“Chiên của ta thì nghe tiếng Ta, ta biết chúng và chúng biết Ta” (c.27). Để nói lên mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh tình phụ tử. Nay Chúa dùng hình ảnh mục tử và bầy chiên.
Đối với dân Do thái sống đời du mục, bầy chiên là chính sản nghiệp và là tương lai của gia đình họ. Những gì cần thiết như thức ăn, bơ, sữa, thịt, áo len mặc, họ đều lấy từ con chiên. Nhưng ngoài giá trị đó còn có một tình cảm đặc biệt giữa chủ và chiên. Sống mãi với bầy chiên, mục tử dần dà biết rõ từng con chiên một và yêu thương chúng. Người chủ xem con vật như người bạn đường (cf. 2Sm 12,1-4). Có lẽ vì lý do đó mà mục tử lo lắng nhiều cho con chiên. Họ săn sóc từng con mạnh khỏe hay đau yếu, lo cho chúng an toàn. Chiều về dẫn vào chuồng, có người canh coi cẩn thận. Họ thường đặt tên gọi riêng cho những con đầu đàn hay con nào dễ thương. Bây giờ họ nuôi kỹ thuật hơn nhiều, có hình chụp từng con, mỗi con một tên, mỗi con một lý lịch ngày sinh, ngày xén lông và đặc tính từng con…
Chúa Giêsu đã dùng ngay hình ảnh nuôi chiên đó để nói lên lòng tốt của Ngài đối với mỗi người. Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn chiên lạc (Mt 18,12-14), Chúa gọi các con cái Chúa là chiên bé nhỏ (Lc 12,32), Chúa thương cho bầy chiên tan tác (Mc 14,27), Chúa thương các chiên lạc nhà Israel (Mt 10,6.15,24)… tất cả tâm tình ấy gói ghém trong chữ “Mục tử tốt lành”… “Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta” (c.27). Và đó cũng là chân lý làm nên một đoàn chiên. Sự hiểu biết đây là hiểu biết bằng con tim, bằng tấm lòng nữa. Người Do thái xưa kia đã thiếu điểm đó. Họ đòi Chúa cho xem phép lạ vì tinh thần họ là thế (Gio 8,32). Họ sợ ánh sáng (3,19,21) và cứng lòng tin (8,47) đối với Ngài là đấng tiền định quan phòng.
Còn cho chiên của Chúa thì chẳng cần những dấu hiệu bên ngoài vì họ đã biết, đã theo Ngài, đã quen tiếng của Ngài. Về phía Chúa, Chúa quả quyết Ngài từng hiết từng người, không phải là biết như biết tên tuổi hay biết một con số. Nhưng Chúa quả quyết Ngài biết từng người như biết Đức Chúa Cha của Ngài vậy (c.15). Chúa đã minh chứng sự hiểu biết kia như Chúa biết Nathanael (Gio 1,47-50), biết và gọi tên Giakêu (Lc 19,1-10), biết đời tư của thiếu phụ Samaria (4,18), Chúa biết người nào đã sờ đến tua áo và đã được lành bệnh (Mc 5,33). Chúa biết chim trên trời (Mt 6,26), tóc trên đầu (10,33), Chúa biết nơi lòng người và thấu hiểu rõ cả những hành vi kín nhiệm (Mt 6,17.27).
Đó là giáo lý nói lên Chúa biết từng người. Sự hiểu biết đó có nghĩa là Thiên Chúa quan phòng gìn giữ họ “như con ngươi mắt Ngài”. Chúa gìn giữ họ trong vòng tay Thiên Chúa toàn năng quan phòng, sự quan phòng của Thiên Chúa Cha cũng như của Thiên Chúa Con, vì Thiên Chúa Cha và Chúa Con là một (c.30), cùng một bản tính và uy quyền.
Hôm nay Chúa Giêsu cũng đang mời chúng ta là những con chiên đi theo Ngài. Nghe lời Ngài và bước đi theo Ngài. Chúa đã bước đi trước và mời chúng ta bước theo. Chúa đã đi sang Belem, sang Ai cập, về Nazareth, lên Giêrusalem, núi cây Dầu, núi Sọ và về trời. Con đường Chúa đi tuy hẹp lối khúc khủyu thật nhưng Chúa nói trước sẽ đi tới “đồng cỏ xanh tươi Chúa suối nước trong lành” (Tv 23). Xin Chúa dọn lối cho chúng con bước từng bước theo chân Chúa về nhà Chúa.