Nguồn gốc lễ này đến từ xứ Gaule (Pháp) ở thế kỷ thứ VI, và xuất hiện tại thành Rôma vào thế kỷ thứ XI. Trước đây trong lịch Phụng vụ ngày 25 tháng 1 là lễ lập Tông tòa Thánh Phêrô, và lễ này hôm nay được đặt vào ngày 22 tháng 2. Việc thay đổi ngày lễ không quan trọng lắm, nhưng cả hai ý lễ đều được giữ lại trong lịch Phụng vụ Công giáo: Phaolô được xem như thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý, còn Phêrô là đá tảng cho Giáo hội.
Sau đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa ngày lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại đến từ biến cố xảy ra trên đường Đa mát. Chúng ta đọc chuyện xảy ra được kể tất cả 3 lần trong sách Công vụ tông đồ nơi các chương 9,1-30; 22,3-21 và 26,9-20.
1. BIẾN CỐ TRÊN ĐƯỜNG ĐA MÁT: PHAOLÔ ĐƯỢC ƠN TRỞ LẠI!
Đó là điều chúng ta thường nghe nói; Một tác giả cuốn sách viết bằng tiếng Việt có tựa đề: «Thánh Phaolô trên đường truyền giáo», đặt tựa cho chương nói về đoạn đời này của thánh Phaolô như sau: «chó sói trở nên chiên lành «. Trước đó, tác giả lại ghi việc Phaolô đi bắt người Kitô hữu bằng cụm từ «con chó sói đói tìm mồi». Tác giả lấy lại những từ này trong các bài giảng về thánh Phaolô của thánh Augustinô. Ở đây, chúng ta cùng nhau suy tư xem Phaolô thực sự trở lại bằng cách nào, có đúng với hình chó sói trở nên chiên lành hay không?
Người nào trung thành theo lề Luật biết rằng họ sống trong tình thương Thiên Chúa. Tình thương này được trao ban cho người công chính, nếu như họ sống trung thành cho tới chết. Thánh Phaolô sẽ thay đổi niềm tin trên nguồn gốc ơn huệ đến từ Thiên Chúa, nhưng ngài không hề thay đổi về vấn đề Lề Luật: một là tuân giữ trọn Lề luật hay là không (Ga lát 5,3): «một lần nữa, tôi xin khẳng định với bất cứ ai chịu phép cắt bì là: người ấy buộc phải giữ trọn vẹn Lề Luật». Thánh Phaolô đã giữ vững niềm xác tín này là ngày sau cùng mỗi người sẽ phải bị ra trước tòa Thiên Chúa: «công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người» (1 Cr 3,13).
Trên một số điều khác, thánh Phaolô lại cắt đứt với phái Pharisêu, như việc chỉ cần kêu gọi ý chí cá nhân để họ có thể từ bỏ tội lỗi. (Ý chí cá nhân: đúng! nhưng cũng phải được ơn thánh nữa, chứ chỉ duy ý chí cá nhân thôi cũng chưa đủ). Thánh Phaolô đã thay đổi tư tưởng trên không theo ý nhóm Pharisêu, khi bàn về vấn đề tội lỗi, nhất là sau khi trải qua biến cố trên đường Đa mát vào khoảng năm 32.
Biến cố này thường được nhiều tác giả thần học, tu đức gọi là trở lại hay hoán cải. Thế nhưng, khi nói hoán cải hay trở lại, bình thường chúng ta kể lại việc một người nào đó đi từ cái xấu qua cái tốt, hay một người nào đó từ bỏ một tôn giáo để vào một tôn giáo khác. Tất cả điều này không đúng lắm áp dụng cho trường hợp thánh Phaolô. Ngược lại, cuộc đời Phaolô cho đến giai đoạn này là một cuộc sống thành công. Ngài là một công dân thế giới, hội nhập đúng theo nền văn hóa đế quốc. Phaolô lại còn là mẫu gương lý tưởng một người Pharisêu: ngài tranh luận rất giỏi, dẫn chứng rõ ràng bằng ký ức Lề Luật Torah, và chú giải Kinh Thánh như một vị rabbi. Chính Phaolô cũng tự nói nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi (Pl 3,6). Đúng vậy, cuộc đời đó không ai có thể trách được. Và hình ảnh một Phaolô thất bại, bị dằn vặt cho mình thiếu thốn và thất bại trước lý tưởng trong sạch đến do lịch sử sau này, với hai nhân vật nổi tiếng là thánh Augustinô vào thế kỷ thứ IV, và ông Martin Luther với Phong trào cải cách Tin Lành ở thế kỷ thứ XVI.
Phaolô không ngần ngại nhận mình đã đạt đến mức cao nhất theo lòng đạo đức Pharisêu, và vì thế ngài đã bách hại Kitô hữu. Kitô giáo thời đó chỉ là một giáo phái bị gạt bỏ bên lề Do thái giáo. Vì vậy, Phaolô đi thành Đa mát để chống lại tư tưởng những người nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai. Và trên đường Đa mát, Phaolô đã bị rớt từ trên cao xuống đất, nhưng không phải rớt từ trên ngựa xuống đất. Trong một số bức họa, chúng ta đã thấy được vẽ như thế. Điều chắc chắn là trong văn bản không nói đến ngựa, nên không có chuyện bị té ngựa! Những bức họa cho thấy việc té ngựa chỉ xuất hiện ở thế kỷ thứ XII, trong thời đại cổ võ các chàng hiệp sĩ. Ở đây, câu chuyện chỉ ghi, bỗng nhiên, giữa giờ ngọ, Phaolô nhận được mạc khải, thật nhanh chóng và toàn diện. Một luồng ánh sáng từ trời bao phủ; một luồng ánh sáng làm ngài mù mắt và mặc lấy hình một tiếng gọi trong tâm hồn. Phaolô ngã xuống đất, nhìn ánh sáng, nghe một tiếng nói bằng tiếng Híp ri: «Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ ta?» (Cv 9,4).
Tất cả bắt đầu với luồng ánh sáng và tiếng nói đó. Luồng ánh sáng làm Phaolô mù mắt, giúp ngài nhìn vào trong tâm hồn, đưa ngài mượn con đường «của Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô» (2 Cr 4,6). Tiếng nói mạnh mẽ hơn lề luật cha ông, cũng như những khí giới của người đi bách hại. Một tiếng nói «sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi» (Dt 4,12).
Tiếng gọi vang dội trong thân thể Phaolô ngả nghiêng, một tiếng gọi nhưng không và chính Thiên Chúa là tác giả. Phaolô cảm nhận từ giây phút đó một sự hiện diện không diễn đạt được, thấy ẩn hiện hình hài một khuôn mặt tranh tối tranh sáng. Phaolô đáp lại tiếng nói bằng câu trả lời: «Thưa Ngài, ngài là ai?». Và tiếng Nói đáp trả: «Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ» (9,5). Tất cả đã được nói lên. Đức Giêsu bị đóng đinh vẫn còn sống động trong con người của Têphanô, trong những người Kitô hữu đang rao giảng về sự sống lại. Và Phaolô nhận thức mình đã bách hại Người khi mình đi bách hại những người đó. Tâm hồn Phaolô tỉnh thức về Đức Kitôâ. Và giờ đây cả hai chỉ còn là một trong cùng một tình yêu: «Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người» (1 Cr 6,17).
Qua dấu chỉ ánh sáng và tiếng nói, Phaolô đi từ đêm tối về tới ánh sáng. Toàn thân ngài nhảy mừng và cảm nhận Thiên Chúa hành động trong mình. Phaolô bị Đức Giêsu, Đức Kitô, Đấng Thiên Sai, Đấng được xức dầu, Đấng là lẽ Sống và là Con Thiên Chúa nắm lấy, và từ đó Phaolô quả quyết: «vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi» (Ph 1,21). Phaolô sẽ yêu Đức Kitô Giêsu hết tâm hồn, và phục vụ cho Người. Giờ đây Phaolô gắn bó vào Đức Kitô như thể gắn bó vào một cuộc hôn nhân thiêng liêng cho đến ngày Phaolô được nhìn thấy Người tận mắt: «mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi» (1 Cr 13,12).
Tất cả những niềm tin Phaolô mang trong lòng bị vất rơi rụng từ trên cao xuống đất. Phaolô phải kết tụ lại và phải xây dựng lại tất cả. Ngài phải định lượng lại một các khác hẳn. Giờ đây, Phaolô nói về Thiên Chúa không phải học từ kẻ khác, nhưng Thiên Chúa đã thuộc cho riêng ngài.
2. PHAOLÔ: NGƯỜI CHỨNG PHỤC SINH.
Phaolô con người mang hai nền văn hóa trong mình. Phaolô người con Ítraen, Pharisêu toàn thiện, người yêu chuộng, si tình Lề Luật và tự cho mình như người giữ cửa cái trong sạch cho dân chúng. Phaolô người dân thành Tác xô, được dạy để tranh luận và đọc diễn từ, một nhà trí thức cao rộng. Thế nhưng, con người đó một ngày đã bị Chúa Kitô bắt giữ.
Như chúng ta lược sơ qua phần trên, chưa bao giờ Phaolô nói ngài bị thất bại vì lòng đạo đức theo Pharisêu. Trong thư gửi Ga lát, Phaolô còn khẳng định: «Trong việc giữ đạo Do thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông» (Gl 1,14). Vì vậy, nếu sự hoán cải chỉ là trở lại từ cái xấu qua cái tốt, từ cái thất bại đi đến thành công, thì điều đó không đúng với trường hợp Phaolô. Ngài không thất bại. Phaolô trên đường đi Đa mát chỉ để đánh đuổi những kẻ mang danh Kitô hữu, nhưng chính Phaolô cũng nhận định việc đó như sau: «nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi, vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô» (Pl 3,7-8). Vậy nghĩa là làm sao: Phaolô khám phá ra sự thành công xưa nay đưa ngài rời xa Thiên Chúa thay vì kéo ngài về gần đến bên ngài hơn.
Đó là sự Phaolô trở lại ly kỳ, sự cắt đứt trong cuộc sống làm đảo lộn những giá trị. Vì vậy, nếu nói hoán cải thì chính Thiên Chúa đã hoán cải Phaolô. Hoán cải không vì Phaolô chán chường với lối sống đạo đức Pharisêu hay chối bỏ Lề Luật Thánh Do thái giáo, nhưng điều làm cho Phaolô trở lại chính là Thiên Chúa. Từ đây, Phaolô được hướng dẫn một cách khó khăn, để mở rộng cái nhìn mới về Thiên Chúa. Điều gì trước đây đúùng trở thành sai, và xưa kia sai nay là đúng. Những lá thư Phaolô viết tiềm ẩn câu chuyện thiêng liêng bị gãy đôi. Và trước khi viết hay nói ra những lời đó, Phaolô đã ghi khắc vào da thịt mình.
Cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu trên đường Đa mát ghi lại trong người Phaolôâ như một biến cố chỉ đạo. Phaolôâ được soi sáng, và biến hình mãi mãi. Phaolôâ múc lấy từ nơi biến cố đó như múc nguồn suối làm vang lên trong tâm hồn nước hằng sống hy vọng. Đó là một kinh nghiệm huyền bí gợi lại những biến cố thần hiện đã xảy ra trong Cựu ước, như Thiên Chúa mạc khải cho tổ phụ Ápraham, Môsê, cho ngôn sứ Samuel, và Elia bằng cách gọi tên từng người một. Phaolô đặt cuộc gặp gỡ này trong những lần Đấng Sống Lại đã hiện ra cho các môn đệ. Phaolô tự cho mình là người chứng cuối cùng của biến cố Phục Sinh. Ngài truyền đạt lại những gì đã lãnh nhận, những gì đã thấy tức là Đức Kitô «đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các tông đồ. Sau hết, Người cũng hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non» (1 Cr15,6-8).
Biến cố trên đường Đa mát là một cuộc gặp gỡ cá nhân với Đấng Sống Lại, một kết hiệp huyền bí với Đức Kitô được biểu lộ bằng sự thay đổi cuộc sống hơn là một lật đổ những giá trị. Kinh nghiệm này tựa như cuộc kết hợp biến đổi trong Đức Kitô, cho nên từ giờ trở đi mọi sự trước mặt Phaolô dường như đều mất lợi «vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô» (Pl 3,8). Điên dại vì Đức Kitô, Phaolô xác định với người Côrintô: «tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa» (1 Cr 3,22-23).
Biến cố trên đường Đa mát là kinh nghiệm mầu nhiệm Phục sinh. Qua đó, Phaolôâ khám phá những hiệu quả hành động Thiên Chúa trong ngài. Phaolô tự mình truất quyền sở hữu để chỉ nhắm vào Đức Kitô. Ngài chấp nhận mất tất cả hầu được Đức Kitô. Phaolôâ, con người hoàn toàn trong việc thực thi lề luật, vững vàng trong sự thật, đã trở lại bằng ân sủng mầu nhiệm Phục sinh. Phaolô hoàn toàn buông xuôi vào Đức Kitô, muốn trở nên giống như Người: «vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết» (Ph 3,10-11).
Bị chói lòa trước vẻ đẹp Đấng Sống lại, Phaolô không còn mang cùng cái nhìn về chính mình, về thế giới, về sự thánh thiện và về Thiên Chúa. Phaolôâ chấp nhận vì danh Đức Giêsu trở nên nhỏ bé, nghèo hèn, mong manh, khiêm nhường, không hoàn hảo, lấy làm vinh dự không ngừng trong những yếu đuối «vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh» (2 Cr 12,10). Nơi đây Phaolô đi đúng trung tâm điểm Tin Mừng, với lời Đức Giêsu kêu gọi những người tội lỗi như Maria Mađalêna, như ông Da Kêu, như người trộm lành, «vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất» (Lc 19,10).
Khi nhận ơn Phục sinh trở lại, Phaolô được dẫn đi trên con đường Đức Kitô và loài người: «Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu» (Pl 3,13-14). Phaolô trở thành vị tông đồ hăng say về mầu nhiệm Thánh giá Đức Kitô, và từ đó kéo theo biết bao nhiêu chứng nhân theo ngài. Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, Tổng giám mục thành Milan nói như sau: «Trong Tân ước, tôi rất thích thánh Phaolô bởi vì ngài có tính năng đi đến tận cùng của vấn đề, về cái triệt để của ngài, đã đảo lộn và đốt cháy tôi».
Lễ Thánh Phaolô, tông đồ trở lại được đặt kính sau lễ Hiển Linh, có ý giúp chúng ta hiểu rõ thêm mầu nhiệm Chúa Kitô hiện diện và sống động trong lòng Giáo hội. Chính Đức Giêsu mạc khải Qua Giáo hội. Trên đường Đa màt, Người không nói «Saul Saul, tại sao ngươi bắt bớ các môn đệ ta? nhưng lại nói: Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ ta?. Điều đầu tiên Phaolô khám phá trên đường Đa mát là Chúa Kitô hiện diện trong Giáo hội.
|