Nữ ngôn sứ Anna

Anna là một trong những phụ nữ khá bất thường trong Kinh Thánh. Được giới thiệu vào cuối trình thuật Sinh hạ  (Lc 1,1-2,40), Anna kết thúc bộ sáu những người Israel đạo đức chung quanh cuộc hạ sinh diệu kỳ của Gioan và Đức Giêsu. Những người khác là Zacharia, Elizabeth, Maria, Giuse và Simeon. Anna xuất hiện vào ngày lễ thanh tẩy của Maria, Giuse và con trẻ Giêsu trong Đền Thờ, 40 ngày sau khi cuộc hạ sinh của Đức Giêsu (Lc 2,22-38). Đây là cảnh rất quen thuộc trong nền văn hóa Israel, và luật buộc hiến tế một con chiên hoặc cặp chim câu hay chim gáy sau khi sinh con trai (Lv 12,2-8).

Tuy nhiên, cuộc lễ này không giống như những ngày thanh tẩy khác vì Simeon và Anna đến dự cách độc lập với nhau, dù rằng cả hai dường như được Thiên Chúa hướng dẫn (Lc 2,22-38).

Cặp Simeon và Anna trong Luca là một so sánh thú vị. Simeon đến trước, và Luca ghi lại nhiều về cuộc gặp gỡ của ông. Simeon là một ông lão. Ông chúc tụng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi” (c. 29). Ông tiên báo rằng con trẻ trên tay mình là sự cứu rỗi của Thiên Chúa “đã dành sẵn cho muôn dân. Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài” (Lc 2,28.30b-32). Hãy chú ý đến cách viết khéo léo của Luca: Simeon chúc tụng Chúa trong khi bà Anna chỉ tạ ơn; ông nói tiên tri thế nhưng chính bà mới được gọi là nữ tiên tri (Lc 2,29-32.34-36).

Về bà Anna, Luca dành ba câu ngắn gọn để nói về bà như một phụ nữ lớn tuổi được kính trọng trong thế giới Địa Trng Hải (cc. 36-38). Đồng cách từ “nữ ngôn sứ” được dùng ở ngay đầu câu giới thiệu (Lc 2,36). Và như thế bà ở đẳng cấp cao hơn ông Simeon, một người đàn ông được khen ngợi là công chính và sùng đạo (Lc 2,25) và có thể là một tư tế vì ông bồng ẵm con trẻ Giêsu trên tay. Anna là nữ ngôn sứ duy nhất được nêu tên trong Tân Ước. Luca ghi tên của cha bà là ông Phanuel, không nêu tên chồng bà. Bà thuộc chi tộc Asher. Như vậy, bà nằm trong số rất ít nhân vật trong Tân Ước có ghi thêm chi tộc. Những người khác gồm Đức Giêsu, thuộc nhà Đavít và chi tộc Giuđa (Lc 2,4; Mt 1,1-16), Saul thuộc chi tộc Benjamin (Pl 3,5) và Barnabas, thuộc chi tộc Lêvi (Cv 4,36).

Luca tóm tắt cuộc gặp gỡ của bà Anna với gia đình nhỏ. Không giống như ông Simeon, lời nói gián tiếp của bà được thuật lại – song rất mạnh mẽ. Trong khi ông Simeon nói về bối cảnh rộng lớn hơn và là bối cảnh sau này của con trẻ đối với Dân ngoại và dân Israel (cc. 30-32), Anna loan truyền tin mừng ngay lập tức và có chọn lọc – “cho những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (c. 38). Bà và ông Simeon nhập đoàn cùng với những người khác trong Tin Mừng Luca nhìn nhận ý nghĩa lớn lao và rất quan trọng của con trẻ: thần sứ Gabriel (1,31-33), Elizabeth và Gioan (trong bụng mẹ) (1,42-45), Zacharia (1,76-79) và các mục đồng ở Bêlem cũng là những người loan báo tin mừng (2,11-12.20).

Là nữ ngôn sứ, bà Anna nhìn thấu được những điều vẫn còn dấu ẩn đối với người bình thường; bà nhận ra con trẻ này là ai và nói về ý nghĩa của con trẻ cho số người được chọn lọc ở Giêrusalem. Hành động của bà khẳng định lời của ngôn sứ Amos 3,7: “Vì Đức Chúa là Chúa Thượng không làm điều gì mà không bày tỏ kế hoạch của Người cho các ngôn sứ, tôi tớ của Người được biết”.

Luke mập mờ về số tuổi cao niên của bà Anna. Luca nói bà sống với chồng được 7 năm rồi ở góa. Cuộc sống góa bụa của bà kéo dài 84 năm hay bà được 84 tuổi khi cuộc gặp gỡ xảy ra (cc. 36-37). Trong trường hợp trước, có thể bà đã 105 tuổi, cùng tuổi với bà Giuđitha (Gđt 16,23). Vài học giả theo cách giải thích này: Anna kết hôn lúc 14 tuổi, hiển nhiên là độ tuổi thông thường, rồi góa chồng lúc 21, và gặp gia đình trẻ 84 năm sau đó lúc được 105 tuổi.

Tôi có khuynh hướng xem bà được 105 tuổi vì điều này cũng khớp với nhiều sự lạ và bất thường chung quanh trình thuật hạ sinh, gồm cả số tuổi cao của Zacharia và Elizabeth khi mang thai Gioan (Luca 1,7.13.18.57), và tác động của Chúa Thánh Thần phủ bóng trên Đức Maria, người có thể thụ thai mà không có quan hệ tính dục (Luca 1,31-35). Quan điểm của tôi là: số tuổi 105 không nằm ngoài trình thuật của Luca vốn đầy dẫy những cuộc viếng thăm và phép lạ – đặc biệt khi Luca nói nhiều chi tiết hơn về bà Anna. Trong sách Đệ Nhị Luật, ông Môisê nói tiên tri về chi tộc Asher, chi tộc của bà Anna, rằng “sức mạnh của ngươi bền bỉ như ngày đời ngươi” (Đnl 33,25). Chắc chắn rằng đời sống của bà Anna đã chứng minh cho điều đó.

Mô tả của Luca về lối sống của bà có vẻ như lập dị theo cái nhìn ngày nay, và hoàn toàn có thể như vậy ở thời ấy. Bà không bao giờ rời khỏi Đền Thờ (c. 37). Bà thờ phượng Chúa đêm ngày, ăn chay và cầu nguyện. Bà tham công tiếc việc, có thể làm việc 24 giờ/7 ngày. Song lối sống này khiến bà thêm sinh lực, vì bà di chuyển, ăn nói lưu loát, cảnh giác, hiểu biết và không ích kỷ.

Luca nói về thói quen thờ phượng, cầu nguyện và ăn chay của bà như là một thói quen, có lẽ hình thành từ nhiều thập kỷ qua. Hiển nhiên bà ở trong Đền Thờ hay nơi ở phụ trong đền. Một tiền lệ đã có vào những thế kỷ đầu tiên là sự hiện diện của các ca sĩ và những người đứng đầu các gia đình Lêvi, “họ được ở trong các phòng ốc, được miễn mọi việc khác, vì ngày đêm họ phải lo phận vụ của họ” (1 Sbn 9,33). Như vậy, hành vi này cũng không bất thường lắm vào thế kỷ thứ I vì có công việc trọn thời gian của các thầy Lêvi.

Anna vạch ra giờ giấc, chương trình, lộ trình và thói quen của bà. Có thể bà nghe và cầu nguyện trực tiếp với Thiên Chúa. Những người khác nhìn nhận bà là nữ ngôn sứ.  Công việc cầu nguyện là đặc tính của ngôn sứ, vì Chúa đã nói với vua Abimelech rằng ông Abraham là “một ngôn sứ và người ấy sẽ cầu nguyện cho ngươi” (Stk. 20,7). Anna biết việc ăn chay sẽ mang lại hiệu quả. Trong Kinh Thánh, bà Esther đã ăn chay ba ngày trước khi can đảm yết kiến Xerxes (Et 4,15-16), Daniel và ba người bạn ăn kiêng trước những của ngon vật lạ trên bàn ăn của vua Nabucôđônôso (Đn 1,12).

Bây giờ hãy xét đến những gì mà bản văn Luca im lặng. Luca không đề cập đến gia đình bà: có lẽ bà sống lâu hơn các con cái bà. Nhưng nếu bà còn những thành viên khác trong gia đình vẫn còn sống thì họ nghĩ gì về lối sống của bà? Họ có chia sẻ lòng đạo đức của bà khi đêm ngày thờ phượng Chúa? Bà là người giàu có sống độc lập hay có ai cung cấp lương thực cho bà? Đây là những câu hỏi không có câu trả lời vì chúng không đóng góp gì cho chủ đề của Luca.

Tuy nhiên, bản văn Kinh Thánh cũng chứa đựng những manh mối về diện mạo và tính cách của bà. Lối sống ăn chay có thể cho thấy sự gầy guộc của bà; khả năng đi khắp Đền Thờ cho thấy bà có thể lực dồi dào, thị lực và thính giác vẫn còn khá tốt; là một ngôn sứ nên bà sắc bén về tinh thần; việc nói về con trẻ cho những người ở Giêrusalem quan tâm đến ơn cứu rỗi cho thấy bà có liên hệ sâu sắc với một cộng đoàn có chung quan điểm.

Với những điều trên, Anna là mẫu gương để về già trong Kinh Thánh. Luca trình bày bà rất tích cực, như một phụ nữ không cay đắng khi đến tuổi già và là một người tràn đầy niềm hy vọng. Khi đi khắp Đền Thờ, chắc chắn bà tìm dịp giúp đỡ những người mà bà gặp gỡ. Luca mô tả bà rất sẵn sàng, dấn thân vào đời sống dân Israel và hữu ích cho Thiên Chúa. Bà có thể là gương mẫu cho các bà góa đích thực trong giáo hội mà Phaolô đã nói đến trong 1 Tm 5,5 (“Còn các bà goá đích thực, sống một thân một mình, thì đã đặt hy vọng vào Thiên Chúa và ngày đêm kiên trì đọc kinh cầu nguyện”). Có thể cho rằng những đại diện của Giao Ước Cũ -Zacharia, Elizabeth, Simêon, và bà Anna ghiền thờ phượng Chúa – dù đã già nhưng họ khéo léo làm những người chuyển tiếp cho Giao Ước Mới.

Robin Gallaher Branch (Victory University, Memphis, Tennessee)
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.