“Khi vào Giêricô, Chúa Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Chúa Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Chúa Giêsu, vì Người sắp đi qua đó.
Khi Chúa Giêsu tới chỗ ấy thì Người nhìn lên và nói với ông: ‘Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!’ Ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: ‘Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!’
Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: ‘Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.’ Chúa Giêsu mới nói về ông ta rằng: ‘Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.’ ” (Lc 19, 1-10)
* * * * *
Dakêu là một người thu thuế rất mực giàu có. Ông đã làm giàu, chủ yếu bằng cách khai thác người nghèo vô phương chống trả. Xét về nhiều phương diện, ông không phải là một con người tốt! Có lẽ ông là người bị oán ghét và khinh miệt nhất ở nơi thành phố Giêricô. Ông đã bị xoá tên khỏi sổ bộ và được xem như “một kẻ không ra gì”. Khi người nào đi chung với ông thì chỉ dơ danh xấu tiếng mà thôi.
Vào thời điểm đó, người La-mã chiếm cứ đất nước Do-thái. Họ đã cai trị với bàn tay sắt. Bất cứ người nào tỏ dấu bất đồng quan điểm hay bất tuân lệnh hành chánh, lập tức sẽ bị đè bẹp. Một đạo quân chiếm đóng phải được duy trì và yểm trợ.
Người La-mã thu thuế theo một hệ thống đánh thuế bất công. Phải thu thuế bằng mọi cách. Đối với bất cứ người La-mã nào, công việc thu thuế làm hạ nhân cách của mình. Vì thế những người thu thuế được tuyển dụng từ cộng đồng địa phương. Luôn luôn có những người muốn hợp tác với kẻ thù.
Một khi người La-mã nhận đủ tiền thuế thu được, họ không quan tâm tới việc những thuế phụ thu do những người thu thuế đặt để ra. Toàn bộ hệ thống đó đã mở cửa cho việc lạm dụng, lộng hành và Dakêu cùng với những người đồng loại đã lạm dụng hệ thống đó để bóc lột chính dân tộc mình hầu trở nên giàu có.
Báo oán
Chúa Giêsu đi ngang qua thành phố đó. Cả nước đều bàn tán về Ngài. Ngài là một khuôn mặt nổi tiếng trong nước, chẳng khác nào một minh tinh. Ai nấy đều muốn thấy Ngài. Các đường sá thành phố Giêricô kẹt cứng.
Việc ông Dakêu lẫn lộn vào đám đông chỉ tạo nên rắc rối. Thật vậy, ông là một người bị để ý. Chúng ta có thể hình dung ông Dakêu đang cố gắng len mình vào trước đám đông để nhìn xem Chúa Giêsu đi ngang qua. Ông đang bị xô đẩy, bị hích khuỷu tay, bị kháng cự và bị lăng mạ sỉ nhục.
Tuy nhiên ông đã có can đảm chịu đựng sư liều lĩnh tuyệt vọng. Ông tự tách mình ra khỏi đám đông và leo lên một cây sung nổi bật ở xa xa cuối đường. Nơi đó có thể cung cấp cho ông một tầm nhìn thoáng đãng.
Khi Chúa Giêsu đến gần cây sung, Ngài dừng lại. Dakêu ngạc nhiên. Chúa Giêsu nhìn lên. Dakêu càng ngạc nhiên hơn nữa. Chúa Giêsu kêu ông bằng chính tên của ông. Dakêu kinh ngạc. Ai đã nói cho Chúa Giêsu biết tên của ông và làm thế nào Ngài biết ông đang ẩn núp? Bốn con mắt gặp nhau và người này nhìn người kia chằm chằm.
Tôi mong muốn bạn ghi nhận điều gì Chúa Giêsu và ông Dakêu đã thấy. Trước khi gặp Chúa Giêsu, ông Dakêu nghĩ mình là người giàu có. Giờ đây, ông thấy mình nghèo nàn đến mức nào. Trước đây ông tưởng mình có hết mọi sự. Bây giờ ông thấy mình không có gì đáng giá thật sự.
Đó là thời điểm của sự thật. Ông nhận ra sự phung phí ghê gớm đối với cuộc sống của mình và sự phá sản của địa vị mình. Đôi mắt ông đã mở ra và ông đã la lên: “Chúa ôi! Con đã điên rồ đến mức nào!” Ông đã nhận thấy điều tai hại mà ông đã làm cho chính mình và cho người khác, chỉ vì ông xu phụ cái tôi mà thôi.
Điều xảy đến cho Dakêu gợi lại cho tôi câu nói sâu sắc của nhân vật Iago trong vở kịch “Othello” của Shakespeare,khi Iago nói về Cassio: “Có một vẻ đẹp trong cuộc sống của ông ta khiến tôi cảm thấy mình xấu xa.” Thật vậy, có một vẻ đẹp nơi Chúa Giêsu đã có khả năng làm cho Dakêu nhận ra sự xấu xa trong cuộc đời mình. Tội lỗi thì xấu xa!
Vẻ đẹp trong đôi mắt người chứng kiến
Chúa Giêsu đã thấy gì? Ngài đã thấy kẻ lừa đảo, kẻ phản bội, người tội lỗi. Ngài đã thấy một con người đang ẩn giấu. Ngài đã nhìn thấu suốt tất cả những trò lừa đảo và tống tiền nơi Dakêu.
Nhưng Ngài cũng thấy một khía cạnh khác nơi con người Dakêu, khía cạnh mà không ai có thể thấy được. Ngài thấy một con người có tiềm năng lớn lao có thể trở nên thiện hảo, một con người sẵn sàng xây đắp một nếp sống mới, một khi được ban cho một vận hội mới. Chúa Giêsu thấy những điều kiện thực tế và những khả năng ở nơi Dakêu.
Chúa thấy ông Dakêu có thể trở nên tốt, dưới quyền lực và ảnh hưởng của Ngài. Chúa Giêsu cho ông một dịp may để xoay chuyển cuộc sống. Công trạng của Dakêu là đã nắm lấy cơ hội mà vươn lên.
Dakêu là ai? Chính chúng ta là những Dakêu! Dakêu ở trong mỗi một người nam và người nữ. Điều gì Chúa Giêsu đã làm cho Dakêu hôm qua thì Ngài cũng có thể làm cho chúng ta hôm nay, nếu chúng ta để cho Ngài tự do hành động. Thiên Chúa là như thế đó! Ngài luôn luôn cho chúng ta một vận hội mới, một khởi đầu mới, một niềm hy vọng mới.
Ngài thấy những gì ẩn giấu dưới dáng dấp bề ngoài của chúng ta và thấy sự thiện mỹ ở bên trong cùng sự rộng lượng của tâm hồn chúng ta, tức tiềm năng vươn lên. Ngài thấy không những con người thực của chúng ta là những kẻ tội lỗi đang cần được tha thứ, nhưng Ngài cũng thấy những khả năng nơi chúng ta có thể giúp chúng ta trở nên tất cả những gì Thiên Chúa mong muốn.
Một tù nhân bị giam ở trong xà-lim tại Lao Xá Mountjoy đã nói với tôi: “Thưa cha Vincent, con vui sướng vì sẽ được Thiên Chúa phán xét hơn là người đời.” Và tất cả chúng ta đều nói như thế!
Khi chúng ta tiếp cận với một người nào và xem họ như một con người đáng kính trọng, khỏi phải nói ra là chúng ta có thể khám phá bên trong họ sự thiện hảo dường nào!
Khi nhìn Chúa Kitô, chúng ta thoáng thấy khuôn mặt của Thiên Chúa. Giống như Dakêu, chúng ta có thể bôn ba và phải khó khăn lắm mới gặp được Ngài.
Ít người cảm thấy việc xưng tội là dễ dàng, nhưng chúng ta biết điều đó có hiệu lực. Chúng ta không bị đè bẹp. Thật ra, điều ngược lại mới xảy ra. Chúng ta được kéo lên để cố gắng vươn tới lần nữa.
Khi Chúa tha thứ thì Ngài tha thứ thật, không miễn cưỡng, nhưng hoà nhã ân cần. Đối với Thiên Chúa, Ngài tha thứ chỉ vì thiện ý. Ngài đối xử với chúng ta như thể chúng ta không bao giờ bỏ Ngài mà đi xa.
Tác giả: Vincent Travers