TUẦN LỄ CẦU NGUYỆN CHO HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU

Kính thưa ông bà anh chị em,

Những người tin vào Chúa Kitô đã chia rẽ và đang chia rẽ. Đó là một thực tại mà bất cứ triều đại giáo hoàng nào cũng nỗ lực để hàn gắn lại. Chẳng những giáo hội Công Giáo là điều đó mà thôi, nhưng còn nhiều giáo hội Tin lành, và những anh em Kitô hữu khác cùng chung tay trong những cố gắng xoá bỏ những cách biệt, xích lại gần nhau để cùng hướng đến sự hợp nhất toàn vẹn, thực hiện lời cầu xin của Chúa Giêsu “Xin cho họ nên một” (Ga 17,22). Nội hiềm khích vì nhiều lý do: lịch sử, thần học, văn hoá, đức tin…đã khiến thân thể toàn vẹn của Đức Kitô bị chia cách, thậm chí các thành phần còn tìm cách tiêu diệt nhau. Và sự chia cách này còn tiếp tục, trong đó có trách nhiệm của chúng ta. Tội lỗi chung hay của cá nhân đều mang đến sự phân rẽ trong mối tương quan với Thiên Chúa, với chính mình và với nhau.

Một trong những nỗ lực đi tìm sự hiệp nhất mang lại hiệu quả nhất là cùng nhau cầu nguyện cho hiệp nhất. Từ gần 100 năm nay, đặt biệt từ sau công đồng Vaticano thứ hai, tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu vào đầu năm mới, là một nỗ lực với sự cộng tác của nhiều giáo phái Tin Lành và giáo hội Công Giáo. Mỗi năm thường được tổ chức vào ngày 18 đến ngày 25 tháng 1, ngày mừng kính thánh Phaolô trở lại, với một chủ đề Kinh Thánh cho tuần cầu nguyện. Chủ đề của năm nay là: “Giao hoà – Tình yêu của Chúa Kitô thúc bách tôi” (2Cor. 5,14-20). Chủ đề và tài liệu cho tuần cầu nguyện năm nay có hai điểm nhấn: trước tiên là suy tư về những quan tâm của các giáo hội nhân kỷ niệm 500 năm ngày Martin Luther phát động cuộc cải cách Tin Lành, và thứ đến là thừa nhận những đau đớn do sự chia cách này gây ra làm tổn thương và đổ vỡ sự hiệp nhất trong giáo hội. Tất cả những hướng suy tư này đều nhắm đến việc tìm ra con đường và giải pháp cho việc hoà giải. Chủ đề kinh thánh cho tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất của năm 2017 nhấn mạnh rằng sự giao hoà là ân huệ của Thiên Chúa, cho toàn thể mọi thụ tạo. “Ấy vì chính Thiên Chúa là Ðấng trong Ðức Kitô mưu cuộc giảng hòa thế gian với chính mình Người, không còn đếm xỉa đến các lỗi lầm của họ, và đặt trên chúng sứ mạng loan báo ơn giảng hòa. (c.19).

Vì thế , những ai đã được giao hoà trong Chúa Kitô được mời gọi loan báo sự giao hoà trong lời nói và hành động “Tình yêu của Chúa Kitô thúc bách Đoạn kinh thánh 2 Cor 5,14-20, gợi lên những suy tư cho tám ngày trong tuần lễ cầu nguyện này, với những điểm nhấn về thần học và suy tư của từng câu, được phân chia như sau:

  • Ngày 1: Một Người chết cho mọi người

  • Ngày 2: Không còn sống cho chính mình nữa

  • Ngày 3: không nhìn người khác theo quan điểm con người

  • Ngày 4: Mọi sự xưa cũ đã qua đi

  • Ngày 5: Mọi sự đã nên mới

  • Ngày 6: Chúa đã giao hoà chúng ta với Ngài

  • Ngày 7: Thừa tác vụ giao hoà

  • Ngày 8: Giao hoà với Chúa

Dĩ nhiên là hành động giao hoà phải được thực hiện song song với lời cầu nguyện cho hiệp nhất. Hành động giao hoà trước tiên phải xuất phát từ chính mình, từ trong gia đình mình. Như mẹ Têrêsa đã nói: “Bạn có thể làm gì để xây dựng hòa bình thế giới? Hãy về nhà và yêu thương gia đình của mình.” Cũng vây, bạn có thể làm gì để giao hoà và hiệp nhất? Trước tiên hãy giao hoà và hiệp nhất trong gia đình mình. Cùng với việc gia tang dâng thánh lễ, cầu nguyện, chúng ta cũng tăng thêm việc hãm mình và làm việc bác ái để cầu xin cho sự hiếp nhất mà chính Chúa cũng tha thiết cầu xin.

Nguyện xin Chúa, qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, tuôn đổ hồng ân giao hoà cho tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm nay, để nhiều người được an bình, những bức tường ngăn cách bị phá đổ, và mọi người được tình yêu của Chúa Kitô thúc bách để giao hoà với Chúa, với nhau , và với chính mình.

Kính mến

Lm. Antôn Bùi Kim Phong

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.