Kính chào Mẹ rất thánh, là Đấng đã sinh ra vua cai trị trời đất, đến muôn thuở muôn đời. Đức trinh nữ Maria với muôn vàn tước hiệu đã muốn cho nhân loại hiểu rằng Mẹ quả thực được Thiên Chúa yêu thương một cách đặc biệt. Mỗi tước hiệu, mỗi danh xưng về Đức Mẹ đều gợi lên tính cách cao vời của người Mẹ: Mẹ Maria.Mẹ yêu thương nhân loại, yêu thương từng người.
Ngày 16 tháng 7 năm 1251, sau một đêm thức trắng cầu xin Đức Mẹ ban ơn phù trợ để Dòng Carmêlô thoát khỏi những hiểm nguy đang giăng mắc có thể đi tới chỗ sụp đổ, thánh Simon cột đã được thị kiến Đức Mẹ. Đức trinh nữ Maria tay bồng Chúa hài nhi, có các thiên thần hầu cận. Đức Mẹ trao tấm áo nâu cho thánh Simon cột và phán:” Hỡi con yêu dấu, hãy lãnh nhận tấm áo này cho Hội Dòng của con. Đó là dấu chỉ đặc biệt một hồng ân mà Mẹ đã xin cho các con và tất cả con cái của Chúa, những người tôn vinh Mẹ dưới tước hiệu Đức Mẹ Núi Carmêlô. Hễ ai chết trong lúc sốt sắng mặc áo này sẽ được cứu thoát khỏi lửa muôn đời. Áo nâu là một huân chương phần rỗi.Áo nâu còn là khiên thuẫn trong lúc hiểm nguy. Áo nâu là bảo chứng ơn bình an và sự che chở đặc biệt, cho đến ngày tận cùng trần gian”. Đức Mẹ hiện ra với thánh Simon cột lúc đó đang là bề trên tổng quyền dòng Carmêlô, và Đức Mẹ hứa sẽ bảo trợ đặc biệt không những các tu sĩ trong dòng mà còn tất cả những ai mang áo của dòng này: áo Đức Bà núi Car-mêlô. Đức Mẹ phán:” Hỡi các con, hãy nhận lấy áo của dòng, đó là dấu hiệu của đặc ân mà Ta dành cho các con. Người nào chết khi mang áo này sẽ tránh được ngọn lửa thiêu đốt đời đời”. Nhiều phép lạ đã xẩy ra khi con người mang áo Đức Mẹ Carmêlô. Đức Mẹ làm chuyển đổi hướng gió, làm dịu giông bão, dập tắt hỏa hoạn, làm đổi hướng lằn tên mũi đạn vv…Áo Đức Bà cũng xuất hiện trong hai lần Đức Mẹ hiện ra: Đức Mẹ mặc áo mầu nâu khi hiện ra lần sau cùng ở Lộ Đức, ngày 16 tháng 7 nhằm ngày lễ Đức Mẹ núi Carmêlô; và khi Đức Mẹ làm cho mặt trời nhảy múa tại Fatima.
Núi Carmêlô đứng hiên ngang trên đồng bằng Galilêa, gần Nagiarét, nơi Đức Mẹ đã sống và có biết bao kỷ niệm êm đềm, thánh thiện với Chúa Giêsu. Nên, dòng Carmêlô đã được đặt dưới quyền điều khiển của Đức Mẹ. Đức thánh Cha Benoit VIII năm 1726 đã phổ biến lễ này trong toàn thể Giáo Hội để kính nhớ lần Đức Mẹ hiện ra với thánh Simon cột và hứa sẽ can thiệp đặc biệt cho những ai mặc áo Đức Bà Carmêlô.
Lạy Chúa, vì lời Đức Trinh Nữ Maria cầu thay nguyện giúp, xin Chúa luôn bảo vệ và hướng dẫn chúng con trên đường đời, để chúng con thẳng tiến về núi thánh là Đức Giêsu Kitô ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Mẹ núi Cát-minh).
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT