Thầy để lại bình an cho anh em…

Nằm trong khung cảnh bữa Tiệc ly và tiếp tục những nhắn nhủ trong diễn từ ly biệt, lần này, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về sự “ra đi” của mình. Chúa Giêsu đi về với Chúa Cha, điều đó thật rõ ràng, nhưng đối các môn đệ thì không đơn giản hiểu rõ như vậy. Chính vì thế, để các môn đệ khỏi ngỡ ngàng trước những gì sẽ xảy ra, Chúa Giêsu đã cho các ông biết trước những điều quan trọng sẽ đến khi sự hiện diện cách thể lý của Người không còn nữa. Đó chính là sự hiện hiện của Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, Bình an của Chúa Kytô và lòng yêu mến của Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến Người.

Khi Chúa Giêsu ra đi, trở về với Chúa Cha, khi không còn sự hiện diện thể lý của Người ở trần gian này, Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần sẽ đến thay thế, sẽ hoàn tất mọi sự trong công trình cứu rỗi nhân loại. Có thể nói, bất ngờ đến độ hụt hẫng của các môn đệ khi nghe Chúa Giêsu loan báo sự ra đi để trở về cùng Chúa Cha bao nhiêu thì các ông lại cảm thấy được an ủi vỗ về bấy nhiêu khi hay tin chính Chúa Thánh Thần – người thay thế Thầy mình, sẽ đến dạy dỗ và đồng hành cùng các ông. Sau khi Chúa Giêsu về trời, công việc của Chúa Thánh Thần được khai mở và công việc của Người thật rõ ràng như Chúa Giêsu đã từng loan báo: “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”. Có thể nói, những gì Chúa Giêsu đã rao giảng, những việc Chúa Giêsu đã làm, các môn đệ chưa thể hiểu thấu, chưa nắm bắt trọn vẹn thì nay, công việc của Chúa Thánh Thần là tiếp tục hướng dẫn, dạy dỗ và giúp các ông hiểu cách thấu đáo những ý nghĩa của lời rao giảng và việc làm đó của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu trở về cùng Chúa Cha không có nghĩa là Người “thay ca”, hết trách nhiệm, không còn liên đới gì với các môn đệ cũng như với thế gian này nữa. Trái lại, Chúa đã hứa sẽ “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20b), sẽ đồng hành với các môn đệ, với Giáo hội trên mọi nẻo đường. Cách thức Chúa “ở cùng” đó chính là sự Bình an của Người. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Chúng ta có thể hiểu bình an ở đây không thuộc lãnh vực tự nhiên, tức không phải là sự yên ổn hay tình trạng không có hận thù, chia rẽ; cũng không phải tình trạng của con người không còn bị dằn vặt, khổ đau hay sảng khoái vui tươi, đầy đủ về phương diện vật chất,… mà đây chính là sự bình an trong tâm hồn, một sự bình an trong tương quan hướng về Thiên Chúa và hướng đến tha nhân trong tình yêu. Như thế, bình an ở đây chính là sự bình an của người công chính, sự bình an của lòng cậy trông, tín thác vào Thiên Chúa giữa muôn vàn khó khăn gian khổ ở đời.

Có bình an của Chúa Kytô, có sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, điều đó thật rõ ràng, vấn đề ở chỗ chúng ta có biết đón nhận những ân huệ nhưng không mà Thiên Chúa ban tặng để làm nảy sinh hoa trái trong đời sống hiện tại hay không, tất cả đều nằm trong tầm tay của chúng ta. Thật vậy, khi chúng ta biết đón nhận nhận bình an từ chính Chúa Kytô, biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, hiệu quả tất yếu sẽ làm nảy sinh trong tâm hồn chúng ta chính là lòng yêu mến. Lòng yêu mến thúc bách chúng ta không chỉ tuân giữ những giáo huấn Chúa Giêsu, thực thi công bình bác ái, mà còn biến đời sống, tâm hồn chúng ta trở nên “đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa” ngự trị. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Như thế là, cách thức Ba Ngôi Thiên Chúa nói chung và Chúa Kytô Phục sinh nói riêng hiện diện trong mỗi người chúng ta không phải vì chúng ta mang danh kytô hữu, quyền cao chức trọng trong giáo hội hay xã hội, giàu sang phú quý được nhiều người nể vì,… mà chính là mức độ chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Khi chúng ta yêu mến Chúa Kytô và tuân giữ lời Người, một điều chắc chắn là tâm hồn chúng ta sẽ là nơi ngự trị của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ước gì Lời Chúa ngày hôm nay trở nên niềm vui bình an cho chúng ta và ước gì trọn cuộc sống, tâm hồn mỗi người chúng ta sẽ là ngôi đền thiêng liêng cho Ba Ngôi Thiên Chúa trong đó tình yêu của Chúa Cha, bình an của Chúa Kytô Phục sinh và ơn thông hiểu của Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta trở nên con cái Chúa ngày một thuần thành hơn.


Tác giả: Lm. Jos Phạm Ngọc Ngôn

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.