Khi đọc Kinh Tin kính, đến tín điều diễn tả việc Ngôi Lời nhập thể trong lòng Đức Maria, Phụng vụ khuyên chúng ta cung kính cúi đầu hoặc bái gối, để tưởng niệm một thời khắc lịch sử quan trọng của ngày Truyền tin: với lời thưa “Xin vâng” của Đức Maria, “chốc ấy” Ngôi Lời đã hóa thành xác thịt nơi cung lòng của Mẹ. Đấng vĩnh cửu đã bước vào thời gian. Thiên Chúa đã đến cắm lều và cư ngụ giữa con người.
Thiên Chúa làm người. Đây không phải câu chuyện hoang đường, mà là một trong ba “Mầu nhiệm cả” của đức tin Kitô giáo. Mầu nhiệm này diễn tả mối tương quan gần gũi giữa Thiên Chúa và con người, đồng thời trình bày cho ta thấy một quan niệm rất đặc biệt về Ngài.
Từ thuở con người được sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên họ giống hình ảnh Ngài (x St 1,27). Khi nói con người giống như Thiên Chúa, cũng có nghĩa là Thiên Chúa giống như con người. Khi tạo dựng con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa trân trọng họ, muốn tạo mối liên hệ rất thân thiết với họ. Là Đấng Sáng tạo, Thiên Chúa không chỉ để lại dấu ấn của Ngài nơi các tạo vật khác như thiên nhiên vũ trụ, mà Ngài muốn in dấu hình ảnh của Ngài nơi khuôn mặt con người, để rồi khi nhìn thấy con người là người ta có thể nhận ra một phần vinh quang của Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa còn muốn tự đồng hóa với con người, mặc dù Ngài là Tạo Hóa, còn con người chỉ là thụ tạo. Chân dung Thiên Chúa được thể hiện rất độc đáo qua lối trình bày này. Sau này, mối tương quan ấy được chính Chúa nhấn mạnh trong lời phán với ông Môisen từ bụi gai cháy bừng: “Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia” (Xh 3, 15). Chắc chắn ông Môisen và mọi con cái Israel khi nghe những lời này đều hồi tưởng về những điều lạ lùng Thiên Chúa đã làm đối với Tổ phụ của họ trải qua suốt bề dày lịch sử dân tộc. Thiên Chúa tạo dựng con người không chỉ giống như người thợ gốm nặn nên những chiếc bình, mà Ngài còn chủ động đặt mối tương quan thân tình với họ, làm cho họ nên giống như Ngài.
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Lời loan báo của Tin Mừng dẫn chúng ta tới một quan niệm mới về Thiên Chúa. Ngài không chỉ ở trên tầng cao xanh vời vợi, nhưng Thiên Chúa tối cao đã làm người. Lời loan báo này không khỏi làm cho mọi thế hệ ngỡ ngàng, vì khái niệm một Thiên Chúa làm người vừa lạ tai vừa mâu thuẫn. Có lẽ nào Thiên Chúa là Đấng trời đất không thể nào chứa nổi lại mang xác phàm, với hình hài một con người như chúng ta? Tác giả Tin Mừng thứ bốn muốn khẳng định với chúng ta rằng, Đức Giêsu, nhân vật mà ông sắp giới thiệu là Đấng đã hiện hữu ngay từ khởi đầu. Người vẫn “hướng về Thiên Chúa và Người là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Vậy mà nay Ngôi Lời toàn năng ấy đã mang lấy xác phàm của con người. Vì thế, từ câu 14 của chương 1, không bao giờ tác giả nhắc đến Ngôi Lời nữa, vì theo ông, Ngôi Lời đã hiện thân nơi vị ngôn sứ thành Nadarét có tên là Giêsu.
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Các tác giả Tin Mừng đều chứng minh cho chúng ta thấy điều đó. Thiên Chúa làm người không chỉ là mượn thân xác con người theo kiểu “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Đức Giêsu là một Con Người thực thụ, như bao con người khác sống trong kiếp nhân sinh, chỉ trừ tội lỗi. Người đã mệt mỏi bên bờ giếng vào lúc buổi trưa; giận dữ và ngạc nhiên vì sứ điệp cứu độ mình muốn chuyển tải không được đón nhận; đau buồn sợ hãi trước lúc bước vào cuộc khổ nạn; cô đơn kêu cứu trong khi hấp hối trên thập tự. Những tâm trạng ấy chứng minh cho thấy Thiên Chúa thực sự làm người như bao người chúng ta.
Lễ Giáng sinh là lễ của niềm vui. Tôi vui vì Đức Giêsu đã mang thân phận con người giống như tôi, vì nơi tôi có hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng vô hình đã trở nên hữu hình. Lễ Giáng sinh cũng nhắc tôi hãy yêu mến cuộc sống này, vì Đức Giêsu đã chọn cuộc sống này để loan báo ơn cứu độ. Cũng chính nơi cuộc sống này mà tôi được kêu gọi thực thi giáo huấn của Chúa, nhờ đó tôi trở nên hoàn thiện như Cha trên trời, theo con đường Đức Giêsu chỉ dẫn.
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Biến cố lịch sử cách đây hơn hai ngàn năm cũng là biến cố của ngày hôm nay. Đức Giêsu vẫn đang hiện diện giữa lòng nhân thế. Sự kiện Giáng sinh không chỉ là một câu chuyện cổ tích của thời xa lắc xa lơ, nhưng là sự hiện diện của Thiên Chúa làm người và ở với nhân loại cho đến ngày tận thế. Là người tin Chúa, cuộc sống tôi không còn phải là những nẻo đường cô đơn xa tắp, mà có Chúa cùng đi dẫn đường. Trong đức tin, tôi vẫn có thể chiêm ngưỡng Hài Nhi Giêsu mỗi ngày, giống như những mục đồng tại Bêlem năm xưa. Vâng, Người đang ở nơi đây, giữa cuộc sống này. Tôi có thể nhận ra Người bằng nhiều cách khác nhau, nhất là bằng lời cầu nguyện và nghĩa cử sẻ chia bác ái.
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Đã hơn hai ngàn năm sứ điệp này được loan báo, nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa gặp được Đấng làm người ở giữa chúng ta. Xung quanh tôi có nhiều người coi sự kiện Giáng sinh như một câu chuyện hoang đường, nhằm ru ngủ con người trước những bất công của cuộc sống. Là người tín hữu, tôi có sứ mạng làm cho sứ điệp Giáng sinh trở nên hiện thực nơi môi trường tôi đang sống, nhằm làm cho Nước Chúa được thực hiện nơi trần gian, hướng về sự hoàn thành của Nước Trời vĩnh cửu. Nếu những người xung quanh chưa được nghe nói về Chúa hoặc chưa được gặp Chúa, thì họ lại có thể nhận ra Chúa qua cuộc đời của tôi, vì tôi phản ánh sự tốt lành của Ngài. Lời sứ thần trong đêm Giáng sinh: “Này đây tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân…” (Lc 2,10) cũng là sứ điệp được trao phó cho tôi, để tôi loan báo cho anh chị em mình. Sau khi đến chiêm ngưỡng khung cảnh an bình thánh thiện nơi Hang đá, tôi sẽ lên đường với sự nhiệt thành và hối hả, giống như những người mục đồng năm xưa, để nói với anh chị em tôi rằng: “Chúa đang hiện diện!”, và tôi có thể làm chứng một cách mạnh mẽ như thánh Gioan tông đồ: “Tôi đã thấy Chúa”.
Một điều nghịch lý là, nếu Thiên Chúa cao sang đã muốn mang thân phận con người, thì nhiều lúc con người lại muốn từ chối thân phận làm người của mình. Kinh nghiệm đau đớn này bắt nguồn từ đôi lứa nhân loại đầu tiên, ông Ađam và bà Evà. Họ đã nghe lời con rắn, muốn phủ nhận thân phận làm người để đòi ngang hàng với Thiên Chúa. Hậu quả là họ phải chuốc lấy đắng cay cho bản thân mình cũng như cho hậu thế. Câu chuyện thời xa xưa cũng diễn tả thực trạng của con người qua mọi thời đại. Thực thế, con người phủ nhận thiên chức làm người khi tranh quyền Thiên Chúa, tìm đến cái chết để tự kết liễu đời mình. Họ cũng phủ nhận thiên chức cao quý ấy khi đang tâm loại trừ và hủy diệt lẫn nhau như những hành vi gây hấn, chiến tranh, hận thù, bạo lực, sát nhân, phá thai… Con người có khuynh hướng không muốn làm người!
Vâng, Thiên Chúa đã đến trần gian, “và những ai đón nhận Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”(Ga 1,12). Bên Hang đá máng cỏ, hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta trở nên những con người đích thực, để rồi nhờ đó mà chúng ta trở nên con của Đấng Tối Cao.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên