Trong hành trình đi loan báo Tin Mừng, người ngôn sứ trong Cựu Ước gặp biết bao từ khước, bị chống đối và thậm chí còn bị đe doạ đến tính mạng. Thánh Gioan Tẩy Giả vì nói lên tiếng nói chân lý, muốn bảo vệ luân lý đạo đức mà ngài đã bị chém đầu. Chúa Giêsu – Vị ngôn sứ quyền năng không thoát khỏi số mệnh đã dành riêng cho Ngài.
Mặc dù Chúa Giêsu đã đem Tin Mừng cho người nghèo, giải phóng kẻ bị áp bức và kẻ bị cầm tù, đem ánh sáng cho người mù, bảo vệ kẻ cô thế cô thân, và chữa lành bệnh tật. Cho dù Ngài chỉ nói lời yêu thương, khuyến cáo cảnh tỉnh người lầm lạc trở về, thế mà Ngài lại bị lên án và bị giết chết trên Thập Giá.
Vào một ngày Sabat, Chúa Giêsu vào hội đường và người đã chữa lành bệnh cho một người bại tay. Vì trung thành với luật Môisen, nên các kinh sư Pharisêu bực tức. Đối với các luật sĩ biệt phái thì họ chú ý đến hình thức giữ luật hơn là mục đích của lề luật.
Vì thế họ đã trách Chúa Giêsu khi Ngài chữa bệnh trong ngày Sabat. Theo quan niệm của người Do Thái thì việc làm vinh danh Thiên Chúa là tuân giữ luật buộc của ngày Sabat. Nhân cơ hội ấy, Chúa Giêsu dạy cho họ biết: mọi lề luật đều được làm ra vì con người, và điểm qui hướng mọi giới luật là mến Chúa, yêu người. Chúa Giêsu không muốn họ giữ luật bằng hình thức mà còn muốn dẫn họ đi xa hơn, tiến đến lý do sâu sa hơn đó là tuân giữ lề luật bằng sự yếu mến Thiên Chúa và tha nhân.
Trang Tin Mừng Lc 6, 6-11 hôm nay nói lên mầm mống chống đối của những kẻ không ưa Ngài, muốn tìm cách hãm hại và loại trừ Ngài. Chúng ta hãy cùng Ngài bước vào cuộc đối đầu đã khởi sự.
Mở đầu với câu 6, Thánh sử giới thiệu một ngày làm việc của Chúa Giêsu : Ngài vào hội đường và giảng dạy. Đó là công việc của vị ngôn sứ và cũng vì việc này mà Ngài được Chúa Cha uỷ thác xuống trần. Ngài không nói lời của Ngài nhưng là lời phát xuất từ Chúa Cha và chính Ngài là Ngôi Lời hằng hữu muôn đời. Ngài nói lên tiếng nói Tình Yêu Thiên Chúa muốn chia sẻ hạnh phúc với con người.
Bài giảng của Chúa Giêsu hôm nay được gắn kết với hành động. “Ở đó có một người khô bại tay phải”: Bàn tay con người là dụng cụ lao động để kiếm sống. Bàn tay cũng là cách diễn tả tâm trạng: vui buồn, chúc phúc, thề hứa và cũng để cầu nguyện thờ lạy. Tay anh bị khô bại nên mất đi hết hiệu lực trên và đó là một thiệt thòi, một lỗ hỗng trong cuộc sống của anh.
Hôm nay anh là nhân vật chính. Anh là nơi để Thiên Chúa thi ân giáng phúc nhưng anh cũng là nguyên nhân để người pharisêu phản đối và tố cáo một con người: Đức Giêsu. Họ đang rình xem Chúa Giêsu có chữa bệnh cho anh không, chỉ để tố cáo.
Những người Pharisiêu trong đoạn Tin mừng họ vẫn biết yêu thương người khác, họ vẫn biết chữa lành cho người bệnh là điều nên làm do bản tình thiện trong con người học nhưng họ gặp phải giới luật giữ ngày sabat và họ đã từ chối thi thố tình yêu trong ngày sabat. Như vậy con người họ không được thống nhất và họ mất bình an.
Còn Chúa Giêsu thì khác hẳn, Người đến không phải để huỷ bỏ lề luật nhưng Người kiện toàn nó bằng giới luật yêu thương. Nếu không có tình yêu thương thì việc giữ lề luật như một cái xác không hồn. Cách tuân giữ lề luật trên hết là tôn vinh Thiên Chúa. Tôn vinh Thiên Chúa thì có nhiều cách mà yêu thương tha nhân là một cách xứng hợp.
Trong đầu chương 6, người pharisêu chỉ dám mon men đến xem xét và lên án các môn đệ của Chúa Giêsu phạm luật sa-bát: bứt bông lúa. Nhưng hôm nay, họ đã cố ý rình mò hành vi của ông thầy và muốn tiêu diệt “Tận gốc”. Chúa Giêsu hiểu được tâm địa của họ, Ngài muốn dạy cho họ về luật yêu thương, luật để cứu sống để chữa lành, đối lại cách sử dụng luật của họ, luật được đặt thêm ra trong luật Môsê, chỉ để hại nhau, để lên án tố cáo và để giết chết.
Sau khi đã giáo huấn và nhắc nhở họ về mục đích của ngày sa-bát, Chúa Giêsu đã rảo mắt nhìn họ tất cả. Một cái nhìn như nhắc nhở sự trở về, sự thức tỉnh lương tâm chai lỳ khô cứng của họ. Chúa Giêsu liền bảo người bại tay: “ Giơ tay ra!” Anh ta làm theo và tay anh được lành. ( x. c. 10). Lời Ngài có uy quyền trên bệnh tật và lời Ngài đã chứng minh Tình Yêu Thiên Chúa qua hành vi cụ thể chữa lành. Việc chữa lành của Chúa Giêsu đã đưa anh khô bại tay trở về cuộc sống đời thường nhưng lại là lúc làm cho mầm mống ghen tỵ, hiềm khích của người pha-ri-sêu gia tăng. Thánh sử Luca viết tiếp, họ giận điên lên và bàn nhau xem có làm gì được Chúa Giêsu không (c.11). Một kế hoạch được lập ra. Một âm mưu được khởi đầu chỉ vì lòng ghen ghét.
Vì thế, Ngài nói với người bại tay: “Anh chỗi dậy ra đứng giữa dây!” (c.8). Hình ảnh chỗi dậy như rũ bỏ giữ luật vì luật, giữ luật theo nghĩa đen trong hằn học, bực bội mà thiếu vắng tình yêu đồng loại. Lần này, Chúa Giêsu đi trực tiếp vào vấn đề và quyết định nói rõ, nói thẳng cho họ biết cốt lõi và tinh thần của luật: “ Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt ?”
Chúa Giêsu muốn đưa ngày sa-bát về ý nghĩa nguyên thuỷ của nó “ Ngày sa-bát được lập ra vì người ta…” (Mc 2, 27) vì bổn phận bác ái trổi vượt trên hình thức tuân giữ ngày nghỉ. Đàng khác, Ngài cũng nhận là Ngài làm chủ ngày sa-bát (x. Mc 2,28) khi làm việc lành, việc thiện trong ngày sa-bát là chúng ta bắt chước Thiên Chúa yêu thương tạo dựng vũ trụ, và Thiên Chúa còn tiếp tục cai quản vũ trụ và ban sinh khí cho con người. Ngày sa-bát đích thực là ngày con người sẽ nghỉ ngơi như Thiên Chúa và cộng tác với Ngài, hiệp thông với tâm tình của Ngài.
Thái độ của người pharisêu xưa cũng là hành vi của chúng ta ngày nay. Nhiều lúc trong cuộc sống nơi công sở, nhà máy, trường học, chúng ta vẫn có nhiều âm mưu diệt trừ lẫn nhau: một lời nói xấu, gièm pha, một hành vi phản đối hoặc thái độ “ mackeno”. Thậm chí một vài người có hành vi loại trừ Thiên Chúa như: tôn thờ chủ nghĩa vật chất, ham mê những quyến rũ của lạc thú trần gian và có những thái độ chống phá Giáo hội như : đặt điều vu khống, bắt bớ, bách hại những người ngay lành, thấp cổ bé miệng, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, trẻ em…
Mến Chúa – yêu người là đặc tính cốt yếu của Kitô giáo. Chúa Giêsu muốn con người sống tinh thần yêu thương tất cả lòng quảng đại. Chúa Giêsu khởi xướng hành động giúp người có cánh tay khô bại. Việc làm này chứng tỏ Chúa luôn yêu thương con người bằng một tình yêu vô bờ, không tính toán hay chờ đợi kêu cầu đáp trả.
Thế giới này đang chìm ngập trong mê lầm tội lỗi mà con người không nhận ra; họ tưởng là mình đang giữ luật tự do. Đang bảo vệ nhân quyền. Xin cho ta biết lấy Chúa làm cùng đích cuộc đời, chứ không phải tôn vinh cái tôi, cái “tự do muốn làm gì thì làm” mà loại trừ, giết chết người anh em đồng loại.
Huệ Minh