Nối Trời với Đất: Thứ bảy sau Chúa Nhật III mùa Vọng

 Buổi sáng(15 phút).
1) Mở đầu với Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
2) Thinh lặng cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.
3) Đọc chậm rãi bài suy niệm gợi ý.

Lửa đem lại sự bình an.

„Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi“ (Ga 14, 27).

Ôm ấp sự bình an vào lòng, Bạn cảm thấy sao? Sự bình an mà chúng nhận được từ Đức Kitô không phải là sự bình an của thế gian, nghĩa là không theo nghĩa loài người, không tương hợp với suy nghĩ và sự chờ đợi của con người. Chúng ta hãy nghe lại lời của Đức Kitô ở trên. Làm sao hiểu tường tận lời của Đức Kitô? “Hai lời này cần phải được liên kết với nhau, để ý nghĩa của lời Chúa được tỏ hiện. Chúa Kitô là Đấng đem lại bình an. Theo thiển ý của tôi, thì đây là một từ ngữ vượt trội. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể hiểu đúng sự bình an mà Đức Kitô mang lại, khi chúng ta không nhìn sự bình an này quá tầm thường như là một sự giả vờ an ủi nỗi đau, hay giả vờ đem lại sự hòa bình giả tạo vào trong Sự Thật và trong những lúc tranh luận… Sự bình an của Đức Kitô mang lại sẽ lấy đi tất cả những giả tạo gian dối của chúng ta. Sự bình an này sẽ lôi chúng ta ra khỏi sự an nhàn và đưa chúng ta vào trong một cuộc chiến đấu, vào trong đau khổ để đi tìm Chân Lý. Chỉ như vậy, thì sự bình an chính hiệu mới có thể xuất hiện tỏ tưởng trước sự bình an giả hiệu” (Joseph Ratzinger, Gott und die Welt)..

Sự bình an của Đức Kitô đem lại, một cách nào đó chứa đựng sức thiêu đốt của Lửa, như chính Ngài đã nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!“ (Lc 12, 49). Lửa này sẽ cháy bùng lên. Origines cũng đã trích dẫn một lời của Chúa Giêsu trong sách ngụy thư: “Ai đến gần Ta, là đến gần với Lửa“. Như vậy, ai đến gần với Đức Kitô, thì người đó phải sẵn sàng tự nguyện cho lửa đốt chính mình. Nhưng lửa này sẽ không thiêu trụi và phá hủy, mà làm cho sáng tỏ, đem lại sự thanh luyện và sức chữa lành, giúp tìm lại sự tự do và tình yêu. Như vậy, sống đời Kitô hữu là một cuộc phiêu lưu, đồng ý và tin tưởng vào sức mạnh của Lửa. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể nhớ lại một vài nhân vật đã được Lửa của Đức Kitô thanh luyện. Đó là Gia-kêu, là Maria Mác-đa-la, là Phêrô môn đệ thân tín của Chúa. Ngày hôm nay là Phan-xi-cô Assisi, I-Nhã thành Loyola, Charles de Foucault, Edith Stein….

Còn rất nhiều Anh Chị Em khác nữa. Cũng có thể trong số đó có cả chúng ta.
Nhìn lại chính đời sống của mình, chúng ta tự hỏi xem mình cần có Lửa của Đức Kitô không? Chỗ nào trong cuộc sống, và trong con người mình cần được soi sáng cho tỏ tường hơn, được thanh luyện cho vững chãi hơn, và nói mạnh hơn một chút, được đốt đi thực sự, để chúng ta được tái sinh, được trở về với Chân Lý, để chúng ta mừng Chúa Giáng Sinh.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

4) Thinh lặng suy niệm và rút ra một lời một ý tưởng để sống trong ngày. Tâm sự với Chúa để kết thúc phần suy niệm buổi sáng.

 Buổi tối(15 phút trước khi nghỉ đêm).
5) Cuối ngày trước khi đi ngủ dành 15 phút để nhìn lại: Bài cầu nguyện hôm nay đã đi với tôi và đã giúp tôi như thế nào? Tôi có khó khăn gì trong cầu nguyện? Có thể tôi chưa thấy bài cầu nguyện giúp tôi trong ngày sống. Nếu vậy thì tại sao? Tôi có chú tâm và ý thức đủ để “dành một chỗ” cho bài cầu nguyện ở trong lòng tôi và trong ngày sống của tôi chưa?
6) Viết lại một vài hàng (tối đa nửa trang A4) về hoa quả mà tôi nhận được trong ngày sống cầu nguyện hôm nay.
7) Cám Ơn Chúa về những hồng ân trong ngày, và xin Chúa thứ lỗi về những yếu đuối. Xin Chúa ban thêm sức mạnh và bình an để nghỉ đêm và bắt đầu ngày sống mới.

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.