩnh viễn và sống động mỗi ngày. Vì mỗi ngày Ngài luôn mời gọi chúng ta hãy đi tìm Ngài, ở lại trong Ngài và hơn nữa hãy trở nên một với Ngài. Có như vậy, thì chúng ta sẽ luôn luôn ở trong không gian của tình yêu, được đôi tay đang giang ra của Ngài trên thập giá đón chào và ấp ủ.
Hôm nay, trong tâm tình của mùa Vọng, chúng ta hãy dành thời gian, đứng trước Thánh Giá của Chúa Kitô. Chúng ta hãy cảm nhận rằng, Ngài đang chào mừng Bạn và tôi, đang muốn ấp ủ Bạn và tôi và đang muốn chiếu soi những nơi ẩn khuất tối tăm trong chúng ta.
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
4) Thinh lặng suy niệm và rút ra một lời một ý tưởng để sống trong ngày. Tâm sự với Chúa để kết thúc phần suy niệm buổi sáng.
Buổi tối(15 phút trước khi nghỉ đêm).
5) Cuối ngày trước khi đi ngủ dành 15 phút để nhìn lại: Bài cầu nguyện hôm nay đã đi với tôi và đã giúp tôi như thế nào? Tôi có khó khăn gì trong cầu nguyện? Có thể tôi chưa thấy bài cầu nguyện giúp tôi trong ngày sống. Nếu vậy thì tại sao? Tôi có chú tâm và ý thức đủ để “dành một chỗ” cho bài cầu nguyện ở trong lòng tôi và trong ngày sống của tôi chưa?
6) Viết lại một vài hàng (tối đa nửa trang A4) về hoa quả mà tôi nhận được trong ngày sống cầu nguyện hôm nay.
7) Cám Ơn Chúa về những hồng ân trong ngày, và xin Chúa thứ lỗi về những yếu đuối. Xin Chúa ban thêm sức mạnh và bình an để nghỉ đêm và bắt đầu ngày sống mới.