đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ

1. Thương yêu trẻ em

Đức Giáo Hoàng Piô khi nhận chức Giám mục Giáo phận Mantova, Ngài đã nghĩ đến người mẹ hiền và trở về thăm mẹ như để nói lên lòng biết ơn. Trong câu chuyện thân mật với mẹ, Ngài vừa nói vừa khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình: “Mẹ xem chiếc nhẫn Giám mục của con có đẹp không?” Người mẹ mỉm cười đưa chiếc nhẫn cũ kỹ trên bàn tay đầy vết nhăn cho con xem và nói: “Nếu không có chiếc nhẫn này, thì đâu có chiếc nhẫn Giám mục của con.”

Thật thế, nếu Cha mẹ không để tâm giáo dục con cái, làm sao chúng có thể nên người, nhất là nên người con của Chúa được.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy những cha mẹ tìm cách đem con cái đến với Chúa Giêsu để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng. Chúa Giêsu rất thương mến trẻ em, Ngài tỏ ra không hài lòng vì các Tông đồ ngăn cản không cho các cha mẹ đem các trẻ em đến với Ngài. Trái ngược với quan niệm coi khinh trẻ em của các tác giả đạo đức Do Thái, Chúa Giêsu đề cao trẻ em kiểu mẫu đón nhận Nước Trời: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào.” Nơi khác, Ngài bảo vệ trẻ em một cách quyết liệt: “Ai làm cớ cho một trong những trẻ nhỏ này sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn.”

Cha mẹ là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh dưỡng và giáo dục con cái, để chúng được hạnh phúc đời này, nhất là được hạnh phúc đời sau. Tuy nhiên, có những cha mẹ chỉ lo làm giàu, chứ không quan tâm xây dựng đạo đức cho con cái, cũng có những cha mẹ khoán trắng việc giáo dục đức tin của con cái cho các vị lãnh đạo tinh thần và thiêng liêng, mà quên rằng đó là nhiệm vụ trước tiên của cha mẹ do Bí tích Hôn phối và tình thương yêu đòi buộc. Con cái sống trong gia đình nhiều hơn các nơi khác, và cha mẹ cũng hiểu biết tính tình con cái hơn bất cứ ai khác, đó là những thuận lợi để cha mẹ góp phần vào việc giáo dục con cái.

Nhưng để có thể giáo dục con cái một cách hiệu quả, cha mẹ phải lo trau dồi kiến thức, cách riêng về tôn giáo, và sống đạo gương mẫu, sao cho con cái thực sự là nguồn hạnh phúc của gia đình và là triều thiên của chính cha mẹ.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả các cha mẹ. Xin Ngài soi sáng để các cha mẹ hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn, đồng thời nhiệt tâm giáo dục con cái và dẫn đưa chúng đến với Chúa.

2. Như một trẻ thơ

Kinh Thánh gọi trẻ con là “Gia nghiệp của Thiên Chúa” (Tv 127,3) và Chúa Giêsu ca tụng các em bé như bài Phúc Âm hôm nay: các bà mẹ thì bế con mình tới để Chúa chúc lành cho con cái họ. Điều này cho thấy mẹ nào cũng lo cho con. Đối với các bà mẹ, mặt trời chỉ chiếu trên con mình là thế. Người Do Thái có tục lệ là đưa con tới các vị trưởng tế giáo đường, xin đặt tay lên đầu con cái để thông truyền kiến thức khôn ngoan và nhân đức. Ngay thời tổ phụ cũng đã có thói quen này (St 48,14-15) để ban bình an và thông truyền lòng tốt sự thiện hảo… Nay thì những bà mẹ thấy Chúa Kitô đức độ, nên họ đem con tới và xin như vậy. Phúc Âm theo thánh Máccô còn nói: “Chúa Giêsu yêu thương và ẵm bế chúng nữa kia” (9,6). Còn các môn đệ thì ngăn cản, vì thấy rằng chúng làm ngăn trở việc người lớn. Hơn nữa, các môn đệ cho rằng mất thì giờ đối với con nít, vì chúng đâu đã hiểu gì về ân huệ. Giá như chúng đến xin chữa bệnh hay xin cái gì thì còn có nghĩa lý. Chứ đến xin Chúa chúc lành thì để lúc khác. Cho nên các môn đệ muốn gạt đi và ngăn cản các bà mẹ. Chúa dùng ngay dịp này để đề cao tuổi trẻ. Chúa dạy: “Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, thì sẽ không được vào nước trời” (c.15).

Trẻ nhỏ không gì? Theo nguyên chữ Do Thái, trẻ nhỏ là bởi chữ “đồ ăn”, trẻ nhỏ cần được cha mẹ nuôi nấng. Bất cứ thứ gì cha mẹ cho chúng, chúng không xem đó như một quyền lợi. Hay chúng không bao giờ nghĩ rằng cha mẹ mình có thể tự sức mình kiếm ra được. Trái lại, tất cả là lệ thuộc vào cha mẹ, vào người khác. Trẻ em tự bản năng đã ý thức được sự yếu đuối của mình. Sức mạnh của nó là sự yếu đuối của mình. Sức mạnh của nó là sự yếu đuối trước cha mẹ. Nơi cha mẹ nó dù có đau khổ nghèo túng, bất an đến đâu, nó vẫn yên trí ngủ thiếp đi.

Chúa Giêsu muốn mạc khải cho chúng ta biết, chúng ta là con cái trên trời. Chúng ta có hãnh diện không? Hay lại sợ hãi lo lắng. Là con cái Chúa, phải thật sự có tinh thần trẻ thơ là chúng ta nương tựa lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa. Trước mặt Ngài, chúng ta chỉ là hư vô cát bụi, là những đấy tớ vô ích (Lc 17,10). Chúng ta hãy lấy một ví dụ như sức khỏe chúng ta đang có đây. Chúng ta có làm chủ được sức khỏe của mình không? Có điều khiển như ý muốn mình không? Có những lần chúng ta muốn khỏe mà phải ốm đo giường đo chiếu. Có lúc chúng ta muốn ốm mà cứ khỏe nhăn răng ra. Còn nói gì đến sự sống và sự chết. Sự chết thì có ai muốn đâu mà cứ vẫn phải một lần kinh nghiệm. Còn nói đến sự sống và sự sống lại mai sau nữa.

Chúng ta có gì gọi là tốt để Ngài phải yêu đâu. Tất cả là ơn thánh Chúa ban. Chúng ta phải biết đón nhận ơn lộc của Thiên Chúa, như thái độ của một em bé đón nhận ơn huệ từ cha mẹ chúng vậy. Đó là ý nghĩa của câu: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào” (c.15)

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thật hạnh phúc vì được quây quần bên Chúa. Xin Chúa hãy chúc lành chúng con như xưa Chúa đã chúc lành cho các trẻ Do Thái. Xin ban cho tuổi thơ giáo xứ chúng con luôn hồn nhiên trong trắng, cho những năm tháng tuổi thơ luôn được cha mẹ và mọi người yêu thương. Xin đừng để tuổi thơ bị đánh mất vì thói đời giả dối, gian manh, hay vì những thói hư tật xấu làm hoen mờ hình ảnh đơn sơ nơi tuổi thơ.

Cách đặc biệt hôm nay chúng con cầu nguyện cho các bạn trẻ đang bị đánh mất tuổi thơ bởi cha mẹ, bởi xã hội thiếu quan tâm chăm sóc dạy dỗ. Ở đời vẫn còn đó những tuổi thơ không được cha mẹ đón nhận và đã bị loại trừ ngay từ thai nhi hay đang vất vưởng sống lang thang hè phố. Người ta chẳng nói ngoa chút nào khi thấy 5 đứa trẻ ngoài đường thì hết 4 đứa đang bán vé số, đánh giầy, lượm ve chai,. . . may ra còn 1 đứa được đi bên cạnh cha mẹ. Biết bao trẻ em đang rơi vào tình trạng tự ti mặc cảm, hay đang lao vào con đường tội lỗi bởi thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Biết bao trẻ em đang sống trong tuyệt vọng, đang đi vào kiếp người đầy bất hạnh bởi sự vô tâm của cha mẹ. Xin hãy gìn giữ những mảnh đời bất hạnh và ban cho các em có được niềm vui, sự trong trắng tuổi thơ. Xin cho xã hội có trách nhiệm với tuổi thơ để chia sẻ với các cha mẹ, để tuổi thơ Việt Nam mãi là con cháu lạc hồng biết sống cao đẹp, thanh thoát như con cháu rồng tiên.

Lạy Chúa, Chúa luôn yêu mến tuổi thơ. Chúng con xin phó thác tuổi thơ giáo xứ chúng con cho lòng thương xót Chúa. Amen

Lm. Giuse Tạ duy Tuyền

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.