Ga 16, 23b-28
1. “Cứ xin đi, anh em sẽ được”
Đức Giê-su đang tâm sự với các môn đệ trong bầu khí của bữa tiệc ly, nghĩa là bầu khí của tình yêu đến cùng được Đức Giê-su diễn tả qua cử chỉ rửa chân và nhất là qua mầu nhiệm Thánh Thể. Trong bầu khí này, Đức Giê-su nói: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15, 8).
Và hoa trái mà Đức Giê-su chờ đợi nơi người môn đệ để tôn vinh Chúa Cha, chính là tình yêu các môn đệ dành cho nhau: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (15,17). Tình yêu các môn đệ được mời gọi dành cho nhau, không phát xuất từ chính nỗ lực của các môn đệ, nhưng phát xuất từ Tình Yêu Ba Ngôi: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (c. 9); và “chính Chúa Cha đã yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy” (c. 27).
Vậy, khi Đức Giê-su mời gọi chúng ta xin: “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn”, chúng ta, với tư cách là người môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta sẽ xin điều gì, để Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta và làm cho chúng ta ở trong niềm vui trọn vẹn, nếu không phải là xin trở thành người môn đệ “sinh nhiều hoa trái”? Thế mà, người môn đệ “sinh nhiều hoa trái” mà Đức Giê-su mong muốn, là những người biết yêu thương nhau và làm lan truyền tình yêu như Ba Ngôi Thiên Chúa và cho Vinh Danh Chúa Ba Ngôi, trong giáo xứ, cộng đoàn, gia đình và trong môi trường sống của mình.
2. “Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha”
Nhưng Chúa Cha không chỉ sẵn lòng ban cho chúng ta điều chúng ta xin, nhưng còn bày tỏ chính ngôi vị của Người cho chúng ta nơi Đức Giê-su: “Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở”. Nếu chúng ta hiểu lịch sử cứu độ là lịch sử qua đó Thiên Chúa bảy tỏ khuôn mặt đích thật của Người, khuôn mặt mà ma quỉ đã làm cho con người hiểu lệch lạc (x. St 3), thì lời này của Đức Giê-su là điểm tới, là điểm hoàn tất của lịch sử cứu độ. Như Ngài sẽ nói trên Thập Giá: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 28-39).
Như thế, chúng ta được mời gọi nhận ra Chúa Cha, không còn qua những dụ ngôn nữa, hay nói rộng hơn, qua những dấu chỉ nữa, nhưng là qua chính ngôi vị của Đức Giê-su, qua chính Lời của Đức Giê-su. Xin cho chúng ta cảm nếm chính Thiên Chúa, khi chiêm ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Đức Giê-su, nhất là mầu nhiệm Vượt Qua.
3. Đức Giê-su từ Chúa Cha mà đến, và Ngài trở về với Chúa Cha
Đức Giê-su từ Chúa Cha mà đến, và Ngài trở về với Chúa Cha ngang qua hành trình Vượt Qua. Như thế, đường đi của Ngài không phải là con đường «thăng thiên» trực tiếp quang vinh, nhưng là con đường đi ngang qua cái chết, và là cái chết bi đát nhất.
Nhưng Đức Giê-su đã nói: «Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy… Và ai thấy Thấy là thấy Chúa Cha». Như thế, con đường Thầy đi qua và cùng đích Thầy hướng đến đều hội tụ nơi ngôi vị của Đức Giê-su. Nhưng tất cả vấn đề là ở chỗ, con đường Thầy đi là con đường Thập Giá, là con đường «điên rồ và sỉ nhục». Nhưng, đối với Thiên Chúa, đó lại là con đường của «sự thật và sự sống», là con đường của «sức mạnh và khôn ngoan», là con đường diễn tả chính Thiên Chúa, diễn tả dung nhan rạng người của Ngài, có khả năng làm cho chúng ta no thỏa.
Đó là điều không thể biết, chúng ta chỉ có thể cảm nếm đích thân mà thôi. Xin cho chúng ta kinh nghiệm được rằng mình đang ở trong sự thật và sự sống, đang ở trong Thiên Chúa Cha, đang được Chúa Cha yêu mến, khi đi trên con đường Đức Giêsu đã đi.
Giuse Nguyễn Văn Lộc