1. «Bánh hằng sống từ trời xuống» nghĩa là gì?
Một trong những bản văn căn bản về bí tích Thánh Thể là lời Đức Giêsu tuyên bố: «Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống» (Ga 6, 51). Chúng ta cần phải hiểu câu nói đó theo nghĩa nào? – Chắc chắn không thể hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là nghĩa vật chất được.
Viết tới đây tôi nghĩ tới Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh trong truyện Tây Du Ký: nhiều yêu tinh quyết bắt ông cho bằng được để ăn thịt, vì tin rằng cứ ăn thịt ông thì sẽ trường sinh hay trường thọ. Chắc hẳn chẳng ai trong chúng ta tin rằng thịt của Đức Giêsu (hiểu theo nghĩa vật chất) là một thứ thuốc hễ ăn vào thì được sống đời đời theo kiểu các yêu tinh tin vào thịt của Đường Tam Tạng. Cũng khó mà hiểu được một cách thuần túy rằng Thịt đem lại sự sống đời đời ở đây chỉ là bánh Thánh Thể mà người ta vẫn nhận lãnh khi rước lễ. Vì quả thật không thể tin được là tất cả những ai lên rước lễ – dù là hằng ngày – thì sẽ được sống đời đời mà không cần một thái độ nội tâm nào ( xin nhấn mạnh những chữ viết nghiêng này). Nếu thế thì muốn được sự sống đời đời quả thật dễ dàng! Và nếu thế thì bánh Thánh Thể quả là một thứ bùa chú vượt trên mọi thứ phù phép trong mọi tôn giáo! Những phù phép trong các tôn giáo nhiều lắm thì hứa hẹn một cái gì tạm thời chóng qua, chứ không hứa hẹn một quyền hạn vô cùng to lớn mang tính đời đời, mà người thụ hưởng chỉ bị đòi hỏi làm một việc mang tính vật lý quá đơn giản!
Theo tôi nghĩ, chính thái độ nội tâm của ta mới là yếu tố quyết định về phía ta để Thiên Chúa ban sự sống đời đời cho ta hay không. Vì thế, việc ăn thịt và uống máu Đức Giêsu là một thái độ hay hành vi nội tâm hơn là thể lý! Không có thái độ hay hành vi nội tâm ấy, thì dù có ăn thịt thật uống máu thật của Ngài (hiểu theo nghĩa đen và thực tế nhất), dù có rước lễ hằng ngày suốt cả cuộc đời cũng chẳng thể có sự sống đời đời. Thật vậy, ai dám bảo đảm rằng những người rước lễ hằng ngày thì chắc chắn sẽ được sống đời đời? Riêng tôi, tôi tin tưởng chắc chắn 100% rằng những ai có thái độ nội tâm giống như Đức Giêsu thì tất nhiên sẽ được Ngài ban sự sống đời đời.
Thiết tưởng, câu nói của Đức Giêsu đang được bàn tới cần hiểu theo nghĩa tâm linh, huyền nhiệm hơn là nghĩa đen. Vì nói chung, trong bất kỳ tôn giáo nào, những câu Kinh Thánh có ý nghĩa quan trọng thường được hiểu theo nghĩa huyền nhiệm hơn theo nghĩa đen. Vả lại, chính Đức Giêsu đã từng dùng từ “lương thực” hay “thức ăn” theo nghĩa tâm linh: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết” (Chưa biết Ngài dùng từ “lương thực” theo nghĩa nào). Các môn đệ mới hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?” (Các môn đệ hiểu lương thực theo nghĩa đen). Đức Giêsu nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Rõ ràng Ngài dùng “lương thực” theo nghĩa tâm linh. Thiết tưởng chữ “bánh”, “của ăn”, “của uống” trong đoạn Tin Mừng này cũng nên hiểu theo nghĩa tâm linh như vậy.
2. Cuộc đời và bản thân Đức Giêsu là một «chiếc bánh bị ăn»
Một trong những đặc tính căn bản nhất của đồ ăn là nó không hiện hữu vì ích lợi của nó, mà hoàn toàn vì ích lợi của người ăn nó. Nói cách khác, đặc tính căn bản của đồ ăn là hoàn toàn vị tha, không vương một chút vị kỷ nào. Đức Giêsu cũng hiện hữu và sống hoàn toàn vì Chúa Cha và vì loài người, không hề vì bản thân mình chút nào. Ngài từng nói: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38); “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10”. Cả cuộc đời Đức Giêsu, dù xét một cách toàn thể hay theo từng chi tiết, từng hành động, ta thấy Ngài hoàn toàn vị tha, nghĩa là sống vì Chúa Cha và vì nhân loại. Không một hành vi nào chứng tỏ Ngài vị kỷ cả. Cụ thể và hùng hồn nhất là cuộc tử nạn hết sức thê thảm của Ngài: đau khổ đến tận cùng và chết thê thảm không vì ích lợi gì cho mình, mà hoàn toàn vì yêu thương Chúa Cha và nhân loại. Hãy nghe Ngài cầu nguyện hai lần với Chúa Cha trước khi chịu tử nạn: «Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39; x.26,42). Sự vị tha ấy đã có từ nguyên thủy khi Ngôi Hai xuống thế: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2, 6-8).
Như vậy, cả cuộc đời Ngài là một cái «bánh bị ăn», nhờ thế Thiên Chúa được vinh danh. Con người cũng nhờ thế mà «được sống và sống dồi dào» (Ga 10, 10), được phục hồi lại sự sống đời đời đã bị mất vì tội nguyên tổ.
3. «Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời»
Đức Giêsu nói: «Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống». Điều ấy chắc chắn là sự thật, nhưng phải hiểu theo nghĩa huyền nhiệm hơn là nghĩa đen. Vấn đề còn lại là «ăn thịt và uống máu» Đức Giêsu để «được sống muôn đời» là gì? Muốn «ăn thịt và uống máu» Đức Giêsu thì phải làm gì?
Khi tôi ăn hay uống một thức gì, thì thức ấy được tiêu hóa để trở thành thịt và máu tôi, thành các tế bào của tôi. Thức ấy mà có tính bổ dưỡng hoặc chữa bệnh thì tôi trở nên mạnh khỏe, và bệnh tôi được chữa lành. Nếu tôi ăn hay uống những thức độc hại, thì chất độc ấy cũng trở nên những tế bào độc hại trong thân thể tôi và làm cơ thể tôi suy yếu.
Chắc chắn rằng tất cả các tế bào hiện nay của tôi sau mấy chục năm sống ở đời đều hoàn toàn được cấu tạo từ những thức tôi ăn hay uống vào từ bên ngoài. Chính nhờ thức ăn và thức uống mà tôi sống được. Nhưng tôi sống mạnh khỏe hay bệnh tật tùy thuộc vào thức ăn thức uống tôi đưa vào cơ thể, và cũng tùy thuộc cách thức tôi ăn uống nữa. Thức ăn hay thức uống tôi ăn vào từ từ thay thế những tế bào cũ bằng những tế bào mới trong thân thể tôi. Vì thế, nhiều thầy thuốc hay nhà sinh vật học chủ trương người ta có thể cải tạo lại sức khỏe bằng cách thay đổi đồ ăn thức uống và cả cách ăn uống nữa.
Từ thực tế trên, ta có thể hiểu được cách thức «ăn thịt và uống máu» Đức Giêsu. Đức Giêsu là Ngôi Lời, nên bản chất của Ngài là «Lời». Lời của Ngài cũng chính là của ăn thức uống. Đời sống và bản thân của Ngài cũng là của ăn thức uống như đã nói ở phần trên. Ăn uống Ngài chính là dùng lời của Ngài, dùng gương mẫu đời sống Ngài, để suy niệm, thực hành, bắt chước hầu thay thế dần dần «chất của ta» bằng «chất của Ngài», nghĩa là ta càng ngày càng trở nên «có chất Giêsu» hơn trong quan niệm, tư tưởng, lời nói, và hành động của ta. Nếu mỗi ngày ta thay thế 1% hay 1‰ «chất tôi» thành «chất Ngài» – ít hay nhiều tùy sự cố gắng hay quyết định của ta – thì chỉ một thời gian sau «chất tôi» đầy ích kỷ, tham lam, ghen ghét sẽ giảm đi, và «chất Ngài» đầy vị tha, đầy tình yêu sẽ tăng lên. Và tới một lúc nào đó, «chất Ngài» ở trong tôi trở thành viên mãn, nghĩa là đạt tới mức 100% (Đương nhiên thực tế không đơn sơ như vậy). Lúc ấy tôi có thể nói như Phaolô: «Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2, 20). Lúc ấy, một cách nào đấy, tôi không còn là tôi mà là Đức Kitô. Điều đó không có nghĩa là tôi bị vong thân, mà tôi trở nên một cái tôi hoàn hảo nhất, đúng với ước muốn sâu xa nhất của tôi là nên một con người hoàn hảo. Chính lúc ấy tôi mới tìm lại được bản thân tôi một cách trọn vẹn nhất.
Đấy là cách «ăn thịt uống máu» Ngài – mà tôi nghĩ theo thiển ý mình – là hợp lý và ý nghĩa nhất. Và đó cũng là cách bảo đảm nhất để có sự sống đời đời. Vậy thiết tưởng, mỗi khi dâng Thánh Lễ và lãnh nhận Thánh Thể, tức là «ăn thịt uống máu» Ngài một cách bí tích, ta cần có một thái độ hay hành vi nội tâm tương xứng là «ăn thịt uống máu» Ngài một cách huyền nhiệm hay tâm linh như đã nói trên. Có sự phối hợp bên trong lẫn bên ngoài như thế, việc lãnh nhận Thánh Thể sẽ đem lại cho ta sự sống và sức mạnh tâm linh bội phần.
4. Hãy trở nên «chiếc bánh bị ăn» như Đức Giêsu
Như vậy, «ăn thịt và uống máu» Đức Giêsu chính là suy niệm Lời và đời sống của Ngài để dần dần thay thế «chất tôi» thành «chất Ngài», biến «tôi» thành «Ngài». Nói cách khác, đó là trở nên giống Đức Giêsu hoàn toàn. Giống Đức Giêsu là giống Thiên Chúa, mà «Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4, 8. 16). Tình yêu ở đây là thứ tình yêu hoàn toàn vị tha, không một chút vị kỷ. Vì thế, giống Đức Giêsu là biết yêu thương mọi người bằng một tình yêu vị tha, nghĩa là sẵn sàng trở nên «chiếc bánh bị ăn» như Đức Giêsu (theo cách nói của cha Antoine Chevrier, tu hội Prado). «Bị ăn» nghĩa là chấp nhận hy sinh, đau khổ, mất mát, thiệt thòi vì tha nhân. Hãy sẵn sàng «bị ăn» bởi những người chung quanh ta, nhất là những người gần gũi ta nhất (vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em, bạn bè ta). Sống như thế, hay ít nhất là cố gắng hết sức để sống như thế, chính là «ăn thịt và uống máu» Đức Giêsu, và như thế thì chắc chắn ta sẽ được sự sống đời đời.
Ai ăn thịt và ai uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy. Vì thịt tôi chính là của ăn, và máu tôi thật là của uống.
(Ga 6,55-56)
Nguyễn Chính Kết
1. Ta là Bánh Hằng Sống