1. Mời dự tiệc tượng trưng cho sự cho. Nhưng giá trị của sự cho tùy vào cho ai và tại sao cho. Người đời thường chỉ cho những ai có thể cho lại mình. Như thế động cơ của sự cho là để được cho lại. Cho như thế không có giá trị bao nhiêu vì thực chất là cho mình chứ không phải cho người. Vả lại dù người ta có cho lại mình thì chỉ cho theo sự tính toán của người ta cũng như mình đã tính toán đối với họ, và chỉ cho những cái trong khả năng hạn chế của loài người.
Chúa Giêsu dạy môn đệ Ngài một cách cho có giá trị cao hơn nhiều: cho những kẻ không có khả năng cho lại, và động cơ chỉ là vì thương nên muốn chia sẻ. Đó mới là cho thực nên mới có giá trị. Vả lại vì người nhận không có khả năng cho lại nên Thiên Chúa sẽ thay họ cho lại ta, và cái Chúa cho thì dĩ nhiên quý hơn cái ta đã cho gấp bội.
2. Ăn chung với nhau còn biểu lộ sự thông hiệp, liên đới. Chúa Giêsu là kẻ muốn thông hiệp liên đới với tất cả mọi người, do đó Ngài không ngại ăn chung với một thủ lãnh Biệt Phái mặc dù hai bên khác quan điểm với nhau (Lc 14,1-6). Ngài cũng không ngại ăn chung với những người tội lỗi (Mt 9,10-13). Trong đoạn Tin Mừng này, người thủ lãnh Biệt Phái đã khá cởi mở khi mời Chúa Giêsu đến ăn chung với mình. Chúa Giêsu khuyến khích ông tiến thêm một bước nữa là hãy hiệp thông liên đới với những người mà địa vị xã hội thấp kém hơn ông bằng cách mời họ cùng ăn uống với ông.
3. “Phần thưởng ai cũng muốn có. Nhưng phần thưởng đến từ đâu và lúc nào, đấy mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta hãy suy tính xem phần thưởng tạm bợ trong thời gian có hơn được phần thưởng vĩnh cửu không? Phần thưởng của anh em có hơn được của Thiên Chúa không? Phần Chúa, Chúa nhắn: “Hãy tìm của Nước Trời trước” (Mt 6,33)
4. “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặc, đui mù. Họ không có gì đáp lễ và như thế ông mới thật có phúc” (Lc 14, 13-14)
Có một nỗi đau quặn thắt trong tôi, khi tôi được tin một người thân sắp bị mù. Có một tình thương len lỏi trong tôi mỗi khi tôi nhìn thấy những người nghèo khó, tàn tật. Nhưng dường như đó chỉ là cảm xúc pha lẫn thương hại. Chưa một lần nào tôi nghĩ đến chuyện phải là một cái gì đó cho họ.
Lời Chúa hôm nay, mở ra cho tôi một tình yêu mới: “Yêu như Chúa yêu,” nghĩa là dám dấn thân cho tình yêu và nhất là không chỉ yêu những người danh giá địa vị, mà cả những người nghèo khó, tàn tật. Tôi nguyện đến với họ để chia sẻ với họ những gì tôi có, cả niềm vui và hy vọng nữa.
Lạy Chúa! Xin cho con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi những người nghèo khó, tàn tật, để con có thể đến với những người anh em đó dễ dàng hơn.
Cha Carôlô
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã Nhập Thể mang lấy thân phận con người. Chúa còn trở nên đồng hình đồng dạng với những người khổ đau, nghèo đói. Xin giúp chúng con luôn nhận ra Chúa nơi tha nhân để chúng con phục vụ nhau như là đang phục vụ cho Chúa.
Lạy Chúa, người đời thường đòi bình đẳng, “có qua có lại mới toại lòng nhau.” Người đời thường đòi “bánh ú đi, bánh dì lại.” Nhưng lòng yêu thương của Chúa luôn vượt qua những toan tính nhỏ bé tầm thường của chúng con. Chúa tạo dựng chúng con từ hư vô. Chúa cho chúng con biết bao ân huệ giữa cuộc đời dương gian. Thế nhưng, Chúa không cần chúng con đền đáp cho Chúa. Chúa chỉ đòi hỏi chúng con hãy lấy tình yêu đó mà đối xử tốt với nhau. Chúa muốn chúng con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng cho đi bằng tình yêu quảng đại và vô bờ bến. Xin giúp chúng con biết sống tinh thần vô vị lợi Chúa dạy. Xin cho chúng con luôn thể hiện tình yêu với tha nhân trong hành động của mình. Xin loại trừ nơi chúng con sự ích kỷ tầm thường. Xin giúp chúng con biết nâng đỡ, trợ giúp nhau trong tình nghĩa anh em con một Cha trên trời.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin cho chúng con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, để chúng con cũng yêu tha nhân là hình ảnh của Chúa như chính mình. Amen
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền