Nhà tu đức học nổi tiếng người Ấn Ðộ là cha Anthony de Mello có kể câu truyện ngụ ngôn:
Một vị giáo sĩ nọ đến gặp một tiên tri và xin ngài cầu nguyện cho một đôi vợ chồng trẻ: họ là những người rất mực đạo đức, nhưng không có con. Nghe thế vị tiên tri trả lời: “Ta rất lấy làm tiếc, Chúa không muốn cho họ có con”.
Thế nhưng, 5 năm sau, vị giáo sĩ trở lại thăm đôi vợ chồng trẻ, lần này ông nghe thấy tiếng trẻ con cười đùa trong nhà. Người chồng giải thích rằng cách đây 5 năm, có một người hành khất lang thang trước nhà họ, người chồng mời người hành khất vào nhà, cho ăn uống và mặc quần áo mới cho. Trước khi từ giã, người hành khất đã chúc lành cho đôi vợ chồng trẻ và Chúa đã ban cho họ được hai đứa con.
Vị giáo sĩ trở lại gặp vị tiên tri để xin một lời giải thích. Vị tiên tri mỉm cười trả lời: “Ta chỉ có thể nói rằng có một vị thánh đã đến thăm đôi vợ chồng trẻ này, và nhờ lời chúc phúc của ngài, họ đã có được hai đứa con; các thánh có cách thay đổi chương trình của Thiên Chúa”.
Một cuộc sống thánh thiện lúc nào cũng có âm hưởng trên người khác, một chứng tá đức tin luôn có sức đánh động người khác. Ðó có thể là ý tưởng nổi bật trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói đến trái tốt từ cây tốt. Qua kiểu nói này, hẳn Chúa Giêsu muốn nói đến những thể hiện đích thực của lòng tin: một đức tin chân thật luôn đi đôi với việc làm cụ thể. Chính Ngài đã nói: “Không phải những ai đã nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thực hành ý Chúa mới được vào mà thôi”. Thánh Giacôbê đã lấy lại giáo huấn này khi ngài viết: “Ðức tin không có việc làm là đức tin chết tận gốc rễ”.
Chúa Giêsu tỏ lòng cảm thông và tha thứ cho những yếu hèn và vấp ngã của con người, nhưng Ngài không hề dung chấp cho thái độ giả hình của những người Biệt phái. Ngài gọi họ là những tiên tri giả, những người đội lốt chiên mà bên trong là lòng dạ của sói dữ. Họ trưng bày một bộ mặt đạo đức, nhưng cuộc sống của họ gồm toàn những hành động xấu xa.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước thói giả hình. Bao lâu giữa niềm tin và cuộc sống còn có khoảng cách, thì bấy lâu chúng ta vẫn còn là những kẻ giả hình; trên cây đức tin của chúng ta chỉ có những quả xấu; cuộc sống chỉ còn là những phản từ, hay nói theo ngôn ngữ quen thuộc: chúng ta làm ố danh sự đạo. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ tín hữu Côrintô: Những người rước Mình Thánh Chúa mà vẫn tiếp tục sống trong chia rẽ và kỳ thị, là những người sống trong mâu thuẫn không thể chấp nhận được, và họ rước Mình Thánh Chúa một cách bất xứng. Bí tích Thánh Thể không thể tách rời khỏi giới răn yêu thương: người ta không thể rước Mình Thánh Chúa mà đồng thời lại sống xa lạ với anh em đang bị đói khát, đau yếu, tù đày. Từ việc rước lễ phải nẩy sinh trong chúng ta sức mạnh của niềm tin yêu khiến chúng ta cởi mở với tha nhân, có lòng từ bi đối với những người sống trong túng thiếu và quẫn bách.
Ước gì chúng ta luôn biết thể hiện đức tin của chúng ta bằng những hành động cụ thể. Ước gì hoa trái của đức tin chúng ta trở thành của ăn có sức nuôi dưỡng bồi bổ đối với những người xung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)