Ngại nói về Thiên Chúa là mắc nợ với tha nhân

“Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” Toàn bộ bài sai được tóm gọn trong mấy lời này. Nhưng tôi tự hỏi, ai là người đau yếu và họ có liên hệ gì với việc Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần? (Lc 10,1-9)

Câu hỏi thứ nhất nghe có vẻ hơi thừa, nhưng có lẽ vì cảm giác hơi thừa ấy mà dường như nó đã bị lãng quên, đúng hơn là được để ý không đủ. Người đau yếu, phản xạ thông thường sẽ khiến ta nghĩ ngay đến những người đang có bệnh, những người ốm đau. Thế nhưng nếu chỉ là những người bệnh tật thể lý thì hóa ra các môn đệ được sai đi làm thầy thuốc, việc đó chẳng phải đã có những người có chuyên môn y khoa làm rồi sao và đối tượng tin mừng như thế cũng rất khu biệt? Điều đó khiến ta phải đặt lại mỗi liên hệ giữa những người đau yếu và Triều Đại Thiên Chúa. Những người đau yếu ở đây, hẳn có một nội hàm rộng hơn nhiều, nhất là khi lời tin mừng vốn mang trong mình ơn cứu độ phổ quát. Đó phải chăng là những người chưa từng được nghe tin mừng, và đang buông mình trong muôn nẻo lầm lạc của thế gian….Những người đang có một đời sống tinh thần yếu nhược, đang kiệt quệ kháng thể vì bị các đam mê thế tục tấn công. Nếu là như thế thì con số bệnh nhân sẽ là rất nhiều và hơn ai hết, họ đang cần được cứu chữa, cần được dẫn ra, cần được vực dậy, cần phải giúp họ trở về với thể trạng lành mạnh và cường tráng như xưa. Khi đó hãy nói cho họ biết rằng Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.

Thế nhưng đó lại là công việc chẳng hề dễ dàng. Vì một lẽ, để nói về Đạo Chúa cho một người có thiện chí đã khó, phương chi với người đang nô lệ những chứng nan y sai lạc. Đầu óc con người ta không phải là một cái bình sành, để ai muốn cất giữ thứ gì thì cứ việc mở nắp mà đổ vào đó. Đức tin lại càng không phải là một thứ kiến thức, chỉ cần chứng minh bằng các quy luật vật lý, toán học là có thể đưa đến sự xác tín. Có một thực tế là với những người chưa nhận biết Chúa, chưa có ý niệm về một Đấng tạo dựng, cứu chuộc và quan phòng, thì việc nói cho họ về một Thiên Chúa hiện diện, là nguyên nhân cho ta hiện hữu, an bài mọi sự trong đời ta, hằng yêu thương và đã chết cho, chết vì chúng ta là việc chẳng dễ dàng. Chính điều này, lúc này lúc khác đã trở thành chước cám dỗ cho nhiều người. Vì nhìn thấy những khó khăn là quá lơn, mà hoặc ươn lười, không dám dấn thân, hoặc bi quan, nghĩ rằng, bao nhiêu thừa sai, linh mục đã ra đi và đang ra đi rao giảng, còn chưa ăn thua gì, mình là ai mà có thể lao vào một sứ mệnh dù rất cao cả, nhưng hiệu quả xem ra quá mờ mịt ấy. Như thế là ta đã quên lời căn dặn của Đức Giêsu, đã bỏ qua vai trò của Người. Bởi Ngài muốn chúng ta đi trước, loan báo trước, còn kết quả cuối cùng, tức là đưa tới sự hoàn tất là do chính Ngài. Luca viết rõ: Ngài sai “các ông đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến”. Và đó là những chuẩn bị không còn phải suy xét chuyện nên không, mà là một mệnh lệnh: “Hãy”.

Nói là Kitô hữu, nhưng nhiều người trong chúng ta lại có những lúc ngại nói về Đức Kitô và chương trình của Ngài cho người khác. Chúng ta lấy việc siêng năng đọc kinh, đi lễ, đi nhà thờ làm quy chuẩn cho đời sống đức tin của mình, mà quên mất bổn phận của người được sai đi. Chúng ta đóng khung đời sống đức tin trong nhà thờ, trong xóm đạo mà quên mất việc đi đến và nói về Chúa cho những người anh em chưa nhận biết Chúa. Mỗi người một địa vị, một nghề nghiệp, đó là cơ hội Chúa đã chuẩn bị sẵn, để qua tình đồng nghiệp, qua các tương quan xã hội của mình, chúng ta rao truyền đức tin cho họ. Ngài muốn chúng ta đi vào mọi ngõ ngách của cuộc đời, để chữa lành vào rao truyền tin mừng cứu độ, nhưng chúng ta chẳng những không làm, mà nhiều khi đời sống, lối hành xử, nhân cách của chúng con còn làm cho người ta mất thiện cảm, thiếu tin tưởng vào Đạo Chúa. Từ đời đời, Chúa đã dự liệu cho toàn thể nhân loại vào hưởng yến tiệc nước Trời. Nếu chúng ta không ra đi, không rao truyền đức tin, không rao truyền sứ điệp bình an, là chúng ta đang mắc nợ những anh chị em đó.

Lạy Chúa, Chúa cho con được cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài. Xin cho con đừng vì ươn lười mà bê trễ sứ mạng của người môn đệ. Xin cho con ơn can đảm, để mỗi ngày, qua công việc con làm, những người con gặp, con biết nối một nhịp cầu cho họ bước vào Triều Đại của Ngài, nhất là với những người chưa nhận biết Chúa.
Xin cho biết nói gương các tông đồ xưa, dù kém cỏi, thiếu thốn mọi bề, nhưng luôn quảng đại ban phát lời và sự bình an của Chúa cho người khác. Nhờ đó mà ngày hôm nay, chúng con được xưng danh là Kitô hữu.

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.