Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha

Philipphê hôm nay xin Chúa Giêsu một điều rất chân thành: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”. Có lẽ không chỉ một mình ông đâu, vì cái thắc mắc muốn biết rõ nguồn gốc của Thầy mình, nhằm để tạo một tương quan đã nằm trong tiềm thức của các ông xét về mặt con người, còn về mặt tâm linh thì cái thao thức được thấy Cha là một ao ước trọn lành đến độ Philipphê cho là: “đã đủ cho chúng con rồi”. Thế nhưng, sự trao đổi giữa Chúa Giêsu và các môn đệ không đơn thuần giải đáp nhằm thỏa mãn tính tò mò, mà là một bài thần học mà Chúa Giêsu muốn tỏ rõ về sự liên quan giữa Ngài và Cha chỉ là một. Chúa Giêsu không muốn lý giải cao siêu như các thần học gia sau này lý giải, mà đơn giản chỉ muốn nói cho các ông hiểu Ngài đã đi xuống trần gian cũng là để dẫn chúng ta đi lên với Cha. Ngài là con đường để về với Cha, và Ngài là hiện thân tình yêu của Cha. vậy tất cả cái gì mà Ngài đang có, đang hiện diện, đang hành động là làm trong hiệp nhất với Cha, cho nên, có Ngài đang ở cùng là quá đủ rồi. Cái thấy Cha ở đây được Chúa diễn tả như là hạnh phúc viên mãn tột cùng. Có nhiều người đã thấy Chúa Giêsu rao giảng, làm việc, chữa lành, nhưng họ không thấy Cha, bởi cái nhìn hạn hẹp đóng kín họ vào trong cái nhìn thuần trần gian. Thế nhưng, với các tông đồ, Chúa muốn cái nhìn đó không giới hạn, mà xuyên thấu vào cốt lõi chân lý mà Chúa Giêsu luôn tỏ lộ cho các ông. Vì thế, câu hỏi có vẻ ngờ nghệch đó của Philípphê không làm Chúa buồn, Chúa như thấu cảm được nỗi lòng của các môn đệ, Ngài mời gọi các ông củng cố đức tin, một đức tin không do lý luận mà do yêu mến, sẽ làm cho các ông hiểu, biết và thực thi lời của Đấng là hiện thân của Cha.

Chúng ta cũng thế, trong một cách nhìn nào đó về Thiên Chúa, chúng ta cũng khao khát muốn biết, nhưng khổ cái là chúng ta chỉ muốn biết do thỏa mãn tò mò nhiều hơn. Thật thế, dân ta mà nghe nơi nào có phép lạ chẳng hạn, chẳng gì ngăn nổi bước chân họ, có người quanh năm ngày tháng nhà thờ bên cạnh chẳng ngó ngàng gì tới, thế mà chỉ cần đâu có phép lạ thì y như rằng có mặt để khấn nài xin ơn. Cũng có nhiều người chúng ta chỉ biết mình đã được rửa tội, còn chuyện sống đặc ân đó ra sao thì miễn bàn. Điều đó chứng tỏ rằng, cái biết của chúng ta rất giới hạn. Tuy nhiên, để biết và đi đến yêu mến đòi chúng ta nhiều điều, từ cầu nguyện, học hỏi, lắng nghe giáo huấn, đến cố gắng, chuyên cần đọc Kinh Thánh. Thế nhưng, người Kitô hữu chưa có thói quen đọc Kinh thánh nói chi chuyện nghiềm ngẫm. Người ta sợ mất thì giờ khi tham dư Thánh lễ, tĩnh tâm, vv nhưng sẵn sàng phung phí vào những chuyện vui chơi mà lại không cảm thấy mất thời giờ chút nào. Như vậy, chuyện thấy Chúa Giêsu với chúng ta thật lơ mơ và thấy Chúa Cha thì quả lờ mờ. Câu chuyện tin yêu, mến Chúa và thực hành lời Chúa chính là cốt lõi để chúng ta thấy Chúa. Điều này là chuyện dễ làm nhưng vẫn còn thiếu nơi đời sống đạo của chúng ta. Phải chăng hôm nay Chuá đang nhắc nhớ chúng ta ý thức hơn,

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết Chúa, để rồi chúng con biết chúng con, xin đừng để chúng con hời hợt và quên lãng tình Chúa, nhưng luôn khao khát và say mê tìm Chúa. Amen.

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.