Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng liên quan đến ba vấn đề xem ra rời rạc: nhìn nhận hay từ chối Con Người cách công khai (c. 8-9); nói phạm đến Con Người và nói phạm đến Thánh Thần (c. 10); và trường hợp người môn đệ bị đưa ra xét xử công khai (c. 11-12).
Nhưng, nếu biết lắng nghe, chúng ta vẫn nhận ra sự hài hòa hiện diện ở bên dưới những lời của Đức Giê-su, được tường thuật lại trong bản văn Tin Mừng này: cả ba phần của bài Tin Mừng đều liên quan đến thái độ của con người đối với Đức Giê-su: công khai từ chối Người (phần 1); xét xử môn đệ của Người (phần 3); những lựa chọn như thế, có thể được tha thứ hay không (phần 2, nghĩa là trung tâm). Hơn nữa, sự hài hòa trong những lời này của Đức Giê-su, còn được duy trì bởi sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thực vậy:
- Đức Giê-su với tư cách là Con Người, nghĩa là Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngài được người môn đệ công khai nhìn nhận, dù phải chịu thiệt thòi, thậm chí chịu bách hại; và Ngài cũng sẽ công khai nhìn nhận người môn đệ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa Cha.
- Người ta có thể nói phạm đến Thánh Thần không? Và trong trường hợp người môn đệ bị đưa ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, Thánh Thần sẽ dạy cho người môn đệ điều phải nói.
Như thế, người môn đệ khi “công khai nhìn nhận” Đức Giê-su, sẽ có nguy cơ bị người đời loại trừ, nhưng lại được vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa: được Ngôi Hai Thiên Chúa được vào tương quan phụ tử với Thiên Chúa Cha và được tràn đầy Thánh Thần hôm nay và ngay trong hoàn cảnh bị bách hại.
* * *
Xin cho chúng ta “công khai nhìn nhận” Đức Giê-su trong lòng chúng ta và trong cách sống của chúng ta. Sự phản kháng chắc chắn sẽ xẩy ra, không chỉ bên ngoài, nhưng cả bên trong chúng ta nữa. Nhưng làm sao sánh được với niềm vui khôn tả, được tháp nhập vào trong sự sống viên mãn và vĩnh hằng của Ba Ngôi Thiên Chúa, được tháp nhập vào trong Gia Đình mới của Đức Giê-su nay hôm nay (x. Lc 8, 19-21)? Chúng ta có thể dừng lại để suy gẫm về cách thức chúng ta “công khai nhìn nhận” Đức Giê-su trong sống thường ngày của chúng ta.
Nhưng thực ra Ngài đã công khai nhìn nhận chúng ta trước rồi, dù chúng ta là ai và ở trong tình trạng nào, ngang qua mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm Vượt Qua, được diễn tả nơi mầu nhiệm sáng thứ nhất. Như thánh Phaolo nói: “Đức Ki-tô chết cho chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân”. Và sự nhìn nhận, thậm chí tuyển chọn yêu thương của Đức Ki-tô dành cho chúng ta, vẫn được làm mới lại mỗi ngày trong Thánh Lễ. Chúng ta chỉ cần đáp lại thôi.
* * *
Một trong những điều khó hiểu nhất trong bài Tin Mừng, và có lẽ trong các Tin Mừng, đó là lời này của Đức Giê-su: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha”. Lời này không chỉ khó hiểu, những con làm cho chúng ta lo sợ, khi tự hỏi: “tôi có bao giờ nói phạm đến Thánh Thần chưa?” Nhưng nếu chúng ta hiểu ra, chúng ta sẽ cảm thấy bình an và tạ ơn Chúa vô cùng. Bởi lẽ, Lời Chúa luôn luôn là Lời ban sự sống, Lời làm cho sống và duy trì sự sống.
- Người ta có thể dễ dàng nói phạm đến Con Người, bởi vì Người là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng nhập thể nơi con người Đức Giê-su Na-da-rét. Người Do Thái đã nói phạm đến Người và còn rất nhiều người hôm qua và hôm nay nữa.
- Nhưng Thánh Thần là Đấng hoàn toàn vô hình, vì Người là Thần Khí, là năng động, là tương quan, nên người ta không thể phạm đến Thánh Thần được. Hơn nữa, Thánh Thần là tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con, giữa con người với con người. Nói phạm đến Thánh Thần, là tự hủy diệt chính mình.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc