Nhiệm Vụ Rao Giảng Tin Mừng
Thông thường khi nói đến nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa ta thường liên tưởng trong tâm trí của mình đây là nhiệm vụ của mấy ông cha, của mấy bà phước, của những ai có ơn gọi riêng, của ai đó chứ không phải là của mình. Lời của Chúa Giêsu trước lúc về trời: “Anh em phải đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”(Mc 16, 15). Đây là lệnh truyền của Chúa, lệnh truyền cho các môn đệ, cho mọi Kitô hữu thực hiện trong đời sống của mình.
Hai đối tượng trong việc thực hiện mệnh lệnh của Chúa đó là: Ai rao giảng? Và rao giảng cho ai? Dĩ nhiên điều được rao giảng ở đây chính là Lời Chúa.
Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này xin được chú ý trước hết đến người cần được rao giảng Lời Chúa. Trên thế giới hiện nay có hơn 7 tỷ người, nhưng con số những người nhận biết Đức Kitô mới hơn 2,3 tỷ và nếu tính con số những người công giáo thôi thì chỉ là 1,16 tỷ người (theo bản nghiên cứu thường niên về “Tình trạng Truyền giáo Toàn cầu” ngày 25/11/2011). Và cũng theo bảng báo cáo này nếu không tính đến số tín hữu của các tôn giáo khác thì có hơn 2 tỷ người chưa bao giờ được nghe giảng tin mừng.
Con số 2 tỷ người này ở đâu? Có thể chúng ta có thói quen nghĩ rằng những người này có thể bên Châu Phi, hay ở một số quốc gia xa xôi hay những nơi hẻo lánh nào đấy… Nhưng nếu nhìn kỹ lại và tự hỏi với chính mình: Người bên cạnh tôi, hàng xóm tôi có bao giờ được nghe tin mừng chưa? thì chúng ta ắt hẳn phải nghĩ rằng con số 2 tỷ ấy chính là anh chị em chung quanh chúng ta, họ không là ai khác, họ cần được nghe Lời Chúa, họ cần được biết tin mừng.
Đối tượng thứ hai trong nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa đó là: Ai rao giảng? Câu trả lời phải được xác quyết là “tôi”. “Tôi” có nhiệm vụ phải rao giảng Lời Chúa. Sứ mạng này “tôi” được lãnh nhận ngày tôi chịu phép Rửa tội. Vậy “tôi” là ai?
“Tôi” có thể là Giám mục, linh mục, tu sĩ, anh chị em giáo dân, của mọi Kitô hữu… tất cả những con người này đều được mời gọi trở thành những chứng nhân rao giảng tin mừng Chúa.
Vậy nhiệm vụ chính yếu của “tôi” chính là làm sao cho Lời Chúa đến được với anh chị em lương dân. Nếu nói theo thánh Phaolô thì phải là “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4, 2).
Để thực hiện sứ mạng này “tôi” được mời gọi trong ơn gọi của mình trở nên nhân chứng cho Lời Chúa. Chứng nhân trong lối sống, chứng nhân trong tình yêu thương, chứng nhân trong lời giảng dạy, chứng nhận trong cách đón nhận đau khổ. Có thể “tôi” không nói về Chúa nhưng “tôi” có thể đem Chúa đến ở với anh chị em mình, có thể “tôi” không cho họ nghe về Chúa nhưng “tôi” có thể cho họ thấy Chúa qua “tôi”… Một người rao giảng tin mừng phải là một người sống tin mừng.
Áp dụng nguyên tắc của thánh Phaolô trong nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa đó là: Miễn là Lời Chúa được rao giảng (Pl 1, 18). Lời Chúa được rao giảng là chính yếu, Lời Chúa được mọi người nhận biết là điểm đến, người rao giảng (“tôi”) chỉ là dụng cụ, và dụng cụ phải biết cách làm thế nào miễn Lời Chúa được rao giảng.
Xin Chúa cho chúng con luôn biết nhận ra sứ mạng cao cả mà Chúa ban cho là rao giảng Lời Chúa. Xin cho chúng con luôn biết ý thức, biết phấn đấu, biết hy sinh, biết làm tất cả mọi việc để Lời Chúa được rao giảng, và cũng xin cho chúng con biết trở nên bé nhỏ để làm vinh danh Chúa hơn nơi anh chị em.
Dieser Beitrag wurde unter
Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den
Permalink.