ANH EM LÀ BẠN HỮU THẦY

Thấy người sang bắt quàng làm họ”. Câu nói bình dân của người Việt Nam này hàm ý chế nhạo những kẻ chỉ thích nổi nang, khoe khoang dựa vào thế giá, danh tiếng và địa vị của kẻ khác.

Bạn đã được bắt tay Đức Giáo Hoàng chưa? Bạn đã được ngài mời vào Vatican dùng bữa và trò truyện thân mật được mấy lần rồi? Nếu có thì bạn có nên tự hào và cho rằng mình là bạn của Đức Giáo Hoàng không?

Bạn đã được tổng thống Mỹ mời vào Bạch Ốc để tâm sự, tham khảo ý kiến, và dùng cơm thân mật lần nào chưa? Nếu có bạn có thể tự hào và cho rằng mình là bạn thân của tổng thống Hoa Kỳ không?

Bạn đã được nhà tỷ phú Bill Gate mời đến nhà riêng dùng cơm tối, và chuyện vãn thân mật lần nào chưa? Nếu có thì bạn có thể tự hào và cho rằng mình là người bạn thân của nhà tỷ phú giầu có nhất thế giới không?

Có thể bạn và tôi không được những cái may mắn và vinh dự trên, nhưng giả dụ nếu được dùng cơm với Đức Giáo Hoàng, được mời vào Bạch Ốc trao đổi và trò truyện với Tổng Thống Hoa Kỳ; hoặc được Bill Gate mời đến nhà riêng, hay xuống du thuyền của ông ăn cơm và nói truyện, cũng chưa hẳn bạn là bạn của những vị ấy.

Nhưng tôi bảo đảm với bạn rằng tôi có một người bạn còn giầu có hơn Bill Gate, quyền uy hơn Tổng Thống Hoa Kỳ, và tuyệt vời hơn cả Đức Giáo Hoàng kia. Người bạn ấy là Giêsu Nazareth, hay còn gọi là Đức Giêsu Kitô, Cứu Chúa nhân loại. Điều hãnh diện hơn ở đây, là tôi được đích thân Đức Kitô mời và mong được làm bạn với tôi, chứ không phải tôi mong tìm kiếm vinh dự ấy: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ mình làm. Nhưng thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe nơi Cha thầy, thì thầy đã cho anh em biết” (Gioan 15:15). Hơn thế nữa, chính Đức Kitô đã đề nghị tình bạn này với tôi: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng thầy đã chọ anh em” (Gioan 15:16).

Tâm lý sống thường ngày có một điều xem như nghịch lý nhưng vẫn thường xẩy ra, đặc biệt trong lãnh vực tình cảm. Đó là người thích mình, mến mình, và yêu mình thì mình lại hay lơ là và coi thường. Ngược lại, người mà mình thích, mình mến, và mình yêu lại đối xử với mình xem như lạnh nhạt và thờ ơ.

Áp dụng những nhận xét về mối tương quan tình cảm trên vào tình yêu và tình bạn của Chúa Giêsu với những Kitô hữu, chúng ta cũng có một cảm nhận tương tự. Trong khi Satan, ma quỉ, và thế gian rất tàn bạo, độc ác với linh hồn và cuộc sống con người, thì con người lại hăm hở chạy theo, tìm kiếm, và thao thức mong cho được làm bạn. Ngược lại, Thiên Chúa và Đức Kitô tốt lành, thương yêu con người vô cùng muốn được làm bạn với con người thì lại bị con người từ chối, xa tránh. Phải chăng bì làm bạn với Chúa Giêsu thì không được đời kính trọng, nể vì. Không giầu có và sang trọng. Không được đa mê, dâm dật. Phải tiết độ, phải nhân từ, và phải trong sạch. Những điều này, con người cho là“thánh giá” và “thử thách”.

Một hôm Thánh Têrêsa D’avila và một vài nữ tu trên đường đi thăm một đan viện. Khi đi ngang qua một sườn núi hẹp, bỗng mây đen bao phủ, sấm chớp đùng đùng nổi lên, và mưa rơi, gió rít rất sợ hãi. Con lừa chở đồ sợ quá nhẩy chồm xuống vực thẳm, khiến Thánh Têrêsa và các nữ tu phải vất vả lắm mới lôi nó lên được. Vừa tới nu viện, Thánh Têrêsa liền vào ngay nhà nguyện, đến trước Thánh Thể và hỏi Chúa Giêsu một câu:

•        Sao Chúa đối xử với bạn hữu Chúa như vậy?

•        Vì ta muốn thế!

•        Thảo nào mà ít bạn. Thánh nữ đáp lại.

Đó là cách thức và hình ảnh mối tương quan bạn hữu giữa Chúa Giêsu và linh hồn. Nó không hào nhoáng, hãnh diện và được đời trọng dụng. Nhiều khi lại bị thua thiệt và liều mình mất mạng. Khác với tình bạn và tương quan tình bạn thế gian, nhất là tình bạn giữa Satan và con người, giữa con người và những đồ đệ của thế gian.

Nhưng như Chúa Giêsu đã nói, Ngài muốn chúng ta trở thành bạn hữu Ngài, vì chính Ngài đã chọn, và đề nghị tình bạn ấy: “Thầy đã chọn anh em và sai anh em đi để mang lại hoa trái, và để hoa trái ấy được tồn tại” (Gioan 15:16).

Vậy hoa trái đây là gì, nếu không phải là tình bạn thắm thiết giữa ta và Ngài. Nếu không phải là đức ái thực hành do việc thực hiện ý muốn của Ngài. Nếu không phải là những việc làm, qua đó chúng ta trở thành nhân chứng sống động và đích thực của tình yêu Ngài. Những hoa trái này được Chúa Giêsu coi là quan trọng và cần thiết vì nó nói lên tình bạn giữa chúng ta với Ngài Hai người thân và mến nhau thì luôn tìm cách làm vui lòng nhau. Không những thế, cả Chúa Cha trên trời cũng hài lòng và thỏa mãn về mối tình bạn này.

Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu”. Điều này cũng cho biết thêm một chi tiết quan trọng là trước khi Chúa Giêsu chính thức gọi chúng ta là “bạn” của Ngài, thực sự chúng ta chỉ là “tôi tớ”. Không chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa, mà còn là tôi tớ của tội lỗi, của đam mê, và của Satan. Một trạng thái nô lệ không chỉ làm cho con người sống trong tội lỗi, lầm than, mà còn tước đoạt khỏi con người quyền làm con Thiên Chúa, quyền thừa hưởng nước trời. Và khi Chúa Giêsu gọi chúng ta là bạn hữu, cùng một nghĩa, Ngài kêu mời chúng ta và phục hồi danh dự con Thiên Chúa của chúng ta, khiến chúng ta được quyền thừa hưởng nước trời. Trước ân sủng và hạnh phúc lớn lao ấy, Kitô hữu chúng ta phải làm gì?

•        Chúng ta có cho là một niềm vui và hãnh diện lớn lao vì được Chúa Giêsu coi là “bạn hữu” của Ngài không?

•        Chúng ta có trân qúi tình bạn ấy không?

•        Chúng ta có tìm cách thăng hoa tình bạn ấy không?

Ngày tận thế, nhiều người khi thấy Chúa xuất hiện vinh quang cũng sẽ đến nhận họ, nhận bạn. Lúc đó, Chúa Giêsu sẽ nói gì với họ thì Thánh Kinh đã ghi rõ: “Ta không biết các ngươi là ai”. Có nghĩa là Ngài từ chối tình bạn hữu giữa Ngài và họ. Có nghĩa là những người ấy sẽ không được vinh dự thừa hưởng nước trời, nhưng là bị luận phạt. Nhưng đối với chúng ta và những Kitô hữu hằng ngày biết trân qúi tình bạn, và hãnh diện vì được Chúa Giêsu coi là bạn, nhất là tìm cách làm cho tình bạn ấy ngày thêm khăng khít thì chắc chắn chúng ta không sợ câu “thấy sang bắt quàng làm họ”. Vì Chúa Giêsu, đấng đã chọn và đã trao cho chúng ta tình bạn sẽ nhận ra chúng ta, và sẽ hài lòng đón nhận chúng ta vào vinh quang của Ngài.

Trần Mỹ Duyệt (Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ)

 

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.