ÁNH SÁNG THẾ GIAN

Trong những lần giảng dạy của mình, Chúa Giêsu hay đề cập đến cụm từ ‘ánh sáng’ và sự cần thiết của ánh sáng. Trong đoạn Tin Mừng này, Ngài khẳng định rõ ràng: “Tôi là Ánh Sáng”. Và Ngài đề nghị ta bước vào vùng sáng của Ngài qua việc: thấy Ngài, tin vào Ngài, nghe lời Ngài. Đồng thời, Ngài cũng cảnh báo một thứ ‘bóng tối’ có thể cướp mất sự sống đời đời đối với những ai không tin Ngài, không đón nhận lời Ngài.

Ta cần nhìn nhận thực tế hôm nay: trong mọi việc, người ta đang cố tình cắt nghĩa lương tâm cho thật rộng để khỏi phải áy náy điều gì. Cụ thể, chuyện phá thai, bất công, lỗi luật Chúa, lỗi luật Giáo hội… đang được người ta giải thích để không còn là một tội nữa. Ngày nay, người ta đua nhau đấu tranh để được phép làm điều xấu.

Chủ đề ánh sáng là chủ đề lớn trong Tin Mừng Gioan. Ngay từ bài tiền ngôn Gioan đã viết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.” Việc Chúa Giêsu nhập thể cũng như một luồng ánh sáng đến trong đêm tối.

Và rồi sau một thời gian Chúa Giêsu sống với loài người, một số đã đến với Ngài, nhưng một số vẫn từ chối Ngài. Bài Tin Mừng này là phần cuối sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngài nhắc lại: “Ta là sự sáng đã đến thế gian…” Những ai không đón nhận Ngài là tự ý ở trong tối tăm, ấy là án xét xử họ do chính họ tự xử lấy.

Trang Tin Mừng theo Thánh Gioan hôm nay là đoạn cuối của phần kết thúc sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Đoạn văn này còn được gọi là diễn từ kết thúc gồm 7 câu, nhưng các nhà chú giải cuốn sách như được viết vào nhiều thời điểm khác nhau. Tuy vậy, tác giả vẫn lập lại những điểm chính, là đúc kết toàn bộ lời nói và sứ mạng của Chúa Giêsu qua những từ như: Tin, ánh sáng, xét xử. Chúa Giêsu là sứ giả đến từ Chúa Cha.

“Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi”, ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi (c.44-45). Đây là Chúa Giêsu đã khẳng định về mối tương quan mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu. Nếu con người tin vào Chúa Giêsu, tức là tin vào Lời và hành động của Ngài là tin vào Chúa Cha, vì Chúa Giêsu là người thi hành theo thánh ý của Chúa Cha.

Chúa Giêsu còn khẳng định mạnh mẽ là nếu ai nhìn thấy Ngài qua con người bằng xương bằng thịt với những quyền năng của thần linh, tức là đã nhìn thấy Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài. Vì Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Cha và Cha ở trong Ngài.

Ta thấy, trong thánh Gioan trong Tin Mừng của Ngài, Ngài luôn lập đi lập lại những lời ấy, như muốn nhấn mạnh một chân lý và cũng muốn phá vỡ sự cứng lòng của người Do Thái. Những lời ấy là: Hãy tin vào Chúa Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai xuống để cứu độ nhân loại – Hãy biết rằng Cha và Con là một và Người Con luôn làm theo ý của Cha. Hãy tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ là ánh sáng chiếu soi vào đêm tối trần gian, để qui tụ mọi con cái Chúa đang tản mác về hưởng hạnh phúc với Cha trên trời. “Tôi là ánh sáng đến thế gian, bất cứ ai tin vào tôi thì không ở lại trong bóng tối” (c.46).

Những ai tin vào lời Ngài, tin vào hành động cứu độ của Ngài sẽ yêu thích ánh sáng và vui hưỏng ánh sáng ấy. Nơi người đó không còn chỗ nào dành cho bóng tối. Lúc ấy, người đó đã mở rộng lòng tiếp nhận ánh sáng, để ánh sáng tràn ngập tâm hồn và bao phủ lấy cuộc đời họ.

Câu 47 và 48 nói về việc xét xử. Chúa Giêsu khai mở cho chúng ta một bí mật trong tương lai, đó là: nếu nghe Lời Chúa mà không tuân giữ sẽ bị xét xử. Ai xét xử? Chúa Giêsu trả lời là Ngài không xét xử, vì Ngài đến để cứu độ trần gian (x.3,17). Nhưng chính quan tòa là Lời của Ngài sẽ xét xử. Nói đến đây, chúng ta nghĩ đến ‘lương tâm’. Khi ta làm điều ác, điều dữ, lương tâm chúng ta thường không yên ổn, đến độ có người đã đi thú tội trước khi sự thật bị phơi bày. Đó là việc làm, là tiếng nói của lương tâm. Lương tâm luôn thúc đẩy chúng ta “làm lành lánh dữ” và nó sẽ “cắn rứt” khi chúng ta làm điều sai phạm. Đôi khi lương tâm cũng bị “sai lệch” do ý chí điều khiển, nhưng bản chất của lương tâm luôn là ngay thẳng, có tiếng nói trong sạch, chính trực. Vậy: nếu chúng ta không tuân giữ Lời Chúa, thì chính Lời Chúa sẽ cật vấn chúng ta và tự chúng ta cảm thấy có lỗi, có tội khi không sống đúng theo Lời Chúa dạy.

Hai câu cuối của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu như muốn khẳng định về vai trò Thiên Sai của mình: “chính Chúa Cha-Đấng đã sai tôi-truyền lệnh tôi phải nói gì” (c.49). Ngài chỉ là người thừa hành ý Cha “Này con xin đến, để thi hành ý Cha” (Tv 39).

Đó là mục đích Ngài vào trần gian và đó là lương thực của Ngài. Ngài luôn tìm kiếm ý Cha để thực hiện (x.4,34). Ngài biết rõ: Lời của Cha là sự sống đời đời. Nếu tiếp nhận và tuân giữ lời Cha, chúng ta sẽ thừa hưởng hạnh phúc và có một gia tài cao quí trên trời. Vì biết rõ hiệu nghiệm của Lời, nên Ngài đã nói và sống theo lời đó, đồng thời cũng khuyên nhủ chúng ta rằng: Chúng ta không nghe thấy lời xuất phát từ Chúa Cha một cách minh nhiên trực diện, thì những gì mà Ngài nói chính là những điều mà Chúa Cha đã nói với Ngài (x.c.50).

Tin vào Lời Chúa quả là một vấn đề nan giải trong thế giới tục hóa ngay nay, vì con người luôn mãi mê tìm kiếm, tin vào những ngụy thần ảo tưởng. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn tin tưởng những gì mà ta con đang nhìn thấy, đang đụng chạm được… là đưa ta đến hạnh phúc vĩnh cửu. Xin Chúa khai lòng mở trí của ta để chúng con nghe và thực hành lời của Con Chúa.

Tuệ Mẫn

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.